Xóa chung cư cũ ở Tp.HCM: Người dân lo không có tiền mua nhà xây mới
Hiện trên địa bàn Tp.HCM có rất nhiều tòa nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng
Nằm ngay vị trí trung tâm Tp.HCM, chung cư 727 Trần Hưng Đạo cao 13 tầng với quy mô 530 căn hộ đã được xây dựng từ trước năm 1975 hiện đang trong tình trạng rệu rã và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Khu vực tầng trệt bị bỏ hoang từ lâu. Cầu thang bị gỉ sét dẫn lên tầng trên phải gắn nhiều biển báo nguy hiểm. Các dãy hành lang sâu thăm thẳm, bốc mùi hôi, xác động vật chết và sự im ắng đến rợn người. Lan can hành lang bị gỉ sét, gãy sập, người dân đã phải dùng bàn ghế che chắn, cảnh báo nguy hiểm.
Mặc dù nguy hiểm luôn rình rập như vậy nhưng chung cư 727 hiện vẫn còn 10 hộ sống lay lắt trên các tầng. Bà Đặng Thị Lệ Thu (sống ở tầng 8) cho biết, các trường hợp bám trụ lại hầu hết đều thuộc diện nghèo. Nhiều người lo lắng sẽ không đủ khả năng mua lại căn hộ của chính mình sau khi tòa nhà được xây mới.
“Điện nước chập chờn, ngày nào mấy người nghiện cũng tụ tập hút chích, kim tiêm vứt đầy ra hành lang. Cũng không ai muốn sống phập phồng, bất an như vậy nhưng nếu đồng ý thì sau này chỉ còn cách ra ngoại ô mua đất xây nhà vì tiền bồi thường quá thấp”, bà Thu nói.
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường BĐS Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, sau khi kiểm định 88 trong tổng số 474 chung cư được xây dựng trước năm 1975, cơ quan chức năng đã xác định có 12 tòa chung cư xuống cấp ở mức độ nguy hiểm (cấp độ D), có thể sập bất cứ lúc nào, tuy nhiên việc di dời, xây dựng mới vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong buổi làm việc với UBND Tp.HCM về cơ chế chính sách cải tạo chung cư cũ vào sáng 8/7 vừa qua , Sở Xây dựng đã đề xuất phương án tái định cư (TĐC) tại chỗ với những chung cư được xây lại, không bồi thường bằng tiền mặt. Các hộ dân sẽ được bố trí tạm cư và TĐC ở căn hộ mới sau khi dự án chung cư xây xong. Nếu như hông có nhu cầu, người dân có thể bán suất tái định cư đi để lấy tiền.
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo 474 tòa nhà chung cư cũ, Sở Xây dựng đề xuất phân cấp, ủy quyền cho UBND các quận, huyện được lập dự toán kinh phí, thẩm định, phê duyệt hồ sơ kiểm định chất lượng đối với các chung cư cũ; lựa chọn, thẩm định năng lực của chủ đầu tư, lập và phê duyệt phương án bồi thường TĐC, tạm cư…
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, để TĐC tại chỗ, muốn thu hút nhà đầu tư và giảm áp lực tài chính cho các hộ dân trong việc chi trả khoản chênh lệch giá trị từ việc hoán đổi căn hộ cũ lấy căn hộ mới, TP phải cho phép chủ đầu tư xây dôi dư ra một số căn hộ, tức là phải điều chỉnh chỉ tiêu kiến trúc, mật độ xây dựng.
Tuy nhiên, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, nhiều chung cư cũ đã có mật độ xây dựng và chỉ tiêu quy hoạch rất cao, khó tăng thêm.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND quận 10 cho hay, các chung cư cũ trên địa bàn quận 10 đã có mật độ xây dựng lên tới 100%, quy mô 4 tầng. Để đảm bảo mật độ xây dựng 40%, các dự án xây dựng chung cư cũ phải cao tối thiểu 12 tầng nên TP cần có cơ chế mềm, cho phép thiết kế vượt quy mô dân số.
Chủ tịch hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, UBND TP cần tổ chức điều tra xã hội học để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ông Châu cũng cho biết, hiện có khoảng 30 nhà đầu tư đang tìm hiểu việc xây dựng mới 89 chung cư cũ trên địa bàn quận 1 và một số quận nội thành. Tuy nhiên, nhiều quận vẫn đưa ra tiêu chuẩn 25m2/người là quá cao, không phù hợp với thực tế.
- 0
- By Admin
- 09/07/2016
- 17