• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xung quanh hàng loạt sự cố trong xây dựng: “Soi” lại vai trò của tư vấn

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Chất - Nguyên chủ tịch Hiệp hội tư vấn xây dựng VN (VECAS) xung quanh nội dung này.


- Thưa ông, một số ý kiến cho rằng, nhiều Cty tư vấn và chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực xây dựng tại VN vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào các nhà thầu và chủ đầu tư. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tính độc lập của các Cty tư vấn và chuyên gia tư vấn là một trong những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp hàng đầu của dịch vụ tư vấn. Nếu bên cung ứng dịch vụ tư vấn lại phụ thuộc quá nhiều vào nhà thầu thì sẽ ảnh hướng tới chất lượng công trình. Đặc biệt, nếu có chuyện thông đồng giữa tư vấn và nhà thầu thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thực tế có không ít nhà thầu tại VN muốn đưa ra những chỉ đạo trực tiếp cho các đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Các nhà thầu chỉ nên đứng ở góc độ thích hợp khi tham gia các hoạt động mang tính kỹ thuật chuyên ngành.

Các tiêu chí cơ bản liên quan đến dự án như thiết kế công trình, tiến độ, kết cấu kỹ thuật... đã được chủ đầu tư phê duyệt thì hãy để đơn vị tư vấn thực hiện theo đúng mục tiêu đã định. Các đơn vị tư vấn cần giữ nguyên lập trường và tính độc lập của mình. Uy tín và thương hiệu của đơn vị tư vấn chính là ở điểm này. Không ai khác, đơn vị tư vấn là người đầu tiên chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Chính vì vậy, đơn vị tư vấn có trách nhiệm là đơn vị không chấp nhận phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố tác động bên ngoài nào và chỉ tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng công trình.

- Việc sập nhịp dầm cầu cạn Pháp Vân vừa qua liệu có thể là lỗi của nhà tư vấn không, thưa ông?

Dầm dẫn lên cầu Thanh Trì vốn được đúc tại địa điểm Cty xây dựng gần chân cầu Thăng Long rồi chở đến lắp ráp tại cầu Thanh Trì. Mỗi chiếc dầm khoảng 60 tấn và có tới cả ngàn chiếc dầm như vậy. Vì dầm cầu có trọng lượng rất nặng, nên việc lắp ráp rất vất vả và khó khăn. Chính vì vậy, đơn vị thi công phải làm việc thật cẩn thận. Khi đặt mỗi nhịp dầm vào vị trí cần hàn cố định lại để đảm bảo an toàn. Việc cố định các thanh dầm là nhiệm vụ của đơn vị thi công.

Thực tế, để xảy ra sự cố, trách nhiệm chính thuộc nhà thầu và đơn vị này cũng đã nhận trách nhiệm; song việc tư vấn giám sát để tồn tại những lỗi kỹ thuật chưa đảm bảo yêu cầu của nhà thầu là trách nhiệm hoàn toàn không nhỏ, nhất là ở những công trình quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao.

- Có ý kiến cho rằng sự cạnh tranh không lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến năng lực tư vấn có vấn đề ?

Sản phẩm của các đơn vị tư vấn là những lời khuyên. Những lời khuyên này chỉ có thể nhìn thấy hiệu quả từ chất lượng công trình. Đâu đó vẫn có chuyện đơn vị tư vấn chiều ý nhà thầu bỏ qua một số yêu cầu kỹ thuật để được nhận tiếp những công trình mới của nhà thầu hay có chuyện “đi đêm, lo lót” để trúng thầu... Nhưng tất cả các “thủ thuật” này đều không bền vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình và uy tín đơn vị tư vấn. Phí tư vấn cũng thường không phải là vấn đề lớn mà các nhà thầu đề cập. Những đơn vị có thương hiệu, cung ứng các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và mang tính kỹ thuật cao thường có mức phí cao.

- Nhiều đơn vị tư vấn cho rằng, mức phí sàn mà Bộ Xây dựng ban hành là quá thấp. Điều này liệu có phải là một hạn chế đối với chất lượng các công trình trọng điểm không, thưa ông?

