Xây dựng tạm - lãng phí thật
Theo đó, người dân có thể được cấp phép xây dựng nhà kiên cố cao 5 tầng trên khu vực bị quy hoạch treo nhưng khi nhà nước quy hoạch thật, họ phải cam kết tháo gỡ mà không được bồi hoàn giá trị tài sản.Quyết định này cũng có cho phép người ở lâu ngày trên đất thuộc dạng này từ trước 1-7- 2004, mặc dù chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đăng ký quyền sử dụng đất cũng được phép xây nhà ở.
Đối với đất được quy hoạch làm công trình hạ tầng kỹ thuật (nhà ga, bến xe, đường dự phòng, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước…) hoặc công trình hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công viên, nhà văn hóa…) cũng được xem xét cấp phép xây dựng với quy mô tối đa 5 tầng.
Điều dễ nhận thấy, tính tích cực của quyết định này là tháo gỡ một hiện trạng cực kỳ bấn bách lâu nay ở đô thị: hễ ở đâu không may vướng vào quy hoạch treo là người dân cơ cực vì rất nhiều hệ lụy. Họ không được xây dựng, cơi nới, cải thiện chỗ ở mà muốn đi nơi khác cũng không được vì thực sự nhà nước chưa thu hồi, chưa giải tỏa, đền bù.
Thật tiếc, ngoài lợi ích trên, có thể thấy quyết định này bộc lộ một loạt điểm yếu trong quản lý đô thị.
Lãng phí
Vì Quyết định 68 chỉ giới hạn về chiều cao mà không nói gì về diện tích sàn nên hãy hình dung: hôm nay một gia đình được phép cất nhà rộng 300 m2, cao 5 tầng. Tính ra, căn nhà có giá trên dưới 5 tỷ đồng. Một năm sau nhà nước làm xong quy hoạch … thật, gia đình nọ phải đập bỏ tòa nhà vừa xây.
Nếu khu vực nào đó được “thả” sau khi treo rộng chừng 40 ha mọc lên chừng 300 căn nhà “tạm”, mỗi căn một tỷ bạc thì khi ấy, ta vung tay đập bỏ ba trăm tỷ bạc dễ như bỡn!.
Thiết nghĩ, trên thế giới này, chỉ có xứ ta mới dám coi thường vật chất cỡ đó.
Hứa hẹn những bất ổn
Việc cho phép làm nhà kiên cố, việc có thể quay lại thu hồi đất bất cứ lúc nào, khả năng những quần thể kiến trúc kiên cố, giá trị cao khó “tháo gỡ” và phản ứng của cộng đồng chống lại việc bị đập nhà do tâm lý “con đau của xót” sẽ là những nội dung chắc chắn phát sinh khi có quy hoạch chính thức, có thể làm rối loạn một bộ phận dân chúng bị thiệt hại.
Nếu không tháo gỡ được, đành phải buông xuôi thì đây lại là một kiểu “xé rào”. Tài sản của người dân vĩnh viễn không được công nhận, không thể sang nhượng, thế chấp để khai thác tiềm năng khi nó bị liệt vào diện “chống đối, không tháo gỡ”, diện “có vấn đề”.
Trong quản lý xã hội, nhiều người nêu ra một nguyên tắc vàng: Khi giải quyết một vấn đề phải hết sức tránh việc làm phát sinh nhiều vấn đề khác.
Quyết định 68, tuy có vẻ thông thoáng nhưng khả năng tạo những phát sinh ngoài mong muốn là rất có thể.
Thêm nữa, trong Luật Đất đai, một tinh thần được ghi rõ: Không một tổ chức, cá nhân nào được quyền bỏ hoang hóa đất. Và một số quy định về quản lý đất đai, kế hoạch đầu tư cũng quy định: Nếu sau 12 tháng, chủ đầu tư không sử dụng đất sẽ bị thu hồi. Chiểu theo pháp luật, những khu vực quy hoạch treo đã “đạt” 5 năm trở lên bộc lộ rõ tính bất khả thi.
Việc thu hồi các quyết định “quy hoạch treo” hay bãi bỏ những ý đồ quy hoạch thiếu thực tế, gây tác hại cho cuộc sống là việc cần ưu tiên hơn cách giải quyết nửa vời của Quyết định 68.
(Theo Tiền Phong)
- 0
- By Admin
- 09/11/2010
- 17