• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xây dựng sai phép: Thử thách bản lĩnh của nhà chức trách

Xây nhà không đúng theo giấy phép, sau đó nhận lỗi và xin điều chỉnh giấy phép để giữ lại phần được xây dựng trái pháp luật. Có thể tóm gọn như thế về cách ứng xử mà tập đoàn Bảo Việt đã và đang thực hiện liên quan đến toà nhà to lớn được họ dựng lên giữa trung tâm thành phố.

Chuyện xây dựng sai phép của Bảo Việt không hề cá biệt. Hiện tượng “giấy phép nói một đàng, thực tế xây dựng diễn ra một nẻo” có dấu hiệu không giảm tại các đô thị lớn trong mấy năm gần đây. Nhiều công trình kiến trúc đồ sộ ra đời theo lộ trình đó thậm chí đã và đang được đưa vào khai thác để sinh lợi cho chủ đầu tư một cách công nhiên, thực sự là một thách thức đối với dư luận xã hội và nhất là đối với nhà chức trách xây dựng.

Ở các nước tiên tiến, giấy phép xây dựng là chuẩn mực, là căn cứ được các cơ quan công sử dụng để đánh giá sự tôn trọng của chủ thể đối với luật pháp và trật tự công cộng trong quá trình tạo lập một bất động sản. Xây dựng trái phép là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thường được chế tài rất nghiêm khắc bằng nhiều biện pháp kết hợp: phạt tiền thật nặng, có khi gấp mấy lần giá trị của công trình; buộc tháo dỡ phần xây dựng không phép và tự chịu chi phí tháo dỡ; buộc bồi thường những thiệt hại gây ra cho các chủ thể khác, nếu có, trong quá trình tháo dỡ…

Cứ điềm nhiên xây dựng ngoài khuôn khổ giấy phép, hẳn chủ đầu tư phải có niềm tin nội tâm về khả năng dàn xếp để mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó. Trong điều kiện giấy phép được coi là chuẩn mực, chỉ cần làm thế nào điều chỉnh nội dung của nó cho phù hợp với hiện trạng xây dựng, thì tự nhiên sự ra đời của công trình sẽ trở nên có chính danh và nó sẽ có đủ tư cách để tồn tại.

Có điều, sửa giấy phép cho phù hợp với hiện trạng xây dựng cũng có nghĩa là thừa nhận việc xây dựng trên thực tế là đúng pháp luật; còn giấy phép được cấp trước đây là một văn kiện trái pháp luật. Trắng được đổi thành đen và ngược lại, để ai đó có điều kiện bảo tồn toàn bộ lợi ích riêng tư của mình.

Xử lý các vụ xây dựng sai phép, đặc biệt là những vụ liên quan đến các công trình lớn của các chủ đầu tư có thế lực, trước hết là sự thử thách bản lĩnh của nhà chức trách xây dựng trong việc tìm lời giải cho bài toán áp dụng pháp luật nhằm đạt mục tiêu bảo đảm trật tự xã hội. Nếu giấy phép được sửa theo đúng nguyện vọng của chủ đầu tư, thì có thể nói rằng rốt cuộc chủ đầu tư, chứ không phải Nhà nước hay nhà chức trách công, mới là người tạo ra chuẩn mực: chính chủ đầu tư sẽ viết lại tờ giấy phép cho mình, sau khi đã hoàn thành việc tạo dựng công trình theo ý mình.

Nếu không được xử lý nghiêm và đến nơi đến chốn theo đúng các quy định của luật pháp hiện hành, thì những việc như thế này nhất định sẽ trở thành tiền lệ xấu, tạo điều kiện cho sự hình thành các lề thói ứng xử tiêu cực trong hoạt động xây dựng dân dụng: xã hội sẽ phải chứng kiến sự tràn lan của hiện tượng xây cất nhà cửa thoải mái, tuỳ tiện, bất chấp luật pháp.

Vả lại, điều tệ hại chắc chắn không dừng lại ở đó; bởi việc gạt bỏ luật pháp qua một bên có thể từ đó lan xa và rộng, ra đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tâm lý coi thường pháp luật, chuẩn mực khách quan, đồng nghĩa với sự đánh mất lòng tin vào tính hiệu quả của các thiết chế công, sẽ có điều kiện hình thành, phát triển, thậm chí trở thành một thứ axít ăn mòn dần các giá trị cốt lõi của xã hội có tổ chức.

Một cách hợp lý, một khi trật tự xã hội xuống cấp, thì tình trạng rối ren sẽ ngự trị. Khi đó, để sinh tồn, con người ta tự nhiên sẽ có xu hướng, phù hợp với bản năng, trở lại dựa dẫm vào sức mạnh vật chất, đặc biệt là cơ bắp và vũ khí, trong quá trình giao tiếp, ứng xử trong không gian chung.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
(Theo SGTT)

  • 0
  • By Admin
  • 26/01/2011
  • 17