  Đúng là mức phí sàn mà Bộ Xây dựng đưa ra là rất thấp. VECAS cùng các đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều hội thảo, đưa ra nhiều kiến nghị đề nghị nâng mức phí tư vấn. Thực tế, mức phí này trước kia chỉ áp dụng đối với những công trình có vốn ngân sách. Còn lại, mức phí là thỏa thuận và có thể cao hơn rất nhiều mức phí sàn của Bộ Xây dựng. Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định cho phép nhà thầu và đơn vị tư vấn tự thỏa thuận mức phí. Tùy theo yêu cầu chất lượng kỹ thuật và quy mô để có mức phí phù hợp. Tuy nhiên trên thực tế, các chủ đầu tư và nhà thầu vẫn rất khó chấp nhận những mức phí cao hơn sàn vì ngại cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính... không duyệt.

- Xin cảm ơn ông!

Ông K. Ullah Chaudhry - Chương trình Phát triển tư vấn kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (TCDPAP): Chất lượng tư vấn quyết định 80% sự lựa chọn

Từ kinh nghiệm hàng chục năm làm tư vấn, tôi cho rằng, chuyên gia tư vấn là người phải luôn giữ vừng lập trường, quan điểm của mình. Chất lượng công trình là điều sống còn của sự nghiệp. Chính vì vậy, khi cung ứng dịch vụ tư vấn chỉ được căn cứ vào những tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình. Nếu khách hàng có ý kiến chưa phù hợp thì phải kiên trì giải thích để họ hiểu. Phí tư vấn thường quan hệ hữu cơ với chất lượng tư vấn. Những đơn vị cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp và chất lượng cao bao giờ cũng kèm theo nhiều chi phí quản lý. Điều này, khách hàng là người có thể dễ dàng nhận thấy nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận. Chất lượng tư vấn thường quyết định 80% tâm lý lựa chọn. Chỉ khoảng 20% còn lại là khách hàng còn do dự về mặt phí cao hay thấp.


Ông Hoàng Đôn Dũng - GĐ Cty Kiểm định xây dựng Sài Gòn: Có thể cho phép Cty tư vấn làm tổng thầu


Cho dù với tư cách nào: quản lý dự án, thiết kế, giám sát... mục đích cuối cùng của nhà tư vấn hướng tới vẫn là thành công của dự án. Thực tế có không ít chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu tư vấn căn cứ theo tiêu chí giá bỏ thầu thấp mà ít chú ý tới năng lực Cty tư vấn. Nguy hiểm hơn, một số khác lại căn cứ vào việc Cty tư vấn “lại quả” nhiều hay ít. Có nhiều phương thức thuê tư vấn khác nhau tồn tại ở VN hiện nay. Ví dụ như các hình thức: Chủ đầu tư trực tiếp thuê và chỉ làm việc với nhà tư vấn. Hoặc trừ phần thiết kế, còn lại chủ đầu tư giao cho một nhà thầu chính. Nhà thầu chính sẽ thuê và làm việc với các nhà tư vấn khác... Chúng ta vẫn còn cứng nhắc với quan niệm phải phân định rạch ròi giữa đơn vị xây lắp và đơn vị tư vấn.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cho phép áp dụng mô hình đơn vị tư vấn làm tổng thầu dự án. Với quy trình này, chủ đầu tư sau khi đã lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thì không cần tham gia quá trình thi công mà chỉ cần cử người hoặc phòng chuyên môn theo dõi và tham gia nghiệm thu công trình. Ở đây vai trò của chủ đầu tư giống như trường hợp dự án “chìa khóa trao tay”. Về phía nhà tư vấn phải lập đề cương thực hiện chi tiết với đầy đủ nhân sự có đủ năng lực và kinh nghiệm điều hành, triển khai dự án. Có thể phải chấp nhận bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Mô hình trên thực tế là cho phép nhà thầu chính không phải là đơn vị thi công phần lớn khối lượng công trình.


