• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xây nhà - trăm thứ phải lo

Những công việc đó có thể được gọi chung là định hướng của chủ nhà cho nhà thiết kế và nhà thầu để họ có thể xúc tiến công việc một cách trơn tru, tránh những thay đổi gây mất thời gian, gây lãng phí tiền bạc của gia chủ. Trừ khi gia chủ khoán trắng cho nhà thiết kế và nhà thầu tuỳ nghi chọn lựa vật liệu và giải pháp, chỉ hẹn ngày đến nhận nhà để ở mà thôi, còn bằng không thì gia chủ vẫn luôn phải theo dõi tiến độ hàng ngày cũng như đưa ra những ý kiến đúng thời điểm, đúng yêu cầu từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn tất quá trình xây dựng. Dĩ nhiên, gia chủ không cần biết quá chi tiết, nhưng phải nắm được những nguyên tắc tổng quát để có thể dễ dàng phối hợp với nhà thiết kế và nhà thầu, tránh việc tranh cãi hoặc đưa ra những quyết định sai lầm, hay sau này đổ thừa rằng “tôi đâu có biết gì, do tin tưởng mấy anh...”. Tất cả nhóm kiến thức này thường phải chuẩn bị tập trung ở khâu chuẩn bị, sửa soạn làm nhà.

 


Biết mình có gì?

Điều kiện tiên quyết là đảm bảo về mặt kinh phí, gia chủ cần phải nắm rõ khả năng trong túi mình có bao nhiêu tiền để thực chi và cả dự phòng nữa. Thực tế việc làm nhà hay xảy ra hai tình trạng: gia chủ bạo chi để thoả mãn ý thích của mình, và gia chủ không đủ kinh phí nhưng vẫn “làm liều” vì nghĩ rằng sẽ không tốn đến mức đó, hoặc hy vọng sẽ xoay xở ra một khoản nào đó trong lúc làm nhà. Hậu quả xấu nhất mà người viết bài đã từng chứng kiến: có gia chủ không kiểm soát tốt chi phí nên làm nhà xong lại phải bán nhà để trả nợ!

Tiếp theo gia chủ cần phải xem xét tới điều kiện hiện có cụ thể của khu đất nếu xây nhà mới, điều kiện hiện trạng nhà cũ nếu sửa chữa cải tạo, vì những điều kiện này quyết định phần nhiều vào phương án thiết kế và thi công căn nhà. Địa thế khu đất tốt sẽ dễ dàng cho người thiết kế, giúp đơn vị thi công dễ xoay xở khi làm nhà. Và ngược lại, nếu khu đất có địa thế xấu (hẻm hóc, nằm kẹt giữa các nhà khác, nền quá yếu...) thì giải pháp thiết kế phải cân nhắc nhiều hơn, còn giá thi công sẽ tăng lên do hiện trường khó khăn. Nếu kết cấu căn nhà cũ còn tốt thì việc sửa chữa ít tốn kém, còn khi hiện trạng căn nhà cũ quá tồi tàn thì... làm mới có khi ít tốn công hao của hơn là cố gắng cải tạo.
 

Ảnh trái: Gỗ tự nhiên và sắt là những chất liệu làm cổng và cửa phổ biến, nhưng đòi hỏi bảo trì (sơn phủ) thường xuyên, trong khi nhôm hay cửa nhựa lõi thép thì nhẹ và bền đẹp hơn, ít bị gỉ sét.
Ảnh phải: Không gian nội thất nào dù chung hay riêng, hiện đại hay truyền thống cũng đều cần sự định hình từ ban đầu các vật liệu cơ bản để thiết kế và thi công cho hợp lý, hài hoà.


Điều thứ ba gia chủ cần phải kiểm tra là huy động những mối quan hệ nào có thể hỗ trợ được mình khi làm nhà. Một mối quan hệ trong các cơ quan chức năng có thể giúp cho việc xin phép xây dựng được nhanh chóng. Một mối quan hệ bạn bè với giới xây dựng có thể giúp được nhiều ý kiến tư vấn bổ ích, tránh mất thời gian, giảm thiểu chi phí. Một mối quan hệ họ hàng thân quen có thể hỗ trợ việc trông coi, giám sát nhà thầu lúc thi công. Một mối quan hệ với các nhà cung cấp có thể giúp cho gia chủ tiết kiệm nhiều chi phí qua các chương trình khuyến mãi, chiết khấu… Tóm lại, biết mình có gì sẽ giúp ích cho việc làm nhà, giảm thiểu công sức và chi phí, nói nôm na là có thể “huy động sức mạnh tổng lực” thay vì “đơn thân độc mã” trong suốt quá trình xây cất.

