Xây nhà không phép tại phố Trần Quốc Hoàn - Ai đúng, ai sai? (Tiếp theo)
>>Xây nhà không phép tại phố Trần Quốc Hoàn - Ai đúng, ai sai?Nhìn lại dự án
Ngày 5/6/2000, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2666/QĐ-UB phê duyệt dự án xây dựng đường Tô Hiệu kéo dài, nay là đường Trần Quốc Hoàn; tuyến đường dài 979m, giao cắt với đường Nguyễn Phong Sắc và kết nối với tuyến đường Vành đai 3 (đường Phạm Văn Đồng). Mục tiêu của dự án là góp phần hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch của thành phố, góp phần chỉnh trang đô thị khu vực quận mới thành lập; thời gian hoàn thành dự án được ấn định năm 2002.Theo Quyết định 4335/QĐ-UB ngày 25/8/2000 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán công trình, đường có bề mặt rộng 15m, hè rộng 5-8m, trồng cây xanh trên hè dọc tuyến. Trong phạm vi thu hồi đất phục vụ dự án tại Quyết định số 5775/QĐ-UB ngày 24/10/2000 của UBND thành phố Hà Nội, có nhà của các hộ dân tổ 20 vốn được đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Công an) phân cho từ năm 1978.
Nếu như dự án được thực hiện đúng tiến độ, đúng theo phê duyệt ban đầu thì đường Trần Quốc Hoàn đã không phải 11 năm vẫn lỗi hẹn ngày khánh thành và vô vàn rắc rối phát sinh…
Tại thời điểm này, đơn vị thi công tiếp tục thực hiện dự án |
"Nút thắt" ở đâu?
Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, sau khi thành phố có quyết định (nêu trên), quận đã tổ chức giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Tuy nhiên, một phần diện tích là đất đã xây dựng công trình nhà ở của cán bộ, chiến sĩ thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Công an), nằm trong tổ dân phố 20, chưa thể giải phóng mặt bằng, vì vậy năm 2005 dự án phải tạm ngừng thi công.Sau khi họp, vận động các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng không có kết quả, quận đã báo cáo lên UBND thành phố Hà Nội. Để tháo gỡ vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo hướng giải quyết là cho phép điều chỉnh cục bộ mặt cắt tuyến đường (tại đoạn thắt cổ chai - khu vực 200m tổ dân 20) song phải bảo đảm mặt cắt đường đủ rộng 25m (Lòng đường rộng 15m không thay đổi trên toàn tuyến, vỉa hè rộng 5m mỗi bên).
Trên cơ sở này, UBND quận Cầu Giấy đã có tờ trình liên ngành UBND quận - Tổng cục Kỹ thuật số 33 ngày 7/7/2008 về việc điều chỉnh cục bộ mặt cắt đoạn thắt cổ chai. Theo đó, đoạn xin được điều chỉnh cục bộ có chiều dài khoảng 200m từ ngã tư Trần Quốc Hoàn - Phan Văn Trường tới cổng sau Trường đại học Sư phạm Hà Nội, tức khu vực 46 hộ dân tổ dân phố 20.
Phần chỉ giới đường đỏ của Tổng cục VI khi đó nhô ra so với chỉ giới chung ở dải phía bắc của tuyến đường được nắn thẳng cùng với việc thu hồi khoảng 320m2 đất phục vụ dự án. Đây là chuẩn để điều chỉnh lại chỉ giới dải phía nam, khu vực tổ 20. Mặt cắt đường được điều chỉnh từ 30m xuống còn 25m, bề rộng mặt đường 15m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
Không chỉ giải quyết "nút thắt" khiến dự án phải tạm ngưng, trong tờ trình, UBND quận Cầu Giấy còn cho rằng phương án điều chỉnh trên vẫn bảo đảm thông tuyến với mặt bằng tối thiểu mà thành phố yêu cầu, phần chỉ giới phía bắc đường gọn và đẹp hơn với phương án trước đây. Điều quan trọng là việc điều chỉnh còn giảm thiểu mức độ ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của các hộ dân (tổ 20) đã ăn ở ổn định nhiều năm, đồng thời tiết kiệm được khoảng 50 căn hộ tái định cư cùng khoảng 50 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Trên cơ sở đánh giá, xem xét của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ngày 29/10/2008, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 2573/ UBND- GT chấp thuận đề xuất của UBND quận Cầu Giấy. Đây chính là lý do mà nhà của các hộ dân tổ 20 chỉ bị giải tỏa một phần.
