• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xây nhà thời khó khăn: Vật liệu đã qua sử dụng "lên ngôi"

Cũng giống như bài toán giá thành mà rất nhiều doanh nghiệp tạo lập BĐS phải tính tới lúc này, chi phí về nhân công, thiết kế, nhất là vật liệu xây dựng (VLXD) luôn là phần phát sinh đáng kể nhất trong kế hoạch tài chính dành cho nhà cửa của mỗi gia đình tại Hà Nội.

Hàng hiệu "lép vế"

Đối với những đơn vị chuyên phát triển, kinh doanh loại hình nhà ở giá rẻ (như Xí nghiệp nhà Lai Châu), tập trung khai thác các phương án thi công tiết kiệm, giảm tối đa chi phí giá thành VLXD đương nhiên được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Đến ngay cả chủ đầu tư chuyên cao cấp như Vingroup cũng có lúc vướng "bê bối" chỉ vì "quá tiết kiệm" (lời của một số chủ nhân căn hộ TimesCity). Tháng 8/2013, nhiều khách hàng "tố" doanh nghiệp lắp sai chi tiết vật liệu, thiết bị trong căn hộ theo hợp đồng mua bán.

Còn ở góc độ người dân, những gia đình may mắn sở hữu trong tay nhà thổ cư tích góp cả đời mới mua được ở Hà Nội, kế hoạch sửa chữa, duy tu nhà ở luôn được ấp ủ. Thời điểm trước mùa mưa bão chuẩn bị tới, rất nhiều chủ hộ vội vã thực hiện việc sửa sang nhà của mình. "Liệu cơm gắp mắm", là kim chỉ nam. Thế nên, nhân công rẻ (tận dụng các đội thợ tự do), vật liệu xây dựng đã qua sử dụng nhưng vẫn còn "đát" là lựa chọn của hầu hết những người đang "căn ke" hầu bao cho nhà cửa.

Gạch ốp lát, ngói, tôn kẽm, các loại cửa sổ, cửa ra vào… vốn dĩ được biết đến qua các "chợ" rải rác trong nội đô như dọc phố Cát Linh, Đê La Thành, Trường Chinh.

Tại những cửa hàng lớn như Hùng Túy (Cát Linh, Đống Đa), đa phần mẫu mã sản phẩm nội thất đều thuộc hạng sang, có nguồn gốc từ Italy (salon Cattaneo Fratelli), Tây Ban Nha (gạch ốp Noblesse Sanchis), Đức (thiết bị vệ sinh Grohe). Mức giá các mặt hàng tên tuổi trên đều vượt xa các thiết bị "nội" như Viglacera, HaNoWindow, Đồng Tâm.

Nhiều gia đình phải tự tìm cách thi công tiết kiệm nhất để gia cố, cải tạo tổ ấm của mình trước khi nghĩ tới những căn chung cư tiện nghi, hiện đại

Thời điểm 2 năm trước, lượng khách tìm tới những gian hàng chuyên VLXD, nội thất ngoại được ghi nhận ở mức "không kịp phục vụ", chị Lan, chủ một cửa hàng chuyên doanh VLXD trên phố Cát Linh chia sẻ. Nhưng từ gần năm nay, rất nhiều showroom, cửa hàng lâm vào cảnh ế ẩm, vì người mua cơ bản đều chuyển sang sử dụng sản phẩm nội.

Cũ nhưng... còn tốt chán

Tại một công trình nhà ở xây 3 tầng vừa hoàn thiện ở đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội), hầu hết các chi tiết cửa, gạch ốp cầu thang, thậm chí cầu thang trong nhà đều được gia chủ tận dụng từ những sản phẩm đã qua sử dụng. Đương nhiên, các yếu tố về xi măng, thép là không thể ngoài các tên tuổi như Vicem, Pomina, Việt Úc, Bút Sơn… Ông Lâm, chủ hộ cho biết, sau khi lên chi tiết kế hoạch tài chính cho việc xây nhà (từ cấp 4 thành 3 tầng kiên cố), ông quyết định tìm tới những cửa hàng tư nhân chuyên cung cấp VLXD cũ ở khu vực Đồng Mai (Hà Đông) để tìm mua. Ban đầu, nhiều người cho rằng đồ cũ, đã qua sử dụng rất khó kiểm định chất lượng, nhưng chủ nhà đã bỏ công tìm hiểu "mẹo" để tránh mua phải "của rẻ, của ôi".

Những gia chủ như ông Lâm đều truyền tai nhau kinh nghiệm mua nội thất xây dựng cũ rất chi tiết. Cụ thể, với đồ gỗ nội thất, chất liệu bị mục hay bị mọt thì tương đối mềm, người mua có thể dùng ngón tay cậy lên, nếu thấy cục rơi xuống thì chứng tỏ gỗ nội thất đã bị biến chất mục hoặc mọt. Hay đồ gỗ nội thất có mặt dán (dán tấm gỗ đơn, PVC hay dán giấy sơn) đều cần đặc biệt chú ý các hiện tượng dán có bằng phẳng hay không, có chỗ phồng rộp không, khớp nối kín hay biến dạng không tự nhiên… Nhờ những "mẹo" kiểu này, sau khi tìm hiểu kỹ các khu chợ VLXD cũ như tại Đồng Mai, Ngọc Trục (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), nhiều chủ công trình dân dụng đã lựa chọn thành công rất nhiều món hàng chất lượng.

Anh Sơn, hiện đang xây sửa căn nhà từ cấp 4 lên 2 tầng hồ hởi nói: "Tôi vừa mua được 3 bộ cửa chớp lật (có kính), cỡ 400x600mm, có giá gần 400.000 đồng. Đây đều là hàng cũ, đã qua gia công của chủ cửa hàng, nhưng rất tốt và bền. So với những dạng cửa ngoại, hay nội nổi tiếng hiện nay như Eurowindow, G7 Window, SmartWindow, Navidoor… tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi chất lượng chưa chắc đã chênh lệch quá lớn".

Tuy vậy, hầu như các gia chủ chỉ tận dụng đồ VLXD cũ cho các chi tiết bên trong căn nhà: cửa ra vào các phòng, cửa hành lang, gạch ốp khu phụ… Còn lại, với các hạng mục đòi hỏi kiên cố và sử dụng lâu dài không (hoặc ít) thay đổi như cửa ra vào, gạch lát cầu thang, trần nhà, mái tôn, đa phần chủ nhân ưu tiên hàng đầu (và chấp nhận chi phí cao) cho những thương hiệu VLXD đẳng cấp.

  • 215
  • By Admin
  • 21/04/2014
  • 17