Xử lý xây dựng sai phép tại PMH: Đề xuất tháo dỡ phần vượt tầng, xây lấn
Khó buộc thực hiện đúng mẫu nhàTheo thống kê, khu A của khu đô thị Phú Mỹ Hưng gồm có các khu R, H, S được quy hoạch làm nhà ở riêng lẻ với tổng cộng 1.670 nền, hiện đã xây gần 50% (805 căn, trong đó 793 căn vi phạm). BQLKN cho hay các vi phạm xảy ra chủ yếu trong khoảng thời gian từ đầu năm 2005 và kéo dài đến năm 2010. Theo các quy định về xử phạt vi phạm xây dựng sai phép như Nghị định 126/2006 (đã được thay thế bằng Nghị định 23/2009), Nghị định 180/2007, chủ đầu tư phải tháo dỡ phần vi phạm và thực hiện theo đúng quy hoạch, thiết kế được duyệt.
Tuy nhiên, BQLKN đánh giá: do khối lượng vi phạm quá lớn, phần lớn công trình đã được đưa vào sử dụng nên việc cưỡng chế tháo dỡ để buộc thực hiện đúng mẫu nhà được duyệt là rất khó khăn. Trong văn bản góp ý kiến, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cũng nhận xét các vi phạm tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng như sai mặt đứng kiến trúc so với mẫu nhà được duyệt, sai về cao độ, sai về độ dốc mái (chiếm đa số trường hợp vi phạm - PV) ít ảnh hưởng đến tổ chức không gian kiến trúc của khu cũng như các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chính của quy hoạch 1/500.
Nhiều căn nhà tại Phú Mỹ Hưng xây không đồng bộ về mặt đứng kiến trúc. Ảnh: CẨM TÚ |
Sẽ có 289 căn bị xử lý?
Sau khi tổng hợp các ý kiến, BQLKN đề xuất ba phương án giải quyết tình hình vi phạm xây dựng tại khu A. Cách thứ nhất là “buộc thực hiện đúng theo quy hoạch và mẫu nhà đã được duyệt”. BQLKN cho rằng ưu điểm của phương án này là đảm bảo kiến trúc cảnh quan và quy hoạch được duyệt, thực hiện nghiêm pháp luật. Tuy nhiên, cách này khó khả thi do có tới 793 căn phải tháo dỡ, nếu thực hiện sẽ dẫn tới thiệt hại tài sản quá lớn.
Phương án thứ hai là xử lý vi phạm theo tiêu chí đảm bảo cơ bản các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch như số tầng, chiều cao, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, kiến trúc mái, diện tích sân trước và sau tại tầng bốn. Không cần đảm bảo sự đồng bộ về kiến trúc mặt tiền, ban công bên hông nhà xây sai mẫu nhưng phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn được giữ lại. Cách này hạn chế thiệt hại nhưng khuyết điểm là dẫn tới sự không đồng bộ về kiến trúc mặt tiền và cao độ các dãy nhà. “Nếu chọn phương án hai sẽ có 356 căn phải xử lý” - BQLKN thống kê.
Còn cách thứ ba là tháo dỡ các vi phạm để đảm bảo đúng về tầng cao, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng và hình thức kiến trúc mái. Các hạng mục phải tháo dỡ gồm vượt tầng, lấn khoảng lùi tầng trệt, phần ban công xây thêm lấn không gian công cộng. Nếu chọn cách này, chỉ có 289 căn phải xử lý. Trong ba giải pháp đưa ra, BQLKN đề nghị chọn phương án ba và cho biết đây cũng là giải pháp mà Sở Xây dựng, UBND quận 7 đề xuất.
BQLKN kiến nghị sau khi được UBND TP xem xét thông qua hướng xử lý vi phạm xây dựng, đơn vị này sẽ cùng các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo. Cụ thể, Công ty Phú Mỹ Hưng lập và trình BQLKN phê duyệt các nội dung thiết kế mẫu nhà điều chỉnh. Sau đó công bố nội dung thiết kế mẫu nhà điều chỉnh để người dân biết và tự giác tháo dỡ phần vi phạm (thời gian tự giác tháo dỡ là sáu tháng). Sau thời hạn nêu trên, chính quyền địa phương tiến hành xử lý theo quy định.
Theo BQLKN, nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng với số lượng lớn và phức tạp như trên là do Công ty Phú Mỹ Hưng phân lô bán nền trước khi có quy hoạch chi tiết 1/500, điều lệ quản lý xây dựng và mẫu nhà được phê duyệt. Công ty này còn hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng theo những tiêu chí không đầy đủ theo quy định, cụ thể là không quản lý về kiến trúc mặt tiền làm ảnh hưởng đến sự đồng bộ. Công ty Phú Mỹ Hưng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của BQLKN, UBND quận 7 trong việc quản lý xây dựng khi chưa đủ điều kiện xây dựng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ dự án trong việc quản lý dự án. Ngoài ra còn có lý do là chủ đầu tư cố tình xây sai dù đã được kiểm tra, lập biên bản nhiều lần.
(Theo PLTPHCM)
- 135
- By Admin
- 18/11/2010
- 17