Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo: Cần hàng trăm tỷ đồng
Màu sắc nhà cùng dãy phố phải hài hòa!
Vừa qua đã diễn ra cuộc họp bàn góp ý xây dựng Quy định về việc cấp Giấy phép xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội và Quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị trên địa bàn TP.Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc ban hành các quy định này sẽ tạo cơ sở để thành phố quản lý tốt vấn đề quy hoạch và khắc phục tình trạng xây dựng lộn xộn hiện nay.
Dự thảo quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị quy định, các lô đất có diện tích nhỏ hơn 30m2 và có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m nằm trên hai bên tuyến đường (hình thành sau ngày Quy định này có hiệu lực) sẽ không đủ điều kiện xây dựng. Các ô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 và có ít nhất một cạnh nhỏ hơn 3m nằm hai bên tuyến đường được hình thành sau ngày Quyết định 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực cũng không đủ điều kiện để xây dựng… Đối với công trình đơn lẻ, chiều cao tối đa không được lớn hơn 3 lần so với cạnh nhỏ nhất của công trình. Trên các tuyến phố ổn định, nhà xây mới không được cao quá 7,2 m (tương đương hai tầng) so với nhà liền kề.
Hà Nội kiên quyết xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo |
Kiên quyết xử nhà mỏng, méo!
Cũng để "cải tạo" diện mạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình vừa làm việc với quận Thanh Xuân về việc tiếp tục xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quận này. Theo ông Bình, quận Thanh Xuân là đơn vị làm điểm, phải kiên quyết xử lý, với những công trình xây dựng trái phép, cần phá dỡ và thu hồi, để làm cơ sở cho các đơn vị khác.Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, sau khi thực hiện các dự án mở đường vành đai 3, đường Lê Văn Lương kéo dài, cải tạo sông Tô Lịch… trên địa bàn quận hiện có tới 70 công trình nhà siêu mỏng, siêu méo (có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m). Hiện quận Thanh Xuân đã xử lý 39 trường hợp, 31 trường hợp chưa được xử lý vì đang xin ý kiến của Sở Quy hoạch kiến trúc.
Đáng quan tâm, UBND quận Thanh Xuân đề xuất hợp khối công trình, thửa đất hoặc làm ki ốt đối với 20 trường hợp, 9 trường hợp khác ở các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Trung, Khương Trung, Hạ Đình, UBND quận Thanh Xuân được đề xuất thu hồi để mở rộng ngõ, vỉa hè, trạm tuần tra CA phường và làm bản tin. Còn lại 2 trường hợp, quận Thanh Xuân xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ nhận định, quận Thanh Xuân có thể có nhiều hơn 70 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Ông Thọ cũng cho rằng, nhiều trường hợp đề xuất hợp khối cũng không hợp lý như các trường hợp có chiều rộng hoặc chiều sâu quá nhỏ, cho dù có hợp khối thì vẫn là… siêu méo, siêu mỏng. Đồng tình, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng những mảnh đất mỏng nếu hợp khối khi xây dựng vẫn để lại kiến trúc rất "vô lý" cho bộ mặt đô thị. Do đó, ông Hải cho rằng, chính quyền nên giải toả rồi xây dựng cơ chế giải quyết cho những hộ phía sau.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng số nhà siêu mỏng, siêu méo phải xử lý đợt này là trên 300 trường hợp, chủ yếu tại các quận Thanh Xuân, quận Ba Đình, quận Cầu Giấy. Với loại nhà mỏng méo hình thành trước khi có Quyết định 26/2005/QĐ-UBND, mức đền bù khi thu hồi sẽ theo giá tại thời điểm lập dự án giải phóng mặt bằng mở đường. Với diện tích hình thành sau năm 2005, khi thu hồi sẽ áp dụng mức đền bù hiện hành. Như vậy, ước tính Hà Nội sẽ phải chi hàng trăm tỷ đồng xoá nhà siêu mỏng, siêu méo, để xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại.
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 27/04/2011
- 17