• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Xây dựng - Bất động sản: Nhiều cách né tăng giá

Hợp đồng mở và lo tích trữ

Sau khi hoàn thiện hạ tầng sớm hơn 2 tháng so với dự định, chủ đầu tư Khu đô thị mới Văn Phú - TP Hà Đông đã bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng các khu nhà thấp tầng. Đại diện Công ty cổ phần Nhà Quảng Ninh - chủ đầu tư cho biết, đến thời điểm này, thị trường vẫn chưa hẳn có nhiều thuận lợi nhưng DN vẫn quyết định xây dựng khu nhà thấp tầng. Chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ kinh phí xây dựng theo dự kiến cho hơn 2.500 căn nhà.

Bên cạnh đó, đại diện Ban quản lý Khu đô mới Văn Phú cũng cho biết, thời gian qua, rất nhiều khách hàng đã đề nghị cho tự xây dựng. Có nhiều nguyên nhân trong đó có cả việc giá cả tăng khiến khách hàng không thể tiến hành đầu tư theo dự định ban đầu. Tuy nhiên, điều đó là không thể vì không đúng quy định của Bộ Xây dựng. Với sự chuẩn bị và chủ động về tài chính nên DN không phụ thuộc khách hàng mà vẫn có thể triển khai theo đúng trình tự.

Việc triển khai xây dựng vào thời kỳ giá cả còn nhiều biến động khiến cho không ít nhà đầu tư và nhà thầu e dè. Tuy nhiên, để giảm thiệt hại đạt được tiến độ mong muốn, trong lễ ký hợp đồng mới đây với hơn 11 nhà thầu thi công cho toàn bộ khu nhà thấp tầng ở Văn Phú, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đã đạt được một thỏa thuận nhằm chia sẻ khó khăn cho các nhà thầu. Đó là một hợp đồng "mở" về thanh toán.

Theo đó, nếu như trước đây, các hợp đồng được ký cứng về thời điểm, đơn giá và tổng kinh phí thanh toán khiến nhiều nhà thầu thua lỗ khi giá cả tăng. Tuy nhiên, trong hợp đồng này, các nhà thầu hoàn toàn có thể yên tâm khi chủ đầu tư đưa ra cơ chế thanh toán từng đợt, theo thực tế giá cả tại thời điểm hoàn thành. Điều này có nghĩa, thay vì chỉ thanh toán 1 - 2 lần với mức giá cứng từ đầu cho suốt quá trình xây dựng, các nhà thầu có thể thanh toán thành nhiều đợt theo giá cả thị trường mà nhà thầu thực tế thi công.

Ông Trần Huy Hưng - Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: một hợp đồng có thể thanh toán thành 3 - 4 đợt tùy nhà thầu và giá cả căn cứ trên báo giá có giá trị chính thức của các đơn vị cung cấp vật liệu mà không cần chờ đến thông giá của Nhà nước. Giá tăng, DN thanh toán tăng và giảm thì tất nhiên sẽ thanh toán giảm xuống. Làm như thế, nhà thầu sẽ không còn ngại bị lỗ do giá biến động. Còn chủ đầu tư sẽ hoàn thành được công trình theo tiến độ. Dự kiến sau 8 - 10 tháng sẽ có sản phẩm giao cho khách hàng.

Trong khi đó, cũng để đối phó với biến động giá cả, tại Khu chung cư Cao cấp Việt kiều châu Âu - Mỗ Lao - TP Hà Đông chuẩn bị triển khai vào dịp này chủ đầu tư lại có biện pháp chuẩn bị sẵn trước các vật liệu cơ bản có nguy cơ biến động giá lớn.

Ông Đỗ Quân - Tổng giám đốc Công ty TSQ - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án đã được chuẩn bị ký về nhiều loại vật liệu. Chỉ riêng về thép, DN đã lo đủ cho toàn bộ dự án. Giá cả thị trường có biến động DN sẽ không bị tác động nhiều. Theo ông Quân, chính sự chủ động chuẩn bị sẽ giúp nhà đầu tư tránh được các tác động về biến động giá cả. Và điều này giúp DN có thể mạnh dạn cam kết về giá cả với khách hàng.

Qua cơn bão giá, rất nhiều DN đã bị thiệt hại, thậm chí có những chủ đầu tư phá sản bỏ lại không ít công trình dang dở và xấu xí. Tất nhiên, dù có được khởi động lại thì những công trình đó cũng phải chấp nhận mặt bằng giá mới trong khi phải đánh đổi rất nhiều thời gian chậm trễ và chất lượng sụt giảm; còn uy tín DN thì mất đi.