Biết mình cần gì và muốn gì?

Dù đã chọn xong nhà thiết kế và nhà thầu cùng với những điều kiện có sẵn thì gia chủ vẫn phải xác định lại mình cần gì và muốn gì? Điều này thoạt nghe có vẻ khó hiểu nhưng thực tế đã chứng minh không ít nhiều gia chủ khi có trong tay hồ sơ thiết kế và nhà thầu bắt đầu làm móng rồi mà vẫn chưa xác định rõ được mình cần gì, mình muốn gì. Việc làm nhà diễn ra theo thực tế (nhà chật chội, cần ra riêng), theo thúc ép về thời điểm (nghe thầy phong thuỷ bảo năm nay xây tốt thì xây) hoặc do làm nhà trong khu quy hoạch có mẫu nhà sẵn, nghĩ rằng nhà nào mà chẳng có chừng đó phòng(?). Đến khi ngôi nhà xây dựng định hình phần thô rồi thì gia chủ mới té ngửa rằng mình quên yêu cầu nhà thiết kế làm chỗ này hay phòng nọ, mình cảm thấy khu vực này quá rộng, góc kia lại quá hẹp… Thế là phải sửa lại bản vẽ thiết kế, phải đập phá phần đã thi công gây tốn kém rất vô lý.

Vì vậy vẫn phải quay trở về xuất phát điểm khi làm việc với nhà thiết kế, gia chủ cần lưu ý quy mô, mức độ xây nhà chỉ dựa trên cơ sở kinh phí hiện có, dựa trên cơ sở nhu cầu của các thành viên trong gia đình trong một tương lai không quá xa vời. Từ đó cân nhắc, cân đong đo đếm sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng gia chủ, không làm thừa cũng như làm thiếu, đồng thời tránh tình trạng tính toán cho tương lai xa mà chưa thể biết các thành viên gia đình có biến động gì không (con cái du học, ra riêng, người già mất...)

Bên cạnh đó, gia chủ nên chia sẻ với nhà thiết kế về sở thích cá nhân, những gì mình mong muốn, những điều cấm kỵ trong gia đình… để tránh việc ngôi nhà không như ý, thiết kế đi lạc mục tiêu phải làm đi làm lại mất thời gian và gây hao tốn. Đừng mặc định rằng nhà thiết kế phải “làm những gì tốt nhất cho mình” khi chính mình không xác định được thế nào là tốt, thế nào là đẹp. Dĩ nhiên nhà thiết kế sẽ có những tư vấn thích hợp nhưng gia chủ vẫn là người lựa chọn và quyết định.

Biết mình chọn gì, hợp gì?

Sau giai đoạn ổn định thiết kế, gia chủ dứt khoát phải có quá trình “dạo chợ vật liệu” để có một số kiến thức cơ bản về thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất. Để có được những sự chọn lựa hợp lý, gia chủ cần nên lưu ý một số vấn đề cơ bản sau:

– Vật liệu cho phần khung xương: thông thường đối với nhà ở tư nhân hiện nay là hệ thống móng, đà, sàn, cột bằng bêtông cốt thép. Nhà thiết kế kết cấu sẽ tư vấn cho gia chủ nên chọn quy cách, tính chất kỹ thuật nào cho phù hợp kiến trúc ngôi nhà và địa chất khu đất. Ví dụ móng đơn hay móng băng, cọc khoan nhồi hay cọc ép. Lời khuyên cho các gia chủ là không thể áp dụng kỹ thuật của nhà khác vào nhà mình, và nên tuân thủ thiết kế của kỹ sư kết cấu (có tư cách pháp nhân hành nghề) để đảm bảo an toàn, bền chắc. Bên cạnh chất liệu bêtông cốt thép, hiện nay có không ít công trình như quán càphê, resort, nhà xưởng, cửa hàng... dùng chất liệu chịu lực khác như thép, thép kết hợp gỗ, nhôm, kính cường lực... với nhiều ưu điểm như nhẹ, thi công nhanh hơn bêtông, tạo hình ấn tượng, mang nét dân dã hoặc hitech nên dễ khiến một số gia chủ bị hấp dẫn và định “thử nghiệm” vào nhà của mình. Tuy nhiên cần lưu ý nhà ở gia đình không phải là không gian quán xá hoặc những công trình chịu thay đổi thường xuyên (tháo ráp nhanh, cơi nới theo thời gian...) do đó các vật liệu kể trên có thể được sử dụng một phần trong hệ khung xương và trong hoàn thiện, hoặc dùng tại các vị trí không chủ chốt...


KTS Trần Phụng Tiên Phuông

  • 370
  • By Admin
  • 30/05/2013
  • 17