• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xây trung tâm thương mại đang trở thành phong trào?

Với quy hoạch... 999 siêu thị, Hà Nôi đang gây "sốc" cho dư luận trong thời gian gần đây, không kém cạnh, Tp.HCM cũng đang xôn xao với chuyện đập chợ Tân Bình để xây một TTTM mới hoành tráng có tổng kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng.

Không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, phong trào đập chợ xây siêu thị, TTTM cũng xuất hiện ở nhiều địa phương, kể cả các tỉnh có kinh tế khó khăn. Thị trường đã lên báo động "đỏ" về một cơn lạm phát TTTM sắp tới.

xây trung tâm thương mại
Nhiều khu chợ sầm uất trở nên hoang vắng sau khi nâng cấp thành TTTM

Việc quy hoạch hệ thống siêu thị và TTTM cũng là tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, quy hoạch đó có gắn liền với tính khả thi và nhu cầu thực tế hay không thì vẫn phải xem xét lại. Không thể quy hoạch theo kiểu "Dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số thủ đô sẽ là 9,4 triệu người, thu nhập bình quân 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45,6 tỉ USD…" nên phải đảm bảo có đủ... 64 TTTM và 999 siêu thị!

Thực tế cho thấy, các TTTM sau khi chuyển đổi từ chợ dân sinh hầu hết đều hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều nơi để hoang, gây lãng phí. Là trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất nước, Tp.HCM hiện có 25 TTTM, 240 chợ, 82 siêu thị. Kế hoạch đến năm 2020, Tp.HCM sẽ mở thêm 43 siêu thị và 92 TTTM, chưa bằng một nửa của Hà Nội nhưng tuy thế, những TTTM hoành tráng ở đây vẫn... không một bóng người. Ngay cả chợ Tân Bình hiện hữu chưa lên đời, vẫn còn một tầng lầu chưa được sử dụng chứ chưa kể đến lúc xây hoàng tráng hơn!

Tình trạng từ các khu chợ sầm uất trở nên hoang vắng sau khi nâng cấp thành TTTM, để hoang lãng phí đã nhiều lần được đưa ra và bàn luận ở các kỳ họp HĐND ở Hà Nội và Tp.HCM nhưng để có được cách giải quyết cuối cùng thì vẫn chưa có. Siêu thị, TTTM vẫn cứ được xây lên nhưng vài năm sau lại phải mất công chuyển đổi công năng. Nguyên nhân là do quy hoạch siêu thị, TTTM nhưng lại xem nhẹ vai trò chủ thể là tiểu thương, người quy hoạch chợ phải dựa vào nhu cầu thực sự của người tiêu dùng để đưa ra quy hoạch khả thi nhất. Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore chia sẻ, "thấy nơi nào người dân thích đến nhất, đi lại nhiều nhất, tạo thành lối mòn thì nơi ấy nên làm đường và xây chợ".

Thực tế có rất nhiều chợ có thể cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của lịch sử dân tộc. Với nguy cơ lạm phát siêu thị, TTTM như hiện nay, e rằng sẽ đến lúc hình ảnh chợ truyền thống chỉ còn trong kỷ niệm.

  • 0
  • By Admin
  • 25/09/2014
  • 17