Như vậy, xét về mặt pháp lý, phần diện tích còn lại của các hộ dân tổ 20 hoàn toàn hợp pháp. Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu khẳng định, cái sai của một số hộ dân ở đây là xây nhà không phép chứ không phải xây nhà lấn chiếm lên vỉa hè (đường Trần Quốc Hoàn) như một số hộ dân tổ 23 phản ánh.
Oái oăm ở chỗ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở (sổ đỏ) của nhiều hộ dân tổ 23 được cấp sau khi thành phố có quyết định điều chỉnh cục bộ nêu trên lại vẫn ghi phần đuôi nhà của họ giáp với vỉa hè rộng 8m (hè đường Trần Quốc Hoàn theo phê duyệt ban đầu). Chẳng hạn, sổ đỏ của ông Nguyễn Văn Đích được UBND quận Cầu Giấy cấp ngày 9/3/2009, tức là hơn một năm sau văn bản chấp thuận điều chỉnh của UBND thành phố Hà Nội, ghi phần đuôi nhà (hướng bắc) giáp với vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn - bao gồm cả diện tích còn lại sau giải phóng mặt bằng của các hộ dân tổ 20.
Vì lý do nào mà các thông tin về việc điều chỉnh cục bộ tuyến đường Trần Quốc Hoàn đã không xuống được… cấp quận? Rắc rối phát sinh từ đây. Các tranh cãi, khiếu nại phát sinh từ đây. Đây chính là "nút thắt" của mọi kiện tụng, tranh cãi, khiếu nại.
Chờ đến bao giờ?
Trong buổi làm việc, giải quyết kiến nghị của một số hộ dân nhà B 10, tổ 23 mới đây, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho biết, quận tiếp thu và sẽ báo cáo đề nghị giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn theo quyết định phê duyệt ban đầu lên UBND thành phố. Trước mắt, quận yêu cầu UBND phường Dịch Vọng Hậu đình chỉ tuyệt đối các trường hợp xây dựng không phép, đồng thời chỉ đạo tiếp tục thi công lòng đường ở phần trùng nhau giữa thiết kế ban đầu với thiết kế theo đề nghị điều chỉnh năm 2008.Trong khi đó, những hộ dân như ông Nguyễn Ngọc Đoàn, bà Trần Thị Lan, bà Lương Thị Thêm như ngồi trên đống lửa. Ông Đoàn nói:
- Nếu chúng tôi vi phạm Quyết định 15 (Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6/5/2011 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng - PV) thì không nói làm gì. Đằng này, tuyệt đại đa số đều bảo đảm về diện tích, sẽ không để xảy ra nhà siêu mỏng, siêu méo. Tất nhiên, các hộ xây dựng không phép là sai, chúng tôi đã vận động, giải thích để họ dừng lại, chờ hướng dẫn.
Cách đây hơn hai tháng, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã có công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị cho 46 hộ dân tổ 20 còn đất đủ điều kiện xây dựng ngoài chỉ giới sau giải phóng mặt bằng được xem xét xác nhận nguồn gốc đất và cấp phép xây dựng. Ông Nguyễn Quang Hồng, Chủ tịch UBND phường cho biết, hộ không bảo đảm diện tích sẽ phải hợp khối.
Thay lời kết
Dự án đường Trần Quốc Hoàn là một trong 8 dự án trọng điểm mà UBND quận Cầu Giấy đặt quyết tâm thu hồi đất dứt điểm trong tháng 12/2011. 11 năm triển khai thực hiện dự án vẫn chưa hoàn thành, nhiều vấn đề phức tạp đã phát sinh. Theo chúng tôi, cơ quan chức năng không chỉ cần sớm giải tỏa những bức xúc của một số hộ dân tổ 23 mà còn phải sớm có phương án giải quyết cho các hộ dân tổ 20, nếu cứ để tình trạng bùng nhùng như hiện nay thì... thật khổ cho người dân và khó cho chính quyền cấp cơ sở! Tuy nhiên, một cán bộ cho biết, "đây là bài toán khó" và "vẫn đang phải tính".(Theo HNM)
- 146
- By Admin
- 12/12/2011
- 17