Hà Nội không ngăn được nhà siêu mỏng
Quyết tâmCách đây 10 - 12 năm, ở Hà Nội chỉ xuất hiện khoảng 5 - 6 căn nhà siêu mỏng sau khi mở rộng 2 dự án đường Đào Tấn và Giang Văn Minh thuộc quận Ba Đình. Mặc dù chiều sâu mỗi căn nhà chỉ 2 - 3m, nhưng vẫn được xây cao 3 - 4 tầng. Lúc đó, dư luận đã phản ứng rất dữ dội, vì cho rằng những căn nhà có hình thức “quái dị” đó, không những gây nguy hiểm mà còn làm xấu bộ mặt đô thị.
Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo lại đang mọc lên ngay ngã tư Lê Văn Lương và vành đai 3 (Thanh Xuân - Hà Nội), đoạn dự án vừa mở để đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. |
Tuy nhiên, sau 4 - 5 năm, tức vào những năm 2003 - 2005, do quy hoạch được mở mang, nhiều dự án đường mở ra hoặc được mở rộng, lại có thêm hàng loạt nhà siêu mỏng mọc lên ở nhiều khu vực khác nhau. Tình hình trở nên đáng báo động! Đến năm 2007, sau nhiều cuộc họp bàn, UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội đi tới quyết tâm ngăn chặn nhà siêu mỏng. Giải pháp đưa ra là không cho xây nhà siêu mỏng trên những lô đất nhỏ hẹp, vận động các chủ sở hữu bỏ tiền mua lại của nhau để gộp thành một thửa chung (hợp khối).
Theo đó, UBND TP Hà Nội ra quy định những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m², chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Trong Luật Xây dựng (có hiệu lực từ năm 2005) cũng có riêng một điều khoản quy định: diện tích thửa đất dưới 15m² hoặc từ 15 - 40m² nhưng có chiều sâu dưới 3m thì tuyệt đối không được cấp phép xây dựng.
Nhưng từ đó cho tới nay, chẳng ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nào bị cưỡng chế dỡ bỏ, và nhà siêu mỏng vẫn cứ tiếp tục mọc lên.
Vẫn “lực bất tòng tâm”
Theo tìm hiểu, từ năm 2007 tới nay, lượng nhà siêu mỏng đã nhiều gấp 4 - 5 lần trước đó. Dường như ở đâu có đường mới mở là có ngay nhà siêu mỏng. Đặc biệt, cùng với việc mở rộng các dự án đường giao thông về phía Tây, hình thành các khu đô thị mới nằm ở các cửa ngõ thủ đô, lượng nhà siêu mỏng cũng theo đó tràn ra cả ngoại ô.
Chẳng hạn, ở cuối đường Lê Văn Lương nối dài (nối trung tâm nội thành Hà Nội với quận Hà Đông), có 2 - 3 ngôi nhà siêu mỏng vừa được trang hoàng, lăn sơn thì ở đầu đường, đoạn giao ngã tư Lê Văn Lương với vành đai 3, đang hình thành 8 - 9 ngôi nhà siêu mỏng, thậm chí siêu méo khác. Hiện tại, các chủ nhà đang thuê thợ cải tạo, xây sửa cho vừa khuôn viên bị cắt gọt, cố gắng tận dụng mặt tiền.
Nằm trên phần đường bên phải vành đai 3, cách UBND quận Thanh Xuân không bao xa, cũng có một lô nhà siêu mỏng khác. Đây là những “vết sẹo” về quy hoạch khi thực hiện dự án mở rộng đường vành đai 3 bao quanh thủ đô Hà Nội. Mặc dù các chủ không dám xây cao 3 - 4 tầng như nơi khác song vẫn tranh thủ dựng lên những ngôi nhà lụp xụp 1 - 2 tầng, thậm chí chỉ là nhà tạm, che bạt để cho khách thuê mở cửa hiệu nhỏ. Phần lớn những ngôi nhà chỉ rộng 3m, sâu hơn 1m. Bên trong chỉ đặt vừa một cái giường để ngủ. Vào nhà, nếu cần chụp ảnh cũng không có chỗ đứng mà chụp!
Cũng trên đường vành đai 3, tới đoạn giao nhau với đường Nguyễn Trãi, nút giao thông vừa mới mở và hoàn thiện dịp mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, xuất hiện một “rừng” nhà siêu mỏng mọc lên ở 4 góc giao lộ, bóp méo cả một không gian đô thị đang hướng đến vẻ đẹp hiện đại. Từ khu vực này xuôi về khu đô thị mới Linh Đàm, cũng rải rác mọc lên những ngôi nhà siêu mỏng khác. Mỗi nhà có một kiểu “mỏng” khác nhau. Có nhà chiều sâu chỉ 1 - 2m, dựng lên như một bức tường. Có nhà chiều rộng mặt tiền chỉ từ 1 - 1,5m chạy sâu vào trong.
Thậm chí, ở đường Kim Liên (nơi được mệnh danh là đường đắt nhất hành tinh do mức chi phí đền bù giải tỏa cao), có ngôi nhà diện tích 16m² nhưng được xây cao 5 tầng, hình tam giác ngất nghểu. Ở đây, lượng nhà siêu mỏng mọc lên dày đặc, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội có khoảng 70 căn nhà siêu mỏng, hình thù kỳ dị. Còn ở đường Đồng Tâm, có ngôi nhà chỉ rộng 5m². Nhưng kỷ lục về nhà siêu mỏng phải kể đến ngôi nhà chỉ có diện tích 2,8m² nằm trên đường Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) nhưng được xây lên tới 2 tầng.
Mặc dù đã có quy định không cho xây dựng nhà trên những thửa đất rộng dưới 15m² nhưng theo nhiều chủ sở hữu, do vị trí nhà nằm ngay mặt tiền các con đường lớn, nên nó bỗng nhiên trở thành những “khu đất vàng, đất bạc”, mỗi mét vuông có giá tới cả trăm triệu đồng, nên chẳng ai muốn “bỏ hoang” cả. Thậm chí, chỉ cần xây lên cho thuê, mỗi tháng cũng được 4 - 5 triệu đồng. Đây là một trong những lý do Hà Nội không ngăn được cơn lốc nhà siêu mỏng, siêu méo cứ ngày càng mọc lên nhan nhản khắp địa bàn, năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn đã có tới hơn 260 ngôi nhà siêu mỏng, không phù hợp quy định kiến trúc, cảnh quan, hầu hết đều nằm trên những tuyến đường mới mở.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, tuy Hà Nội có quy định cấm xây nhà siêu mỏng, nhưng lại không có chính sách thu hồi hoặc mua lại phần đất nhỏ. Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khó có thể bắt người dân bỏ hoang. Do đó, chỉ có giải pháp yêu cầu các chủ sở hữu thương thảo, mua lại của nhau để hợp khối, nhưng việc này cũng gặp khó khăn.
Chẳng hạn trên đường Kim Liên nối dài, hiện mới chỉ có 40 gia đình thương thảo xong việc hợp khối, 30 gia đình còn lại không tự giải quyết được, vì các chủ ở phía trong đều hét giá bán quá cao. Hiện nay, Hà Nội cũng đang đưa ra đề nghị khi có dự án thì thu hồi rộng thêm phần diện tích sang hai bên để quy hoạch thành những khu đô thị kiểu mẫu, đồng thời cân nhắc lại việc quy hoạch ở những khu dự án mới, có vậy mới hạn chế được nhà siêu mỏng.
(Theo SGGP)
- 0
- By Admin
- 12/11/2010
- 17