• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xu hướng tất yếu của trang trí nội ngoại thất hiện đại (P.1)

Lịch sử xã hội loài người phát triển từ thấp đến cao và qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Tồn tại xã hội bao giờ cũng quyết định ý thức xã hội. Xu hướng phong cách nghệ thuật trong trang trí nội, ngoại thất cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi xã hội loài người còn ở những hình thái kinh tế - xã hội thấp, xu hướng nghệ thuật cũng ở vào những cấp độ thấp tương ứng. Xã hội phát triển cao hơn, các lĩnh vực nghệ thuật được phát triển ở mức độ cao hơn và đương nhiên phong cách thể hiện cũng ở tầm cao hơn.

Thực tế lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy: khi còn ở những hình thái kinh tế - xã hội thấp, phong cách trang trí nội, ngoại thất của con người trong các thời kỳ đó mang tính cầu kỳ, nặng về chi tiết. Xã hội càng hiện đại, văn minh, sự cầu kỳ trong từng chi tiết sẽ dần mất đi. Đây là vấn đề mang tính quy luật của xã hội. Nó không chỉ đúng trong nghệ thuật trang trí nội, ngoại thất mà còn là hiện tượng phổ biến ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Ví dụ như hội họa; điêu khắc; thơ; văn; sân khấu; điện ảnh; âm nhạc….Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao vấn đề lại diễn như vậy và sự thay đổi xu hướng trang trí trong thiết kế nội, ngoại thất có ảnh hưởng gì đến đời sống tinh thần của con người trong xã hội hay không?

 

Trong tương lai, những căn phòng có thiết kế đẹp như thế này vẫn có thể ít nhiều làm vướng mắt những con người bận rộn!


Điều khẳng định đầu tiên đó là: Nó không hề ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân trong xã hội. Như đã nói ở trên, xu hướng trang trí mang tính đơn giản hóa cao bắt nguồn từ thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng người trong xã hội, tức là bắt nguồn từ chính sở thích của mọi tầng lớp nhân dân. Và như vậy, đương nhiên, chúng không thể đi ngược lại với nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng cần đặt vấn đề ở đây chính là: Tại sao trong xã hội hiện đại, con người lại có xu hướng ưa thích phong cách trang trí đơn giản?

Vào những thời điểm xa xưa của lịch sử nhân loại, khi xã hội còn chưa thật phát triển, phương thức sản xuất còn non kém, lạc hậu. Của cải vật chất của xã hội làm ra không chỉ ít về số lượng, mà còn thấp về chất lượng. Các sản phẩm vật chất của xã hội từ những đồ gia dụng như: cái bát, cái chén, cái nồi, cái niêu cho đến các công cụ sản xuất như: cái búa, cái liềm, phương tiện chuyên chở…tất cả không chỉ yếu kém về chất lượng mà hình thức của chúng cũng rất đơn sơ, thô kệch. Tại sao lại như vậy? Vì tất cả các sản phẩm đó đều làm thủ công với trình độ còn thấp kém! Mà đã làm thủ công thì không bao giờ có thể có được sự kết hợp hài hòa giữa nhiều về số lượng và tốt, đẹp về chất lượng!

Chính vì xuất phát từ phương thức sản xuất thủ công, nhỏ lẻ như vậy nên để đảm bảo số lượng hàng hóa phục vụ cuộc sống con người, chất lượng của cải vật chất trong xã hội chủ yếu chỉ dừng lại ở chất lượng thấp với hình thức xấu. Và cũng chính vì hình thức của những sản phẩm vật chất trong những thời kỳ đó có hình thức xấu như vậy, nên về mặt thẩm mỹ, rất tự nhiên trong con người xã hội thời đó – và cả những giai đoạn tiếp theo - nảy sinh những mong muốn có được những sản phẩm với những đường nét tinh xảo, cầu kỳ. Khi đó, các sản phẩm trong xã hội càng cầu kỳ, càng đẹp! Mà muốn đẹp thì phải tinh xảo, cầu kỳ! Có thể nói trong những giai đoạn này, sự tinh tế đến từng chi tiết nhỏ đã trở thành những tiêu chuẩn của cái đẹp trong mỹ thuật trang trí.

Xã hội ngày càng phát triển, trình độ sản xuất của xã hội cũng càng ngày càng cao. Tuy nhiên, khi nền văn minh nhân loại chưa có những bước đột phá về công nghệ thì quá trình sản xuất hàng hóa trong xã hội chưa thể có những bước nhảy vọt về số lượng và chất lượng để từ đó tạo ra nhiều sự biến chuyển trong cuộc sống. Chính vì vậy, một thời gian dài trong lịch sử phát triển nhận thức thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ về mỹ thuật trang trí với phong cách mang dấu ấn sâu đậm của những gia đoạn xã hội chưa phát triển, càng ngày càng định hình vững chắc và trở thành những chuẩn mực của cuộc sống. Đây chính là những lý giải cho nguyên nhân khiến cho con người trong suốt một khoảng thời gian dài cho đến ngày nay có xu hướng gần gũi với phong cách trang trí mang tính cầu kỳ, tinh xảo.

Và ta có thể thấy rõ đến cả thời điểm xã hội hiện nay, ta vẫn thấy nhiều ngôi nhà có thiết kế trang trí nội, ngoại thất với những chi tiết cầu kỳ như vậy. Điều này thể hiện khá rõ ở các làng quê Việt Nam. Những ngôi nhà ta thấy ở đây có thiết kế rất cầu kỳ về kiến trúc và đồ đạc trong nhà cũng rất cổ: sập gụ, tủ chè; bàn ghế, giường, tủ với những đường nét chạm trổ, chạm khảm tinh vi, chi tiết! Đây là một thực tế khá phổ biến không chỉ có ở làng quê mà còn thấy nhiều ở cả các đô thị lớn cũng có những kiểu thiết kế như vậy.
    
Tại sao lại có điều đó? Tại sao giữa thời đại văn minh như hiện nay vẫn có những người thích dùng những đồ vật cầu kỳ như vậy?

Đơn giản là họ, những vị chủ nhà ở đây, thấy phải cầu kỳ như vậy nhà của họ mới đẹp! Đồ đạc của họ như thế mới sang trọng! Có lẽ lối tư duy thẩm mỹ cổ điển với sự tồn tại suốt một thời gian dài của nó đã in dấu quá sâu đậm trong đầu óc con người. Với những con người như thế này, ta bắt gặp khá nhiều trong cuộc sống. Họ là những người không tiếc thời gian sẵn sàng mân mê, ngắm nghía từng nét tinh xảo kèm theo thái độ trầm, khen ngợi sự khéo léo của các nghệ nhân đã làm lên tuyệt tác. Có thể nói, với những con người như vậy, phong cách trang trí cầu kỳ, chi tiết đã ăn sâu vào máu thịt họ và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
 

Phan Huy - Ngọc Liên

  • 279
  • By Admin
  • 09/05/2013
  • 17