Xây đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long 6 làn xe
Tuyến đường Nội Bài - Hạ Long (Quốc lộ 18) từng được Chính phủ Việt Nam đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng bằng vốn vay ODA.Báo cáo đầu kỳ đề xuất dự án đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long sau đó đã do liên danh nhà đầu tư Công ty hợp tác KTKT quốc tế Quảng Tây và Tập đoàn công ty TNHH đầu tư Quảng Tây - Trung Quốc (GITEC) đảm nhận.
Liên quan đến nội dung dự án này, Bộ GTVT vừa thống nhất điểm đầu dự án tại Nội Bài, điểm cuối tại nút Tiêu Giao (TP Hạ Long). Hướng tuyến được đề xuất sẽ đi qua địa phận TP Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh. Tại đoạn qua khu vực Chí Linh (Hải Dương), tuyến đường sẽ men theo phía nam khu di tích Côn Sơn.
Đến và rời khỏi sân bay quốc tế Nội Bài rồi đây sẽ giã từ những con đường chỉ 1, 2 làn xe như thế này bởi sắp có thêm nhiều đường bộ cao tốc, đường sắt mới với qui mô "hoành tráng".
Bộ GTVT nhận định, qui mô mặt cắt ngang tuyến này cần tuân thủ Qui hoạch mạng đường bộ cao tốc quốc gia Việt Nam đến 2020 (đã được Bộ trình Chính phủ cuối 2007), trong đó đoạn từ Bắc Ninh đến Hạ Long qui hoạch qui mô giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe.
Riêng đoạn Bắc Ninh - Nội Bài dài 32km đã xây dựng 4 làn xe, tuy nhiên Bộ GTVT cho biết một số thông số kỹ thuật đoạn tuyến này chưa đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc - vì vậy xét về lâu dài vẫn phải nghiên cứu đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe.
Bộ GTVT cũng lưu ý các nhà đầu tư, sân bay Nội Bài vừa được Chính phủ Việt Nam quyết định đầu tư mở rộng đạt chuẩn quốc tế, nên điểm đầu tuyến đường tại Nội Bài rất cần cập nhật cho phù hợp "bắt" vào một sân bay quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam hiện đang triển khai dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân nên GITEC cần tính toán chặt chẽ về lưu lượng xe, cách phân bố lưu lượng cho tuyến này, đồng thời tính toán kỹ phương thức phân kỳ đầu tư dự án. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cung cấp, hỗ trợ về số liệu đếm xe và các phương pháp tính toán, trạm thu phí, phí dịch vụ của Việt Nam.
Đơn cử một vài khó khăn Bộ GTVT lưu ý các nhà đầu tư: việc tính toán tổng mức đầu tư dự án cần xét cả hệ số trượt giá (nhân công, máy móc, vật liệu); chi phí giải phóng mặt bằng cần xét đến giá đền bù của từng địa phương có tuyến đường đi qua tại thời điểm thực tế triển khai dự án; phạm vi ảnh hưởng của dự án phải xét đến hành lang bảo vệ đường bộ và hành lang thu hồi đất vĩnh viễn...
Được biết, thời điểm đầu tư, thời gian xây dựng, khai thác vận hành cũng như khả năng đầu tư, huy động vốn vay dự án này sẽ được làm rõ tại báo cáo cuối kỳ thời gian tới.
Theo VietNamNet
- 254
- By Admin
- 01/07/2008
- 17