• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xóa bỏ tình trạng dự án "treo": Khó nhất là bắt tay vào làm

Thực tế khẳng định chắc chắn những "liều thuốc" và "phác đồ điều trị" trước đây là chưa đủ mạnh để đạt được kết quả cần thiết.

Chỉ là "toa thuốc" cắt cơn

Xóa bỏ tình trạng dự án "treo": Khó nhất là bắt tay vào làm | ảnh 1
Thành phố cần có những “liều thuốc” đặc trị để xử lý tận gốc “căn bệnh dự án treo”.

Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập đến việc UBND TP Hà Nội mới có Tờ trình số 29 gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt danh mục hơn 500 dự án, công trình cấp bách cần triển khai trong thời gian quy hoạch (QH), kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 của Hà Nội chưa được xét duyệt. Đối với Hà Nội, việc làm này là cần thiết bởi nếu không sẽ có nhiều dự án cấp thiết phục vụ những nhu cầu dân sinh bức xúc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thủ đô phát triển bền vững… phải nằm chờ đến chừng nào QH, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 được Quốc hội thông qua.

Theo Tờ trình số 29 của UBND TP, có 504 dự án với tổng diện tích đất 6.336 ha sẽ được Thủ tướng xem xét phê duyệt. Cụ thể là: 103 dự án về giao thông với diện tích 1.887 ha; 57 dự án về giáo dục chiếm hơn 182 ha; 23 dự án về y tế chiếm 88 ha; 10 dự án về thể thao chiếm 67 ha; 10 dự án về xử lý rác thải, chất thải chiếm 206 ha; 21 dự án trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp chiếm 37 ha; 44 dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp chiếm 311 ha; 44 dự án về an ninh quốc phòng chiếm 228 ha; 114 dự án đô thị, nhà ở chiếm 1.312 ha… Chỉ cần lướt qua đã thấy các nhóm dự án xin được phê duyệt trong đợt 1 này đều là những dự án cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, giả sử trong lúc các dự án này, sau khi Thủ tướng phê duyệt, đang được thực hiện lại gặp vướng mắc, mâu thuẫn với chính bản QH tổng thể của Hà Nội sẽ được phê duyệt, rồi QH và kế hoạch sử dụng đất của Hà Nội sẽ được Quốc hội thông qua thì chắc chắn lại xuất hiện thêm những dự án treo. Rõ ràng, tờ trình này chỉ là "toa thuốc" để cắt cơn tạm thời.

Quy hoạch tổng thể và thái độ tuân thủ

Trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng dự án "treo", người ta thường đổ tội cho quy hoạch, nào là chờ quy hoạch mới, chờ điều chỉnh quy hoạch… Với thực tế là quy hoạch tổng thể của Hà Nội mở rộng vẫn chưa được các bộ, các cấp có thẩm quyền thông qua, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh quy hoạch là điều cấp thiết. Nếu QH tổng thể không sớm được thông qua, Hà Nội sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cho rằng, QH tổng thể không phải sự cộng gộp cơ học của các bản QH thành phần mà là một QH đồng bộ với một quan điểm nhất quán xuyên suốt toàn bộ QH. Việc điều chỉnh QH là khó tránh khỏi trong quá trình thực hiện QH nhưng nó không nên là "cảm hứng chủ đạo" lấn át việc tuân thủ theo đúng QH đã được phê duyệt.

Kiểm soát "đầu vào" và thống nhất đầu mối

Trong đợt phát triển "nóng" vừa qua, có nhiều chủ đầu tư năng lực yếu cả về chuyên môn lẫn tài chính vẫn được chấp thuận đầu tư dẫn đến tình trạng khi đã được bàn giao đất trên thực địa thì chủ đầu tư "bó tay" để đất không hoặc dự án dang dở. Tất nhiên, không loại trừ có những chủ đầu tư sau khi được nhận đất lại thay đổi chiến lược kinh doanh, nhất là trước thực tế tình trạng kinh tế đang suy thoái, thị trường bất động sản trầm lắng, giá cả mọi nguyên liệu "đầu vào" đều tăng cao. Nhưng rõ ràng, nếu các khâu đầu vào như thẩm định dự án, chấp thuận đầu tư… được làm kỹ hơn thì số lượng dự án "treo", dự án chậm tiến độ sẽ không quá nhiều như hiện nay.

Thêm nữa, sau khi dự án được chấp thuận, công tác thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành và nhất là chính quyền địa phương lại không chặt chẽ, sát sao. Trong khi các sở, ngành cho rằng muốn nắm được tình hình thực tế của các dự án phải qua các quận, huyện thì chính quyền các quận, huyện lại ái ngại, rụt rè mỗi khi rà soát, kiểm tra các dự án, đặc biệt là các dự án lớn. Không loại trừ chính quyền địa phương lơi lỏng vài dự án và hành xử cảm tính theo dạng thân quen, nhưng cũng không thể khẳng định rằng các sở, ngành là vô can trong công tác quản lý, trình duyệt...

