Vùng ven Tp.HCM: Đất nào cũng phân lô
>> Tp.HCM: Đất vùng ven, một tay "cò" thao túng
“Xé nát” đất nền
Dọc theo các tuyến đường trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9, Bình Tân, Tân Phú (Tp.HCM) dường như trước con hẻm nào cũng thấy gắn bảng “Có bán đất nền giá rẻ”. Các điểm giao dịch chủ yếu “đóng chốt” ngay tại nhà dân để qua mặt các cơ quan chức năng.Một miếng đất khoảng hơn 500 m2 chuẩn bị phân lô để bán (ảnh chụp tại quận 9, Tp.HCM) |
Được một “cò” dẫn sâu vào con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi được mách bảo là đất ở đây giá nào cũng có, chỉ cần vài trăm triệu là có ngay một miếng đất để đầu tư. Đến địa điểm một khu đất chừng 500 m2, “cò” đưa cho chúng tôi bản đồ quy hoạch, thật bất ngờ khi miếng đất bị xé nhỏ thành hơn chục lô đất khác nhau, mỗi lô chưa đầy 50 m2.
Nhiều lô đất được rao bán có diện tích chỉ hơn 30 m2, một môi giới BĐS cho biết, vì đang trong thời kỳ BĐS ảm đạm nên nếu phân lô từ 50 m2 trở lên sẽ rất khó bán. “Một lô đất khoảng từ 30 – 40 m2 chỉ có giá từ 450 đến 600 triệu đồng nên những người có thu nhập trung bình là có thể mua được”, môi giới này giải thích.
Phần lớn khách hàng tìm mua đất nền chủ yếu là để đầu tư, tức mua rồi chờ giá lên bán lại nên thường ít chú trọng đến diện tích miếng đất, chỉ cần vừa túi tiền là họ “tậu” ngay. Lợi dụng tâm lý này, các cò nhà đất thường tư vấn với chủ đất phân thành nhiều lô càng tốt.
Diện tích đất càng nhỏ thì giá càng thấp, mà giá thấp thì dễ mua dễ bán. Các nhà đầu tư mới “vào nghề” thường chọn phân khúc này vì chỉ cần vài tháng sau là có thể bán lại, không sợ “hàng” bị găm lâu trong thời buổi vật giá leo thang này.
Một cán bộ quy hoạch Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn các quận huyện, hoạt động xin giấy phép quy hoạch diễn ra với tần suất dày đặc. Qua tìm hiểu, PV được biết, các chủ đất vùng ven Tp.HCM thay vì trước đây chỉ rao bán những miếng đất có diện tích hàng ngàn m2 thì nay xé từng mảnh nhỏ để bán.
Việc xé lẻ từng mảnh để bán xem ra có lợi hơn. Một chủ đất ở quận 9 (Tp.HCM) cho biết, một miếng đất 1.000 m2, nếu rao bán nguyên thửa thì có giá khoảng 6 tỷ đồng. Thay vì bán nguyên, chủ đất xé nhỏ thành 15 lô khác nhau, mỗi lô có diện tích trên dưới 65 m2. Như vậy, chỉ cần rao giá khoảng 600 triệu đồng/thửa thì miếng đất thay vì 6 tỷ đã “đội” lên tới 9 tỷ đồng, trong khi chi phí xin quy hoạch không đáng bao nhiêu.
Đất: công cụ kiếm tiền “không của riêng ai”
Đi xa hơn một chút, tại các huyện như Dĩ An, Thuận An (Bình Dương); Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai); Cần Giuộc, Đức Hòa (Long An) chỉ cần trong túi có từ 200 đến 300 triệu đồng là có thể sở hữu một miếng đất trên dưới 100 m2. Tại đây, đất cũng được phân lô để bán cho các nhà đầu tư từ Tp.HCM đến.Phần lớn khách hàng đến vùng ven các đô thị lớn để mua đất thường không có ý định xây nhà mà chủ yếu mua để đầu cơ. Do đó, đất nơi nào được các tay “cò” thổi phồng thì mặc nhiên nơi đó có giao dịch. Đôi lúc việc đổi chủ chỉ trong tích tắc. Người mua đất “vô tình” trở thành “cò” đất chính hiệu.
“Một lô 500 m2, khi bán giá sẽ được tính theo từng m2 rồi nhân lên, nếu như chia thành nhiều lô nhỏ thì khi bán sẽ tính giá theo từng lô, như vậy người bán sẽ có lợi hơn và việc mua bán cũng dễ dàng, thuận lợi vì phù hợp với túi tiền của người mua”, một “cò” đất rỉ tai với nhau.
Thấy khách lo ngại về vấn đề quyền sở hữu, “cò” cho biết, khi khách hàng mua đất cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng là sổ chung, tức nhiều lô đất chung một sổ. “Mua là để đầu tư chứ có phải xây nhà đâu, thời gian tới giá lên thì bán lại thôi, việc xin được giấy phép xây nhà hay không đâu có quan trọng”, một người cũng đang xem đất nói với chúng tôi.
Đất nền tại các đô thị lớn từ lâu đã trở thành công cụ kiếm tiền cho các nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp, đến nay, nó lại trở thành công cụ sang nhượng để kiếm lời cho bất kỳ đối tượng nào. Hệ quả của thực trạng này là hàng loạt các khu đất vùng ven đô bị bỏ hoang từ năm này qua năm khác.
Lý giải vì sao đất không thể đưa vào sản xuất được, một người dân sở tại cho biết, đất ở đây thay chủ liên tục, do vậy có chủ nào có thời gian trồng trọt hay chăn nuôi gì đâu, cho người khác thuê cũng không được, bởi ngày nào cũng có khách đến xem, được giá là họ lại bán ngay.
Trong khi hàng ngàn người dân nhập cư không có đất để canh tác làm ăn, một bộ phận không nhỏ đang khiến cho quỹ đất Tp.HCM ngoài mặt thì khan hiếm nhưng trên thực tế lại bỏ trống một cách vô tội vạ. Bộ mặt đô thị vùng ven tại các thành phố lớn của Việt Nam trong tương lai sẽ đi về đâu khi đất đai đang bị xé lẻ và bán tống bán tháo nhằm thu lợi trong giai đoạn lạm phát tăng cao này?
(Theo toquoc)
- 0
- By Admin
- 31/05/2011
- 17