• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

khi 14 tuổi có được đứng tên chủ quyền nhà không?

Trả lời


1. Về tính hợp pháp của việc tặng cho nhà

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên (điều 18). Tuy nhiên, người chưa thành niên vẫn có năng lực pháp luật dân sự, là khả năng có quyền và nghĩa vụ dân sự từ khi người đó sinh ra (điều 14) và năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế (điều 16).

Một trong những nội dung của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản (điều 15). Do đó, một cá nhân 14 tuổi vẫn có quyền sở hữu tài sản với một trong những nguồn gốc xác lập là được tặng, cho tài sản.

Đối với con chưa thành niên, cha mẹ vừa là người đại diện theo pháp luật vừa là người giám hộ (điều 58 và điều 141). Tuy nhiên, người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó (khoản 5 điều 144).

Đối với trường hợp của bạn, trong giao dịch thông qua hợp đồng tặng cho hai con mà một trong hai con là người chưa thành niên, vợ chồng bạn không thể tham gia với nhiều tư cách pháp lý: vừa là bên tặng cho, vừa là người đại diện và giám hộ cho bên nhận tặng cho.

Như vậy, để không vi phạm quy định của pháp luật, trong hợp đồng tặng cho nhà cho hai con, tuy hợp đồng thể hiện tên của hai người con, nhưng người con đã thành niên sẽ đồng thời là người đại diện cho người em chưa thành niên của mình để nhận tặng cho nhà từ cha mẹ.

Hoặc, để thay thế cho hợp đồng tặng cho, vợ chồng bạn có thể thực hiện tặng cho thông qua văn bản (giấy) cam kết tặng cho nhà cho hai con. Hợp đồng tặng cho nhà hay văn bản cam kết tặng cho nhà phải được chứng thực bởi ủy ban nhân dân có thẩm quyền hoặc được chứng nhận bởi tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật.

Việc tặng cho nhà phải đáp ứng các điều kiện luật định như căn nhà tặng cho không có tranh chấp, không đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án và đã có giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, đồng thời cả hai vợ chồng bạn phải đồng ý ký tên trong văn bản hay hợp đồng tặng cho.

2. Về việc đứng tên chủ quyền trong giấy chứng nhận

Pháp luật đất đai và nhà ở không có quy định cụ thể về việc người chưa thành niên (cụ thể là người dưới 16 tuổi) có được đứng tên trên giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu, sử dụng bất động sản hay không.

Tuy nhiên, thông qua các quy định pháp luật dân sự nêu trên, có thể thấy quyền đối với tài sản của người chưa thành niên là không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế cấp giấy chứng nhận tại nhiều địa phương, người từ 16 tuổi trở lên đã có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận.

Đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên. Như vậy, việc tên và cách ghi tên của người chưa thành niên được thể hiện trong giấy chứng nhận như thế nào là tùy thuộc cơ quan có thẩm quyền từng địa phương.

Trong trường hợp của bạn, do trong hai người con cùng được tặng cho nhà có một người đã thành niên nên có thể người anh sẽ đại diện cho em chưa thành niên của mình đứng tên trên giấy chứng nhận.

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân
(Theo TTO)

  • 210
  • By Admin
  • 05/12/2011
  • 17