Xây dựng sai chỉ giới có khởi kiện được không?
Tầng một họ xây đúng theo chỉ giới, nhưng tầng hai họ cơi nới ra ngoài chỉ giới 30-40cm.
Vậy tôi xin hỏi họ có được phép không? Và như vậy họ vi phạm điều khoản nào về luật xây dựng? Tôi có thể kiện họ được không? Dựa vào điều khoản nào của Bộ luật dân sự và Luật xây dựng? Lê Liêm, (leliem142@...)
Trả lời
1. Về việc xác định chỉ giới xây dựng
Căn cứ Khoản 7, Điều 3 Luật xây dựng định nghĩa chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa, để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.
Căn cứ Khoản 8, Điều 3 Luật xây dựng định nghĩa chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên lô đất.
Căn cứ vào các định nghĩa nêu trên, để xác định được chỉ giới xây dựng phải xác định được chỉ giới đường đỏ. Mặt khác, việc xác định các loại chỉ giới nêu trên là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và cho phép.
Ngoài ra, hiện nay việc xây dựng nhà phải có giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ một số trường hợp được miễn giấy phép, nhưng việc miễn này không đồng nghĩa việc chủ đầu tư muốn xây dựng bất chấp quy hoạch và các quy tắc về xây dựng.
Trong trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà không có giấy phép thì việc xử lý nhà xây dựng không phép thuộc thẩm quyền các cá nhân được quy định tại Điều 56, Điều 57, Điều 58, Điều 59 Điều 60 và Điều 61 nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/2/2009, bao gồm: thanh tra viên xây dựng, chánh thanh tra sở xây dựng; chánh thanh tra Bộ Xây dựng; chủ tịch UBND cấp xã; chủ tịch UBND cấp huyện; chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Khi một trong các cá nhân có thẩm quyền nêu trên xử phạt về vi phạm xây dựng sẽ phải xác định tính chất, quy mô và mức độ vi phạm để xử phạt. Để xác định những vấn đề vi phạm nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiến hành đo đạc trên thực tế xây dựng của căn nhà và đối chiếu với bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt để xác định căn nhà xây dựng có vượt chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng hay không, cũng như sẽ xác định nội dung lầu 1 của căn nhà được phép xây ra bao nhiêu so với chỉ giới xây dựng hay căn nhà này thuộc trường hợp không được phép .
Do đó, việc xác định những vấn đề như thư trình bày thuộc thẩm quyền của một trong các cá nhân có thẩm quyền nêu trên. Vì vậy, những thông tin mà ông trình bày chỉ có tính chất tham khảo, không thể làm căn cứ xác định việc căn nhà nêu trên xây dựng có đúng với chỉ giới xây dựng hay không.
Trong trường hợp căn nhà nêu trên có giấy phép xây dựng thì vấn đề đặt ra là họ xây dựng có đúng với giấy phép xây dựng hay không. Nếu xây dựng không đúng với giấy phép thì việc xác định đúng sai và thẩm quyền xử lý những vấn đề sai giấy phép xây dựng cũng thuộc về một trong những cá nhân có thẩm quyền nêu trên.
2. Về quyền khiếu nại tố cáo liên quan đến vi phạm Luật xây dựng
Căn cứ Khoản 2, Điều 68 NĐ 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-2-2009, thì ông có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về trường hợp nêu trên nếu ông có căn cứ cho rằng họ xây dựng không có giấy phép hay xây dựng sai giấy phép.
Căn cứ Điều 117 Luật xây dựng, những hành vi vi phạm quy định của Luật xây dựng thì cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, ông không thể kiện chủ đầu tư căn nhà nêu trên đối với hành vi xây dựng sai chỉ giới xây dựng hay không có giấy phép xây dựng tại tòa án, ngoại trừ những sự việc phát sinh từ hợp đồng liên quan đến hoạt động xây dựng hay chủ đầu tư nêu trên lấn sang phần nhà - đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của ông…
Luật sư Phạm Đình Sơn
(Theo TTO)
- 231
- By Admin
- 10/03/2012
- 17