Xử lý biệt thự bỏ hoang: Chế tài đã có, nhưng thực thi vào năm 2012
Hỏi ra mới biết, chế tài mạnh hơn để xử lý tình trạng này đã có, nhưng phải đợi đến… năm 2012 mới thực thi!Hoàn thiện để đối phó
Theo báo cáo gần đây nhất của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong 16 dự án được cục tiến hành kiểm tra trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.684 căn biệt thự. Trong đó có 1.743 căn đã đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 65%), còn lại khoảng 700 căn (chiếm tỉ lệ gần 35%) chưa đưa vào sử dụng. Có không ít dự án dù đã được phê duyệt 7 năm vẫn chưa hoàn thiện.Theo ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sử dụng nhà ở tại một số dự án và có đề xuất một số giải pháp đổi mới phương thức phát triển nhà ở, yêu cầu phái chủ đầu tư phải đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ dự án. UBND TP.Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu các chủ đầu tư thông báo cho các khách hàng phải hoàn thiện nhà ở tại các dự án để đưa vào sử dụng. “Đúng là trên thực tế, đã có nhiều khách hàng đang tiến hành hoàn thiện nhà để đưa vào sử dụng, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn” - ông Thiện thừa nhận.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhiều chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình triển khai dự án; chưa đảm bảo đúng tiến độ; chưa đôn đốc, phối hợp với khách hàng để tập trung hoàn thiện nhà đưa vào sử dụng theo đúng hợp đồng. Ngoài ra, tại một số dự án, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở còn chậm, chưa đồng bộ do vậy, một số người dân mua nhà nhưng chưa thể về ở được.
Quả thật, nếu đi một vòng các KĐT mới vẫn có thể thấy hiện tượng biệt thự bỏ hoang vẫn tràn lan, nhất là các khu đô thị kết nối hạ tầng chậm chạp như Trung Văn, Mỹ Đình, Resco, Văn Phú... Cá biệt như KĐT Văn Quán được bàn giao gần chục năm nay nhưng cho đến tận bây giờ, biệt thự bỏ không vẫn như “xôi đỗ”, xen giữa các tòa nhà hoàn thiện trông như bức tranh nham nhở.
Sau khi có các văn bản ráo riết của các cơ quan chức năng, nhiều chủ hộ biệt thự hoàn thiện qua quýt để đối phó. Dễ nhận thấy hiện tượng này ở các KĐT Văn Phú, Văn Quán khi các các biệt thự được cho thuê lại, hoàn thiện trát qua loa ở tầng 1 để làm quán bán hàng, toàn bộ bề mặt nham nhở của các tầng trên được che kín bằng một tấm biển quảng cáo cỡ lớn. Theo phản ánh của người dân địa phương, kiểu hoàn thiện cho qua chuyện này khá phổ biến, nhưng vẫn còn may chán vì đấy là các biệt thự ở các vị trí đẹp, đường lớn, chứ còn các biệt thự ở các vị trí đường trong, khuất thì vẫn bị bỏ hoang, cỏ mọc lút và làm chỗ trú ngụ cho chuột và đôi khi là nơi tá túc của dân hút chích. “Có ở gần những biệt thự hoang như vậy mới thấm thía nỗi khổ, lúc nào cũng lo ngay ngáy đạo chích mò sang” - một người dân ở cận kề một biệt thự “ma” nằm ở cuối khu đô thị Văn Phú tâm sự.
Ảnh: Bình An. |
Tại sao phải chờ đến… năm 2012?
Theo ông Vũ Xuân Thiện, để xử lý biệt thự bỏ hoang, không phải bộ muốn xử lý là xử lý ngay được. Việc này cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép đầu tư dự án, cơ quan thẩm định phê duyệt dự án, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và người dân. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương phải tăng cường kiểm tra các dự án phát triển nhà; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng với hệ thống hạ tầng khu vực đô thị; kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về tiến độ xây dựng của chủ đầu tư, vi pham hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động khách hàng tự giác thực hiện trách nhiệm của mình đối với chủ đầu tư và với cộng đồng.“Cho đến thời điểm này, chế tài xử lý đã có, đó là Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng đến ngày 1.1.2012 luật thuế này mới chính thức có hiệu lực. Theo luật thuế này, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp áp với đất ở sẽ được áp dụng với cả trường hợp sử dụng để kinh doanh áp dụng theo biểu tính thuế lũy tiến từng phần theo 3 bậc: Diện tích trong hạn mức thuế suất 0,03%; diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức thuế suất 0,07% và diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thuế suất 0,15%. Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với nội dung đánh thuế lũy tiến về đất ở, luật thuế được kỳ vọng sẽ có tác động rất lớn đến việc xử lý nhà ở chưa đưa vào sử dụng, góp phần khắc phục tình trạng nhà ở bỏ hoang hiện nay” - ông Thiện nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia BĐS cho rằng, ngay cả luật thuế này đi vào cuộc sống thì cũng không nên kỳ vọng quá nhiều, khi mà các chính sách về đất đai hiện nay vẫn đang tạo cho nhiều người tâm lý ngộ nhận rằng, không đầu tư gì có lãi bằng BĐS. “Việc Nhà nước cần làm trước tiên là phải hoàn thiện chính sách quản lý BĐS, ngăn chặn nạn đầu cơ bằng pháp luật như đánh thuế thật nặng với những người đầu cơ đất đai. Cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay xử lý các chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch phê duyệt. Có như vậy mới mong biến các biệt thự bỏ hoang hiện nay trở thành những căn nhà có chủ” - một chuyên gia về BĐS nói.
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 01/11/2011
- 17