Yên tĩnh một chốn về
Trong căn nhà vườn mà tổng diện tích lên tới gần 360m2 của ông Ba Duy, thì nhà ở chỉ chiếm 130m2. Hơn 200m2 vườn còn lại, ông dành ra chỉ để tãi, lẩy, ngắm, vuốt… chừng mười dáng cây. Ông bảo 20m một cây như thế là vừa. Mà theo cách của ông giới thiệu cây, thì tôi cứ liên tưởng mười dáng cây ấy với mươi lời thơ riêng lẻ tản mát trong không gian khu vườn, rồi tùy lựa vào tâm trạng của chủ nhân mà vươn trải, liên nhập, xoắn kết để mà khai mở những hình dung siêu thực về một ngoại giới thu nhỏ, hẳn cây cũng “ý tại ngôn ngoại” như lời.
Nhà ông dựng theo chỉ vẽ của một người bạn hoạ sĩ. Trên tường cổng, bờ rào hay đổ bám theo hiên nhà, ông trồng giống cây vẩy ốc, hay thường gọi là cây thằn lằn, vừa xanh mát mắt vừa cách nhiệt cho không gian ở. Tầng dưới ẩn sau hàng hiên cột gỗ, trổ nhiều cửa sổ to trông ra vườn. Bày biện trang trí thoáng nhưng vừa đủ mà niêm cẩn. Ông cắt nghĩa rằng, tuy bận bịu đi về với vườn ươm, chăm tới trăm gốc cây thế và cửa hàng cây ở Láng Hạ, nhưng những lúc có thời gian thì cái thú vui của ông vẫn là cùng vài người bạn dọn một thế cây đặt vào gian phòng lớn ở tầng trệt mà bình ngắm.
Vào nghề cây ở độ tuổi 30 trong những năm cuối 80, ông chủ vườn tự cho như thế cũng không quá sớm tuổi đời, ông nói, “… bây giờ, nhiều anh em trẻ tuổi hơn tôi ngày đó cũng đã rất già dặn trong nghiệp cây cảnh…”. Có lẽ, nghề chơi cũng chẳng dành mỗi riêng ai. Ông cho rằng cây thế thì dù cổ truyền theo các cụ nhà ta như những sanh, si, đa, đề hay niêm luật với du, thông, tùng la hán, hoặc đơm hoa như lộc vừng… thì tất thảy đều phải xuất phát từ ý, từ tứ để tạo dựng nên thế cây. Càng quý và càng khó là khi chăm cây lên từ hạt, tùy loại tùy cây nhưng hạt ấy sau này vẫn lưu dấu bao công lao khó nhọc của người vun trồng, chăm uốn, tỉa nắn.
Nhà xây tương tự lối Đông Dương thời trước, nhưng tầng áp mái có mái cao rộng như là kiến trúc biệt thự Đà Lạt. Cửa sổ, diềm hiên khéo sơn cùng màu men lam những đôn sứ rải rác trong khuôn viên. Hiên nhà tầng dưới xây gạch mộc, đá xếp bậc và đỡ hàng hiên cột gỗ màu vàng thổ. Gam màu ấy nhiệt đới, đồng thời cũng phảng phất bảng màu của trường mỹ thuật Đông Dương, hẳn dính dấp nhiều tới dấu ấn của người hoạ sĩ vẽ kiểu. Trang trí vừa đủ với những đôn kê cây, vài tượng đá, nên chỗ hiên này đủ thoáng mát mùa hè cũng như ấm áp trong mùa đông, cũng là nơi có thể ngồi tiếp khách và ngắm vườn cây.
Trong nhà, ông Duy bày biện không nhiều, không cầu kỳ nhưng kỹ càng, thống nhất phong cách và hợp lý. Để cửa đi cao rộng nên thoáng, chủ nhà không quên dựng đặt tấm bình phong trổ song thưa, gợi nét xưa và hợp với không gian bếp vừa đậm đà gạch mộc, vừa đậm màu gỗ gụ.
Như đã nhập vào tiềm thức, hễ cứ đi đâu về là mở cổng vào vườn, hai bên là tường vi và hoa lựu trổ lập lòe, dạo một vòng quanh thảm cỏ xanh ngắm nghía những khóm cây, ông lại thấy lòng mình thanh thản, yên tĩnh một chốn về.
Cây sanh lâu năm được đặt tên là “song thu”, giá cây khoảng 90 triệu đồng, nhưng vì tâm đắc nên chủ nhà không có ý định bán. Anh đã gắn bó với cây sanh này từ mấy chục năm nay, hội ngộ bởi một cơ duyên.
Căn nhà “biệt thự làng” có lối kiến trúc khá thanh thoát, và với việc dùng cây kiểng quý trang trí trong một khuôn viên vườn rộng đã tạo nên một không gian sống thực sự ưng ý cho người chơi cây.
Thấp thoáng sau tường, cổng phủ kín cây là hàng hiên với bức tường “gạch cũ làng xưa”, vài cây cột gỗ. Một không gian trầm mặc để thưởng ngoạn trà Thái và ngắm cây.
Tuy là người ngoại đạo với nội thất, nhưng chủ nhà quan niệm: “Vẻ đẹp trong không gian sống chính là sự can dự ít nhất của đồ đạc, nếu có là các món đồ cũ nhiều kỷ niệm”.
Phòng khách khoáng đạt, đậm màu gạch mộc.
Gian bếp đậm nét nhà Bắc xưa, bình phong hoạ tiết song thưa tứ quý (mai lan cúc trúc), màu nâu gỗ gụ, gạch cũ và chiếc lồng bàn… giải pháp đẹp cho một không gian ấm cúng.
Không gian sống giản dị và trang nhã, hoa tuơi là thứ sẵn có ở vùng Gia Lâm, một lọ hoa có thể làm cho không gian riêng trở nên sinh động hơn.
(Theo SGTT)
- 243
- By Admin
- 24/08/2010
- 17