Ông Châu Dung Đạt - TGĐ Cty Meinhardt: Tính độc lập và sự linh hoạt


Hiện nay ở VN, phương pháp chọn nhà tư vấn thông thường qua đấu thầu. Trong đó, các nhà tư vấn có thể được lựa chọn thông qua kinh nghiệm, nhân sự, biện pháp thực hiện và phí tư vấn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà tư vấn nên chú trọng vào nguồn nhân lực, biện pháp thực hiện hơn là giảm phí tư vấn. Nhìn vào cấu trúc mô hình tư vấn kiểu cũ ở VN chúng ta có thể thấy, các Cty tư vấn được giao việc trực tiếp từ cơ quan nhà nước với các chỉ thị, định hướng, kế hoạch có sẵn. Trong đó, công tác tư vấn kỹ thuật thông thường đi theo một mô hình đã được chấp nhận trước đây. Nếu tư vấn đề xuất một phương án không có trong tiền lệ, thường mất rất nhiều thời gian để giải trình và chứng minh sự khả thi. Mặc dù, những quy định về xây dựng cơ bản hiện nay được soạn thảo tiến gần hơn với các quy định quốc tế. Tuy nhiên, các bước triển khai ban đầu thì lại thể hiện sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Sự kiểm soát chặt chẽ về tài chính nhằm hạn chế tối đa các thất thoát và phát sinh đã xảy ra trong quá khứ làm mất đi tính độc lập và sự linh hoạt của nhà tư vấn trong việc hoàn thiện thiết kế của mình với giá thành thấp nhất mà chất lượng công trình không thay đổi. Tất cả các chủ đầu tư đều muốn công trình có quy mô lớn, tiện nghi, hệ thống kỹ thuật cao và giá thành rẻ. Bên cạnh đó, hầu hết các chủ đầu tư đều xây dựng một tiến độ và yêu cầu nhà tư vấn phải thực hiện. Thực tế, để đáp ứng tất cả những yêu cầu trên là không thể. Chính vì vậy, nhà tư vấn phải có chính kiến ngay từ ban đầu về các chỉ thị này của chủ đầu tư.


Tiếp nhận chỉ thị hay yêu cầu của chủ đầu tư là việc phải có trong bất kỳ dự án nào. Tuy nhiên, những chỉ thị hay yêu cầu này phải được nhà tư vấn nghiên cứu và đưa ra đề xuất tối ưu cho chủ đầu tư một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, trong khả năng chuyên môn của mình.


Ông Nguyễn Lập Sơn - GĐ Cty HADECON JSC: Không được nói xin lỗi


Người làm tư vấn kỹ thuật là đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư trong khuôn khổ pháp luật một cách hoàn hảo, đúng tiến độ. Phải hướng tới phương châm “làm người tư vấn không biết tới từ xin lỗi”, vì không được phép mắc sai lầm.


Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, người tư vấn cần định hướng tư vấn theo mô hình phát triển bền vững. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của xã hội, người tư vấn còn cần phải có tình thần trách nhiệm với quá trình vận động phát triển của xã hội. Điều này có nghĩa là các tư vấn phải hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Dựa trên những công nghệ mới, vật liệu hiện đại, người tư vấn cần đưa ra những đề xuất, giải pháp “thiết kế bền vững”. Các đơn vị tư vấn cũng cần đổi mới để hòa nhập quốc tế và phát triển. Trong ngôi nhà chung của thế giới ngày nay, khi mối quan hệ ràng buộc các quốc gia trở nên chặt chẽ, nhiều vấn đề của mỗi nước đã trở thành vấn đề chung. Bởi vậy, sự hòa nhập sẽ giúp các quốc gia nói chung lĩnh vực tư vấn nói riêng có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, hiểu biết lẫn nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển.


Ông Gue See Sew - Hiệp hội tư vấn Malaysia: Xây dựng mô hình Cty tư vấn bền vững


Điều đầu tiên một Cty tư vấn xây dựng bền vững cần là tầm nhìn. Một tầm nhìn trong việc xây dựng danh tiếng về chất lượng dự án, tính chuyên nghiệp, đạo đức phẩm chất tốt, an toàn... Mỗi Cty tư vấn cần xây dựng cho mình một khẩu hiệu ví dụ: “Cung ứng dịch vụ chất lượng cao”, “Nhanh chóng và giá trị gia tăng”... Cùng với tầm nhìn là một kế hoạch hành động để thực hiện nó. Các Cty tư vấn bền vững cần có các đặc trưng như tập trung tìm hiểu nhu cầu hiện tại và tương lại của khách hàng. Tạo môi trường làm việc có lợi cho tất cả các nhân viên trong Cty, sao cho mọi thành viên có thể đóng góp tối đa khả năng của mình. Cty cũng cần có sự cải thiện liên tục trong hoạt động. Mỗi dự án được triển khai đều cần có một hệ thống kiểm tra và xem xét lại tất cả quá trình triển khai, nhằm ngăn chặn lỗi lầm, đảm bảo an toàn...


Theo DĐDN
  • 0
  • By Admin
  • 26/04/2010
  • 17