• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xưởng đóng tàu lâu đời nhất Sài Gòn sẽ thành trung tâm thương mại


Với việc thành phố chính thức duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500, khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (nằm trọn trong khu vực nhà máy Ba Son) được giới hạn bởi sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh.

Toàn diện tích quy hoạch khoảng gần 24 ha, trong đó 40% dành cho khu trung tâm tài chính văn phòng, 20% khu ở, còn lại kinh doanh thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp. Định hướng chức năng của khu đô thị này ngoài mục đích trở thành trung tâm phức hợp, thì còn là công trình cao tầng tập trung, đồng bộ về tiện ích xã hội kỹ thuật, phát triển thương mại.

Đặc biệt, do vị trí khu đất này có tuyến metro số 1 đi ngầm qua kết hợp với ga số 3 nên UBND thành phố yêu cầu các bên liên quan tạo mạng lưới không gian mở, biến nút giao thông ở đây thành cảnh quan, nơi vui chơi giải trí.

Theo UBND TP HCM, lý do cần thiết phải lập quy hoạch cho khu đất này là vì nhà máy Ba Son cùng các cảng Tân Cảng, Sài Gòn sẽ được di dời theo chỉ đạo Chính phủ để dành đất phát triển khu trung tâm.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác nữa là khu đô thị này sẽ kết hợp hài hòa kiến trúc cảnh quan không gian hai bên bờ sông Sài Gòn, kết nối khu trung tâm hiện hữu thành phố với đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.

Bên cạnh đó, do Ba Son là di tích lịch sử nên UBND TP HCM cũng lưu ý, khi quy hoạch khu đất này phải giữ gìn và bảo tồn di tích: xưởng đóng tàu Ba Son, nhà lưu niệm Tôn Đức Thắng.

Liên hiệp nhà máy Ba Son là cái nôi phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn từ trước giải phóng. Xưởng cơ khí mang số 323, đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1969 đến 1980) từng làm việc và hoạt động cách mạng những năm 1915-1928.

Nhiều tài liệu cho rằng nhà máy Ba Son được xây dựng vào năm 1858. Đến những năm đầu thế kỷ 19, xưởng được mở rộng thành một công trường thủ công lớn. Đây là nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các hạng súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, tập trung hàng nghìn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau.

Nơi đây từng chứng kiến cuộc bãi công đòi tăng lương, nghỉ nửa ngày vào ngày lãnh lương của công nhân Thủy xưởng Ba Son nổ ra 4/8/1925 kéo dài đến 8 ngày.

Ngày 12/8/1993, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận Ba Son là di tích lịch sử.

Theo VnExpress

  • 201
  • By Admin
  • 22/12/2008
  • 17