Xây nhà: Mối lương duyên giữa chủ nhà và kiến trúc sư
Có những ngôi nhà được xây nên bởi mối lương duyên tốt đẹp giữa các bên tham dự, nhưng cũng có không ít ngôi nhà bị "giữa đường đứt gánh" hay "đường ai nấy đi" trong và sau khi làm nhà, mà nguyên nhân chủ yếu là chuyện "đá nhầm sân", không xác định rõ được ai làm việc gì trong quá trình làm nhà. Bởi thế việc xác định đúng vai trò và mối quan hệ như thế nào cho hợp lý hợp tình là sự mở đầu mang tính quyết định đến sự thành bại cho những công việc tiếp theo.
Từ một thực tế phổ biến
Từ một thực tế phổ biến
Không có con số thống kê chính thức, nhưng có thể khẳng định hầu hết người đầu tiên gia chủ muốn gặp khi chuẩn bị làm nhà là các nhà thầu xây dựng. Tâm lý này chẳng phải xem thường kiến trúc sư, hay gia chủ xuất thân dân quê ít đọc bản vẽ không xem phối cảnh mà "bên trọng bên khinh" đâu, đơn giản đó là nếp nghĩ: chuyện xây nhà hệ trọng cả đời mà, phải làm sao cho "một đời nhà mấy đời người". Quan niệm của dân ta xưa nay luôn cổ xúy chuyện "ăn chắc mặc bền". Vì vậy khi xây nhà họ luôn mong muốn tìm được một nhà thầu có lương tâm, không bớt xén vật tư, không ăn gian làm dối (!) để có thể xây cho họ một ngôi nhà bền vững cả trăm năm. Và làm sao để tiết kiệm nữa chứ! Chưa làm gì mà thấy tốn tiền cho các thủ tục giấy tờ, tốn tiền vẽ kiểu nhà là đa phần ngán ngại rồi. Chủ nhà có thể gặp nhà thầu qua các công trình đã làm, qua giới thiệu của người quen và qua chính kinh nghiệm của mình đã từng xây (hay sửa) nhà. Đa phần các nhà thầu thường không trẻ tuổi và điều này được hiểu là "có kinh nghiệm", trong khi giới kiến trúc nhất là các kiến trúc sư trẻ tuổi (đa phần hay nhận làm công trình nhà dân khi chưa đủ điều kiện tiếp cận các dự án hoành tráng) lại không được dạn dày sương gió như vậy, thậm chí không ít kiến trúc sư đã phải… để râu cho đủ độ ngầu để giao tiếp nhận việc được "dữ dằn" hơn. Dĩ nhiên đó là các nam kiến trúc sư và dĩ nhiên râu ria không liên quan đến chất lượng chuyên môn, nhưng biết sao được khi gia chủ thường lớn tuổi hơn mình và luôn có xu hướng nghĩ rằng kiến trúc sư thường hay lãng mạn, hay vẽ vời, hay làm mình tốn tiền! Trong khi mấy ông thầu thì khẳng định rằng sẽ bao luôn cả phần thiết kế, nghe thật hấp dẫn!
