Xây dựng dự án Luật Thuế tài sản: Ở villa, biệt thự thì phải đóng thuế cao
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang dự kiến đưa dự án Luật Thuế tài sản vào chương trình xây dựng luật năm 2009 và sẽ thông qua trong năm 2010.Theo Bộ Tài chính, dự luật này có đối tượng, phạm vi điều chỉnh là các tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Ông Lưu Đức Huy, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết Luật Thuế tài sản có nội dung bao trùm rất rộng, cứ có tài sản là phải chịu thuế.
Sắp xếp lại các loại thuế
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế, cho biết: “Thực ra chúng ta đã thu thuế đối với tài sản như đất từ lâu rồi. Cụ thể như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi giao đất hoặc cho thuê đất. Trong quá trình sử dụng đất có thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất; khi chuyển nhượng đất có thuế chuyển quyền sử dụng đất. Trong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản có lệ phí trước bạ, khi được giải quyết một số công việc liên quan đến địa chính phải nộp lệ phí địa chính”.
Đó là tám khoản thu đối với tài sản được quy định bởi bốn luật thuế. Việc xây dựng Luật Thuế tài sản sẽ gộp tám khoản thu này vào một luật. Nói cách khác là để sắp xếp lại nguồn thu từ đất cho hợp lý mà thôi.
Tiến sĩ Phan Hồng Phúc (Bộ Tài chính) cho rằng hệ thống thuế hiện hành có sự chồng chéo giữa các loại thuế và phí tài sản, dẫn đến không bình đẳng về mức thuế phải nộp giữa các đối tượng sử dụng đất. Thuế chuyển quyền đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ không thu với giao đất lần đầu nhưng các lần chuyển nhượng tiếp theo lại thu.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói: “Chúng ta cứ thấy giá đất lên vù vù, xuống rồi lại lên. Cứ như thế thì thị trường bất động sản ở Việt Nam rất bất ổn và xu hướng tăng giá là chủ yếu. Do vậy, trước tiên chúng ta hãy đánh thuế vào bất động sản, tức là đất và nhà”.
Giáo sư Võ nhấn mạnh, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện đang quá thấp, mức cao nhất gấp 32 lần thuế sử dụng đất nông nghiệp, chỉ 1,6 kg lúa/m2. Ví dụ, diện tích 100 m2 đất ở trung tâm Hà Nội hiện chỉ phải đóng thuế sử dụng là 160 kg lúa hàng năm, tức khoảng 500 ngàn đồng.
Trong khi vào thời đất “sốt” cao, giá miếng đất trung tâm này lên tới khoảng 300 triệu đồng/m2. Cách đánh thuế như hiện nay không tạo được động lực nâng hiệu quả sử dụng đất cũng như ngăn chặn nạn đầu cơ.
Thuế đất tùy mục đích sử dụng
“Chúng ta phải khuyến khích đầu tư các loại tài sản trên đất. Nếu như chúng ta đánh thuế tài sản trên đất cao thì sẽ hạn chế đầu tư. Loại đất nào có hiệu quả sử dụng cao thì cũng phải giảm thuế. Vì thế, tài sản gắn liền với đất là nhà phải có mức thuế hợp lý, điều này cần phải tính toán cụ thể. Chắc chắn là villa, biệt thự thì phải đánh thuế cao hơn nhà chung cư bởi nhà chung cư sử dụng đất tiết kiệm, còn biệt thự có khuôn viên, cây cảnh... đương nhiên sử dụng đất nhiều hơn chung cư” - giáo sư Võ đề nghị.
Theo ông Huy, đối với đất, dự kiến thuế sẽ được xác định đối với diện tích thực tế sử dụng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc qua kiểm tra thực tế. Thuế suất được tính theo mục đích sử dụng của từng loại đất như đất xây dựng, đất kinh doanh phi nông nghiệp.
Đối với đất kinh doanh phi nông nghiệp, nên khuyến khích người dân đầu tư cho sản xuất kinh doanh mà không thu cao. “Còn thuế chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể vẫn tiếp tục được miễn giảm như hiện nay” - ông Huy nói.
Nhà vượt hạn mức mới nộp thuế nhà
Có ý kiến lo ngại nếu chia thuế nhà riêng, thuế đất riêng thì căn nhà của họ đang ở lại phải đóng thuế nhà trong khi đã nộp thuế đất rồi. Theo giáo sư Võ, rất có thể sau khi nghiên cứu xây dựng luật, không phải là tất cả đều tăng mà là có chỗ cần tăng nhưng đại đa số lại có thể giảm đi mức đóng góp thuế.
“Chắc chắn thời gian đầu thuế không làm tăng đóng góp quá lớn cho ngân sách. Điều đáng thảo luận ở đây là ngưỡng đánh thuế như thế nào cho phù hợp với túi tiền của người lao động. Đối với nhà có thể chia ra làm mấy loại, tỷ suất thuế phải tương ứng với từng loại. Ví dụ: Nhà biệt thự, chung cư hay cấp bốn thì đánh thuế như thế nào... Trước mắt, thuế nhà ở sẽ thấp, chỉ để cho người dân làm quen. Còn những trường hợp sử dụng nhiều nhà thì cần phải đánh mức cao để hạn chế đầu cơ” - ông Võ nói.
Ông Huy cho rằng không phải tất cả nhà đều có thể đưa vào diện chịu thuế mà chỉ những căn nhà, vật kiến trúc có hạn mức sử dụng vượt ngưỡng nhất định mới phải chịu thuế. Ví dụ, một gia đình có bốn người mà sử dụng căn nhà 200 m2 sẽ phải nộp thuế cao hơn một gia đình tương tự nhưng ở căn nhà chỉ có 100 m2. Dự kiến thuế lũy tiến nhà ở cũng sẽ được đưa vào dự án Luật Thuế tài sản.
Phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), được giao trực tiếp nghiên cứu hạn mức sở hữu nhà làm căn cứ tính thuế lũy tiến.
Đại diện phòng này cho biết trong chiến lược phát triển về nhà ở được phê duyệt năm 2004, Chính phủ đề ra hướng phấn đấu đến năm 2010 đạt bình quân 15 m2 nhà/người, đến năm 2020 là 20 m2 nhà/người.
Đất ở đem kinh doanh phải đánh thuế cao hơn
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, chúng ta cần tách diện tích đất ở có sử dụng một phần để kinh doanh để tính thuế đất kinh doanh. Ví dụ, giá đất ở Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội) có lúc lên tới 500 triệu đồng/m2, càng gần mặt đường, chỗ có thể kinh doanh được thậm chí lên đến cả tỷ đồng một mét vuông.
Bản thân người kinh doanh tại đó có nói chỉ hai năm là thu hồi hết vốn. Do vậy, tỷ suất thuế đánh vào kinh doanh mặt đường sẽ điều chỉnh đất dùng để kinh doanh. Nói cách khác, phần nào để ở thì đánh thuế suất đất ở, còn kinh doanh thì phải đánh thuế suất đất kinh doanh.
Theo Pháp Luật TP
- 229
- By Admin
- 21/10/2008
- 17