Bằng nhiều cách, các DN nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư bất động sản đã tìm cách chia sẻ khó khăn để đạt được mục tiêu làm theo đúng tiến độ, làm nhanh, thu hồi vốn sớm, giữ uy tín trên thị trường và với cơ quan nhà nước.

Bài học hợp tác và chia sẻ khó khăn


Trong cuộc hội thảo mới đây bàn về biện pháp ứng phó với lạm phát của các DN Việt Nam, bên cạnh các biện pháp tự thân như tiết kiệm, cắt giảm đầu tư, chuyển hướng kinh doanh, cơ cấu lại DN thì một trong những biện pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn để chống lạm phát mà còn là chiến lược dài hạn là cũng chia sẻ khó khăn, trước hết là những đối tác của mình.

Trong đợt dịch bệnh gia cầm trước đây, hàng loạt hộ chăn nuôi bị phá sản thua lỗ, P&G - một DN kinh doanh thức ăn chăn nuôi lớn đã chấp nhận giảm đi rất nhiều lợi nhuận để mua lại khối lượng thức ăn thừa của các đại lý và trong các hộ nông dân... Việc làm này được đánh giá cao từ phía người dân và hệ thống đại lý. Tất nhiên, khi chăn nuôi trở lại, các địa lý nhỏ, những hộ nông dân không thể quên hành động của DN trong lúc khó khăn. Và không khó để DN thêm được thị phần của mình.

Xây dựng - Bất động sản: Nhiều cách né tăng giá

Cùng chia sẻ, chủ đầu tư sớm hoàn thành công trình, nhà thầu
tránh thua lỗ, khách hàng có nhà ở như ý. (Ảnh: vinaconex)


Trong giai đoạn hiện tại, khi lạm phát lên cao, Chính phủ chủ trương thắt chặt tiền tệ, lãi suất được đẩy lên cao, rất nhiều DN rối bời khi lãi suất cho vay lên đến 20 - 21%. Mục tiêu lạm phát thì không thể lơi tay, lãi suất cơ bản chưa thể hạ. Tuy nhiên, khi đã có những tín hiệu tích cực từ kết quả kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất dự trữ bắt buộc để hỗ trợ các ngân hàng.

Ngay sau đó, các ngân hàng kể cả quốc doanh lẫn cổ phần đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay như là động thái hỗ trợ DN nhưng đồng thời là cách nuôi dưỡng khách hàng của chính mình. Tất nhiên, để làm việc này, các ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận, có ngân hàng đã giảm tới 600 tỷ lợi nhuận năm 2008 sau 3 lần giảm lãi suất.

Trong vòng xoay tăng giá cũng thế, giá đầu vào tăng, ở những lĩnh vực như sắt thép, thức ăn chăn nuôi... giá nhập khẩu tăng đến 20 - 40%, nhà nhập khẩu khó có thể bán cho DN chế biến với mức tăng như vậy. Hai bên cùng chấp nhận một mức tăng hợp lý để cùng chia sẻ và cùng tồn tại.

Tương tự, nhà sản xuất cũng không thể đưa toàn bộ phần tăng giá vào giá thành để bán cho khách hàng mà cũng phải chấp nhận chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng bằng cách giảm lợi nhuận, thậm chí không có lãi để duy trì sản xuất. Đấy là sự chia sẻ khó khăn của DN với khách hàng nhưng cũng là cách DN duy trì sự sống để tìm đường phát triển khi khó khăn qua đi.

Xây dựng và bất động sản, thời gian qua chịu nhiều khó khăn từ thiếu vốn do thắt chặt tiền tệ, thua lỗ do tăng giá và thị trường bất động sản trầm lắng. Tất nhiên, trong khó khăn, các DN càng chứng tỏ được mình, chỉ những DN nào có đủ thực lực, có uy tín mới dám đẩy mạnh triển khai xây dựng dù thị trường còn nhiều biến động. Tất nhiên, để có thể như thế, DN phải có sự chuẩn bị về nguồn lực.

Bên cạnh đó, không thể thiếu sự chia sẻ khó khăn với các đối tác và khách hàng của mình. Tất nhiên, giá cả tăng ảnh hưởng quyền lợi toàn xã hội nhưng sẽ dễ chịu hơn nếu những "cú tăng giá" được chia sẻ và công khai để chủ đầu tư - nhà thầu - khách hàng chia sẻ thì một mặt bằng giá mới dễ dàng được chấp nhận.

Theo Vietnamnet

  • 0
  • By Admin
  • 08/09/2008
  • 17