Giá trị thiết kế đôi khi không hẳn cao siêu, mà là sự chắt lọc các điều kiện và lắng nghe được những xúc cảm |
là những giải pháp, ý tưởng sẵn có tiết kiệm không gian - vật liệu của người sử dụng. (Ảnh: Thu Thuỷ) |
Còn về ý tưởng thiết kế ngôi nhà thì sao? Chuyện nhỏ, bởi chủ nhà chính là người sẽ… quyết định về ý tưởng từ khâu bố trí phòng ốc, chọn lựa màu sắc, kiểu dáng mặt tiền, thiết bị vệ sinh đến các vật dụng nội thất. Ngay cả những công trình có nhà thiết kế đi cùng thì vẫn phải chờ chủ nhà quyết trong hầu hết mọi việc. Có người t hắc mắc: chủ nhà thì biết gì về chuyên môn thiết kế mà quyết định? Xin thưa: 30 giây! Các sách báo, tạp chí về kiến trúc nội thất bán đầy khắp nơi từ nước trong đến nước ngoài, các trang web liên quan đến nhà cửa cũng hằng hà sa số, từ ý tưởng đến chi tiết… đủ cả. Chỉ cần click chuột chọn lựa là xong, cần gì đến kiến trúc sư cho mệt! Ngoài ra, ta cũng có thể dễ dàng sao chép cái cổng của thằng cha hàng xóm, cái lan can của nhà đầu hẻm, cái cửa sổ ngôi nhà trên tạp chí, cái giường ngủ của em người mẫu nào đó trên truyền hình… Quan trọng là tìm cho ra hay nhờ người quen giới thiệu một nhà thầu có uy tín để thi công theo ý tưởng của mình là xong! Đó là lý do giải thích về sự ra đời của hàng triệu ngôi nhà vừa giống vừa khác nhau, vừa kiểu cũ vừa kiểu mới, vừa cổ điển vừa hiện đại… Tất cả hình thành một mớ bòng bong hỗn loạn trong các không gian đô thị thừa màu sắc nhưng thiếu bản sắc như hiện nay!
Đến các thành viên tham gia làm nhà
Kể "tội" sơ sơ của chủ nhà như trên bởi thực tế luôn diễn ra như vậy, ở các mức độ nhiều ít khác nhau, và thể hiện sự thiếu rạch ròi trong xác định vai trò ai là ai khi làm nhà. Điều này dẫn đến mối quan hệ các bên khi xây nhà thường là quan hệ trực tiếp "từ chủ nhà đến chủ thầu" với tâm lý ngán ngại nhiều người nhiều ý, tâm lý làm nhà theo cảm tính và nếp suy nghĩ xuất phát gốc làng xã nông nghiệp đã có từ lâu trong đại bộ phận dân cư. Ắt hẳn không ít người sẽ hỏi lại: thế theo giới chuyên môn thì chủ nhà cần phải làm gì, gặp ai, với trình tự như thế nào để phù hợp với những chuẩn mực của ngành nghề và để đảm bảo lợi ích của các bên? Câu trả lời tuỳ góc độ mỗi người mỗi nghề có thể không hoàn toàn giống nhau, nhưng tập trung lại vẫn cần chỉ ra các nét cơ bản nói lên thành phần cũng như trách nhiệm của từng thành viên tham gia vào công trình như sau:
– Chủ nhà là nhà đầu tư, với miếng đất cụ thể, tiền bạc cụ thể và nhu cầu cụ thể thì mới có điều kiện để đưa ra nhiệm vụ thiết kế, mới có việc cho nhà chuyên môn tham gia. Quan trọng như vậy nên chủ nhà đôi khi "lấn sân" khá nhiều mà không biết điểm dừng, từ việc đòi hỏi rất nhiều phương án của người thiết kế, cho đến mức "cầm tay chỉ việc" theo kiểu ép người thiết kế thực hiện những yêu cầu có đôi khi phản kỹ thuật, mỹ thuật hoặc không đúng với quy chuẩn xây dựng hiện hành. Khi đó chủ nhà đã biến người thiết kế thành công cụ thể hiện ý tưởng cho mình, với kết quả thu được thường là các giải pháp đầy rẫy sự miễn cưỡng và những chắp vá không giống ai.
– Kiến trúc sư là "cha đẻ" về mặt tinh thần, sáng tạo ra dung nhan của ngôi nhà, là nhân vật có chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp được học và hành để quyết định các vấn đề về không gian sống mà chủ nhà mong ước. Bên cạnh kiến trúc sư còn có nhiều nhà tư vấn thiết kế khác nữa như kết cấu, điện, lạnh, cấp thoát nước, sân vườn, trang trí nội thất… Tuy nhiên, kiến trúc sư vẫn là thiết kế trưởng, và vì thế các nhà tư vấn thiết kế khác phải thông qua toàn bộ phần thiết kế của họ cho kiến trúc sư xem trước khi ban hành cho nhà thầu thi công.