Đầu năm 2010, UBND TP Hà Nội có văn bản số 816/UBND-KHĐT gia hạn thêm 1 năm kể từ ngày 1/2/2010 cho 30 dự án đầu tư đã triển khai thực hiện, hoặc hoàn thành một số hạng mục nhưng chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án. Đồng thời, UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục khó khăn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sau thời hạn được gia hạn thực hiện mà chủ đầu tư nào không hoàn thành dự án thì UBND TP sẽ quyết định thu hồi đất đã giao, cho thuê theo quy định. Tại văn bản này, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các quận, huyện, thị xã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhưng cho đến tháng 6/2011 mà vẫn chưa có báo cáo về tiến độ thực hiện của 30 dự án đã được gia hạn. Trong số này có tới 9 dự án trên địa bàn huyện Chương Mỹ, 7 dự án thuộc thị xã Sơn Tây, 3 dự án thuộc huyện Thanh Trì, 2 dự án ở quận Cầu Giấy, 2 dự án ở quận Hoàng Mai, 2 dự án ở quận Hai Bà Trưng và các quận Đống Đa, Long Biên, huyện Từ Liêm, Phúc Thọ, Phú Xuyên mỗi địa phương là 1 dự án.

Đó là chưa kể một loạt các dự án thuộc nhóm chưa giải phóng mặt bằng, nhóm thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính và nhóm dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa. Mỗi nhóm này lại được giao cho một cơ quan khác nhau để thực hiện rà soát, kiểm tra. Dường như Hà Nội đang thiếu một cơ quan đầu mối để thu hồi đất của những dự án treo trên toàn thành phố. Thực tế cho thấy Quyết định số 59/2009/QĐ-UBND của UBND TP là chưa đủ mạnh để xử lý dứt điểm những dự án "treo".

Công khai, kiên quyết thu hồi

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, từ năm 2009 đến nay, UBND TP đã ra quyết định thu hồi đất của 20 tổ chức. Cụ thể, năm 2009 thu hồi đất của 7 tổ chức, năm 2010 thu hồi đất của 13 tổ chức. Một vài trường hợp bị thu hồi đất điển hình: 10.377m2 đất tại phường Quảng An (quận Tây Hồ) từ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Gia Lâm; 401m2 ở phường Yên Phụ từ Công ty Du lịch Hà Nội; 4.302m2 tại xã Phú Thị và thị trấn Yên Viên từ Công ty CP Chế biến lương thực Vĩnh Hà; 3.531m2 tại xã Tả Thanh Oai từ Công ty CP Cơ khí 75; diện tích đất của Công ty Cao su Kym Đan đang thuê trong Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa; Công ty TNHH Hà Đông Việt Nam xin trả lại 16.000m2 tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); 2.341m2 từ HTX Nông nghiệp Mỗ Lao (quận Hà Đông)…

Trong số 20 trường hợp UBND TP ra quyết định thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, có 13 trường hợp UBND TP thu hồi và giao cho các đơn vị như Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội, Trung tâm Phát triển quỹ đất của quận, huyện nơi có đất bị thu hồi và UBND cấp xã quản lý diện tích đất bị thu hồi theo quy định của Luật Đất đai. Hầu hết các trường hợp bị thu hồi nêu trên, các cơ quan được giao quản lý đã tiếp nhận diện tích thu hồi, tổ chức GPMB, lập phương án sử dụng để báo cáo UBND cấp huyện và UBND TP. Đặc biệt, có 3 trường hợp được UBND TP gia hạn cho chủ đầu tư 6 tháng kể từ ngày 1-12-2010 để đưa đất vào thực hiện dự án. 3 trường hợp này là Công ty TNHH Thép An Thịnh, Công ty CPTM và Sản xuất thiết bị giáo dục, Công ty TNHH Thanh Phong đều đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.

Như vậy, trong số hàng trăm dự án "treo", dự án có biểu hiện chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội, con số 20 dự án bị thu hồi đất là quá ít. Thực tế cho thấy rằng việc thu hồi đất của dự án treo không hề dễ dàng. Trong khi đó, trên lý thuyết, nếu chủ đầu tư càng chậm triển khai dự án thì càng bị thiệt hại. Nghịch lý này cho thấy tư tưởng ôm đất, găm đất dự án đã ăn quá sâu vào nếp nghĩ, cách làm của giới doanh nghiệp.

Cùng với những biện pháp nêu trên, đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần công khai danh tính của các dự án "treo" cho công luận và tổ chức tổng rà soát, thanh tra, kiểm tra nhằm phân loại các dự án "treo" quá lâu, đồng thời kiên quyết thu hồi đất của những dự án này. Chỉ khi nào những "liều thuốc" được dùng đúng "phác đồ" mới trị được tận gốc "căn bệnh dự án treo".

(Theo HNM)

  • 0
  • By Admin
  • 04/07/2011
  • 17