Xuất khẩu sắt thép, xi măng đều tăng mạnh
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm qua (2/12), ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, cho biết từ giữa năm đến nay các doanh nghiệp sản xuất xi măng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong lúc thị trường xây dựng trong nước còn trầm lắng.
Thống kê trong 11 tháng đầu năm, toàn ngành xi măng tiêu thụ được 55,2 triệu tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Trong đó, xi măng xuất khẩu được gần 12,5 triệu tấn, tăng 63% so với cùng kỳ đi các thị trường khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia, Trung Đông …
Ông Tới cho biết, dự báo cả năm 2013 toàn ngành xi măng sẽ đạt mức tiêu thụ khoảng 60,5 triệu tấn, vượt 4,5 triệu tấn so với kế hoạch là 56 triệu tấn.
Lượng thép xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2013 tăng 17% so với cùng kỳ - Ảnh: Văn Nam |
Cũng theo ông Tới thì giá bán xi măng các loại trừ lần tăng giá hồi tháng 9 vừa qua thì cho đến nay vẫn tương đối ổn định. Lượng tồn kho xi măng hiện khoảng 2,6 triệu tấn, đây là mức tồn kho bình thường tương đương 15 ngày sản xuất.
Theo quy hoạch phát triển ngành xi măng giai đoạn 2011-2020, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng đến năm 2015 đạt mức 75-76 triệu tấn, đến năm 2020 đạt mức 93-95 triệu tấn.
Liên quan đến ngành thép, theo số liệu của Tổng cục Thống kê 11 tháng đầu năm 2013, cả nước xuất khẩu được 2 triệu tấn sắt thép, tăng 17% so với cùng kỳ với tổng giá trị 1,61 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, lượng sắt thép nhập khẩu 11 tháng đầu năm cũng khá cao, lên đến gần 8,9 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ với giá trị 6,25 tỉ đô la Mỹ. Như vậy nhập siêu sắt thép 11 tháng lên đến 2,64 tỉ đô la Mỹ (11 tháng cùng kỳ năm 2012 nhập siêu sắt thép là 4,1 tỉ đô la Mỹ).
Theo ông Phạm Chí Cường, một chuyên gia ngành thép cho biết, nhập siêu sắt thép cả nước 11 tháng tăng chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu lượng thép cán nóng về nhiều để cán nguội, sản xuất các loại thép dẹt, tôn tráng kẽm, tôn mạ màu để xuất ngược trở lại.
Ông Cường cho biết các loại thép dẹt, tôn trán kẽm, tôn mạ màu xuất khẩu được trong 11 tháng của ngành thép cũng tăng 30-40% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, thông thường nhu cầu tiêu thụ thép tăng trong mùa xây dựng cuối năm do thời tiết khô ráo nhưng hiện nay nguồn cung đang vượt xa cầu nên giá thép giảm nhẹ.
Hiện giá thép tại nguồn (chưa tính VAT, giao tại nhà máy, trừ chiết khấu tối đa) ở khu vực phía Bắc, thép cây dao động ở mức 12,4-13 triệu đồng/tấn, thép cuộn 12,1-12,9 triệu đồng/tấn. Khu vực phía Nam thép cây và thép cuộn thông dụng phổ biến ở mức từ 12,6-13,5 triệu đồng/tấn.
Sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 5,6% Theo báo cáo về hình sản xuất công nghiệp - thương mại của Bộ Công Thương, trong 11 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, một số ngành công nghiệp tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 9%, sản xuất sợi tăng 24,6%, hàng may sẵn tăng 40,5%, thiết bị điện các loại tăng 21,6%, xe có động cơ tăng 22,1%... Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho của một số ngành tính đến ngày 1-11 còn cao so với cùng thời điểm năm 2012 như chế biến sữa và các sản phẩm sữa tăng 69,9%, sản xuất đồ uống tăng 20,8%, hàng may sẵn tăng 20,3%, sản phẩm từ plastic tăng 30,1%, xe máy tăng đến 84%... |
- 196
- By Admin
- 03/12/2013
- 17