– Nhà thầu là người cụ thể hoá những bản vẽ thiết kế trên công trường. Do không phải là đơn vị thiết kế nên nhà thầu có quyền đề nghị điều chỉnh thiết kế nếu phát hiện có điều gì không hợp lý, nhưng phải được sự chấp thuận của nhà thiết kế trước khi thực hiện. Nói ví von, nhà thầu là ca sĩ còn kiến trúc sư là nhạc sĩ, hai bên có sự sáng tạo và cách thức hành nghề khác nhau với cùng một tác phẩm – ngôi nhà. Dĩ nhiên vẫn có đây đó các nhạc sĩ kiêm ca sĩ hoặc ca sĩ biết sáng tác nhạc, nhưng chỉ mang tính cá biệt, việc ai nấy làm vẫn lý tưởng và hiệu quả hơn.
– Mối quan hệ về quyền lợi giữa nhà tư vấn thiết kế và các nhà thầu thường mâu thuẫn với nhau, một bên chịu trách nhiệm về công năng và mỹ quan của ngôi nhà, một bên chịu trách nhiệm về chất lượng thi công và thời gian hoàn tất công trình. Thực tế luôn cần có thêm các nhà tư vấn quản lý và giám sát thi công mang tính độc lập, hỗ trợ chủ nhà trong việc kiểm soát chất lượng và tiến độ xây dựng. Ngoài ra còn có người quản lý vật tư, tư vấn về khối lượng và giá cả trong xây dựng nhằm hỗ trợ chủ nhà chọn lựa một nhà thầu báo giá hợp lý nhất, với khối lượng công việc đầy đủ không thừa không thiếu.
Một ngôi nhà hoàn chỉnh không chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản hay mặt tiền "hoành tráng" mà còn phải được quan tâm, xử lý đầy đủ các chi tiết nội thất. (Ảnh: Trần Phụng Tiên Phuông) |
Việc phân định rạch ròi trách nhiệm của từng bên trong quan hệ tổng thể khi làm nhà như trên sẽ giúp cho chủ nhà dễ dàng giao việc cũng như kiểm soát được tiến trình và chất lượng thiết kế – thi công ngôi nhà của mình. Với những ngôi nhà có quy mô nhỏ hoặc khối lượng công việc đơn giản, một số vị trí nêu trên có thể không cần thiết hoặc có thể kiêm nhiệm (như chủ nhà kiêm người giám sát, hay bên thiết kế kiêm tư vấn quản lý khối lượng và giá cả) để giảm chi phí. Tuy nhiên hai nhân vật chủ chốt là nhà thiết kế và nhà thầu thi công là bắt buộc không thể bỏ được hoặc nhập nhằng, mà cần theo trình tự "thiết trước – thầu sau", nghĩa là cần gặp gỡ trao đổi với nhà thiết kế trước rồi mới đến chọn lựa chỉ định nhà thầu thi công sau. Ngay cả khi chủ nhà quá tin tưởng mà giao trọn gói cho một công ty – người thiết kế vừa thiết kế vừa thi công thì cũng phải tách bạch từng giai đoạn và con người cụ thể, nếu muốn tránh các rủi ro và va chạm trong tiến trình làm nhà theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" này.
Mối quan hệ hợp lý hợp tình giữa chủ nhà và các thành viên nêu trên khi được kết nối chặt chẽ, sẽ góp phần tạo nên sản phẩm cuối cùng là một công trình được hoàn tất đúng tiến độ và đúng chất lượng theo yêu cầu và ngân sách dự định.
Mối quan hệ hợp lý hợp tình giữa chủ nhà và các thành viên nêu trên khi được kết nối chặt chẽ, sẽ góp phần tạo nên sản phẩm cuối cùng là một công trình được hoàn tất đúng tiến độ và đúng chất lượng theo yêu cầu và ngân sách dự định.
- 282
- By Admin
- 08/03/2013
- 17