Xi măng khó tiêu thụ, tìm hướng xuất khẩu
Năm 2010, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng nhưng chắc chắn là không về đích nổi. Giải pháp kích cầu tiêu thụ bằng việc xin phép đầu tư làm đường cao tốc, đường bê tông xi măng của Vicem dù đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, song có sử dụng xi măng để xây dựng hay không lại vướng phải Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Tùng, Chánh văn phòng Vicem lo ngại.
Thị phần giảm, tồn kho tăng
Sáu tháng đầu năm 2010, nguồn cung xi măng đã tăng khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu, trong đó tiêu thụ thực tế chỉ tăng 1,8 triệu tấn, đã khiến cho thị trường xi măng bị đẩy vào thế cạnh tranh khốc liệt. Tình trạng cung vượt quá cầu trong ngành xi măng cũng khiến cho tiêu thụ của các doanh nghiệp thuộc Vicem gặp rất nhiều khó khăn, thị phần giảm sút 0,6% so với cùng kỳ và sản phẩm tồn kho tăng cao. Theo thống kê, tiêu thụ xi măng 7 tháng năm 2010 đạt khoảng 27,92 triệu tấn, bằng 55,8 % so với kế hoạch năm 2010.
Ông Tùng cho hay, nguồn cung xi măng tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nên thị trường đã xuất hiện tình trạng một số nhà máy xi măng ngoài Vicem bán với giá thấp hơn giá thị trường vì các nhà máy này sắp đến thời kỳ trả nợ ngân hàng. Trong khi theo tính toán của các doanh nghiệp xi măng, từ cuối năm 2009 đến nay, giá than đã tăng trên 70%, vỏ bao tăng 10%, hạt nhựa PP tăng 18%, giấy Kraff tăng 12%, dầu MFO, ADO tăng 40%... đã làm tăng mạnh chi phí sản xuất.
Cũng bởi giá xi măng bán ra của một số đơn vị thấp hơn mặt bằng giá trên thị trường, nên tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp Vicem bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến lượng xi măng tồn kho của Vicem cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6, tổng sản phẩm tồn kho của Vicem đã lên tới 1,53 triệu tấn, trong đó tồn kho clinker là 1,24 triệu tấn, xi măng bột 233 tấn và xi măng bao là 59.626 tấn.
Như vậy, những cảnh báo về tình trạng dư thừa xi măng có khả năng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá,...đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường xi măng nước ta.
Sẽ xuất khẩu?
Từ cuối năm 2009, sau khi đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với một số biện pháp nhằm điều tiết cán cân cung-cầu, bình ổn thị trường xi măng cũng như xây dựng kế hoạch phát triển bền vững. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố không cấp phép đăng ký các dự án đầu tư sản xuất xi măng mới. Đặc biệt, đề nghị Thủ tướng cho dừng một số dự án đã có trong quy hoạch, nhưng triển khai chậm, triển khai với khối lượng không đáng kể và khó có điều kiện triển khai tiếp.
Thế nhưng mới đây nhất, ngày 10/7/2010, tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Xuân Thành đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ với công suất 2 triệu tấn/năm, gồm 2 dây chuyền sản xuất, tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian 24 tháng. Hay đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy xi măng Long Thọ II cho Tổng công ty Sông Hồng. Đây là nhà máy xi măng lò quay công suất 35 vạn tấn/năm với tổng mức đầu tư ban đầu 763,675 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Hương Vân, huyện Hương Trà.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho hay: việc khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu xi- măng cũng chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm cung vượt cầu và để ổn định thị trường trong nước. Tuy nhiên, công việc xuất khẩu đạt doanh số còn thấp, bởi vì mặt hàng xi măng rất cồng kềnh, tốn nhiều chi phí vận chuyển. Nhất là chúng ta chưa đầu tư phương tiện, kỹ thuật hiện đại (tàu lớn, đội ngũ chuyên nghiệp) và bảo quản không tốt, chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ bị đóng rắn, biến chất thì khó tiếp cận được các thị trường khu vực và thế giới. Trên thực tế, ngoài Vicem, hiện mới chỉ có Cty cổ phần xi măng Cẩm Phả xuất khẩu được 15.000 tấn clinker sang Trung Đông.
Các doanh nghiệp sản xuất xi măng, kể cả các liên doanh 100% vốn nước ngoài khi xin cấp phép đầu tư đều chỉ trông vào thị trường nội địa. Việc đẩy mạnh xuất khẩu là khó khả thi trong bối cảnh lợi nhuận từ xuất khẩu xi măng rất eo hẹp do khó cạnh tranh được với các nước lân cận có sản lượng lớn, một số dây chuyền đã hết khấu hao, giá rẻ tràn ngược trở lại Việt Nam.
(Theo Vneconomy)
- 283
- By Admin
- 05/08/2010
- 17