Xu hướng màu sắc 2010 hướng tới sinh thái
Nhắc đến xu hướng trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, giới chuyên gia thường đề cập đến 3 vấn đề: xu hướng nhất thời (hype), mốt (fashion) và xu hướng (trend).
Nếu xu hướng nhất thời là sự khởi phát đột ngột, cuốn hút nhiều người lao theo một cách vô thức, nếu Mốt (fashion) mang tính thời thượng, được mọi người đi theo một cách vô thức như quần áo, đồ chơi, thực phẩm và một số khía cạnh của phong cách sống, thì xu hướng (trend) là những khuynh hướng, thiên hướng dựa trên sự đúc kết thực tế hoặc sực vận động theo một hướng chủ đạo nào đó.
Khi những chuyên gia công bố ra công chúng một xu hướng (đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế), sẽ nhận được 3 loại phản ứng: sự thờ ơ, sự phản ứng chối bỏ và sự ứng dụng. Những phản ứng trên xuất phát từ quan điểm sáng tác riêng của một kiến trúc sư hay nhà thiết kế.
Trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất, năm 2009 - 2010 đánh dấu sự xuất hiện của khá nhiều tư tưởng đề cao thiên nhiên, môi trường, từ đó hình thành nên xu hướng thiết kế sinh thái - kiến trúc sinh thái - Ecotecture (Ecology + Architecture). Bên cạnh đó giới chuyên môn còn gọi theo những cụm từ khác: Eco Design, Green Design.
Riêng trong lĩnh vực màu sắc, một thành phần quan trọng của một công trình kiến trúc hoặc không gian nội thất, cũng đánh dấu sự lên ngôi của những gam màu mang đầy cảm hứng từ thiên nhiên, hướng đến môi trường, những gam màu sinh thái.
Nhìn lại con đường đi của những xu hướng màu sắc những năm gần đây, ta thấy: 2005 - Màu cam hoa Thiên điểu; 2006 - Xanh Kiwi; 2007 - Hồng; 2008 - Tím và Vàng; 2009 - Xanh lá và Xanh ngọc; và năm 2010 tiếp tục đánh dấu sự lên ngôi của nhóm màu Xanh.
Đây là nhóm màu gồm các gam màu xanh trời, xanh biển, xanh Navi và Xanh ngọc. Với sắc độ và cường độ được điều chỉnh phong phú, nhóm màu này được phát triển thành một bộ sưu tập các gam màu thể hiện sự lạc quan và thanh thoát, tượng trưng một chân trời mới vô tận, một khởi đầu mới, nguồn năng lượng mới và sự năng động tích cực.
Gam màu sáng; trong trẻo thể hiện một cảm thức thuần khiết và tinh túy - sắc màu thiên nhiên tràn đầy hy vọng với những cơ hội vô tận. Nó tạo ra hình ảnh của bầu trời bao la, sự tươi mới của bầu khí quyển thoáng đãng. Với những liên tưởng như vậy cộng với bản thân là một màu thoái (gam màu lùi xa với thị giác con người), màu xanh này luôn đem lại cảm giác thoáng đãng, rộng rãi cho không gian nội thất.
Màu xanh dương, theo thuật ngữ của tâm lý học màu sắc, là màu liên tưởng đến bầu trời và đại dương. Màu xanh dương nhẹ, thoáng đãng được nhìn nhận là có khả năng làm tươi mới, xoa dịu và giải phóng. Màu này rất tốt trong việc loại trừ stress, sự mệt mỏi, cảm giác kiệt sức đồng thời có thể giúp tái tạo năng lượng và thúc đẩy một khởi đầu mới. Người ta cũng cho rằng màu này có thể tăng khả năng giao tiếp giúp tăng cường sự tự tin.
Một sự cân bằng giữa tinh thần và trí tuệ được thể hiện bởi sự liên tưởng đến không khí, bầu trời và nước - sự kết hợp của tự do tinh thần với nhận thức lý tính; của tầm nhìn người nghệ sỹ với tri thức của nhà khoa học.
Trong không gian nội thất và ngoạt thất, màu xanh dương đóng một vai trò rất quan trọng. Nó có thể kết hợp hoàn hảo với các vật liệu đương đại và các nhóm màu trung tính hiện đại của kính, thép và những nhóm màu nội thất truyền thống hơn như màu đỏ thẫm, màu đỏ Bordeaux, màu mận chín, màu mòng két, màu thiếc và màu kim loại vàng. Ngoài ra màu xanh dương có thể đi cùng với tất cả những gam màu xanh khác lại một cách an toàn. Cặp màu Xanh dương - Trắng là ví dụ tốt nhất thể hiện sự trong sáng và tinh khiết của thiên nhiên, môi trường và tinh thần.
Màu xanh dương này thể hiện sự tươi sáng và niềm hy vọng - một hướng đi thuần khiết và cần thiết cho tương lai của hành tinh chúng ta; một cơ hội để tìm lại các khả năng với nguồn năng lượng và sức sống mới - một chân trời mới rõ ràng cho tương lai.
- 220
- By Admin
- 22/04/2010
- 17