Vui hay lo khi “quả bóng” BĐS Trung Quốc xì hơi?
Tuy nhiên, “quả bóng” bất động sản căng phồng này bắt đầu có dấu hiệu xì hơi.Theo ước tính của báo chí Trung Quốc, giá nhà ở các thành phố tại quốc gia này tăng ít nhất 5 lần chỉ trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ngành bất động sản Trung Quốc trở nên u ám khi giá nhà bắt đầu rớt và lượng nhà bán ra xuống thấp nhanh chóng. Giờ đây, tại các dự án mới, các chủ đầu tư chỉ rao giá nhà rẻ bằng 1/3 so với mức giá lúc đỉnh điểm.
Một số công ty phân tích thị trường như JP Morgan tin rằng thị trường bất động sản Trung Quốc có thể giảm giá thêm 20% nữa trong vòng từ 12 – 18 tháng tới. “Giá nhà ở Trung Quốc cao đến mức không còn có ý nghĩa. Vì vậy, các nhà đầu tư không còn mặn mà với bất động sản mà quay sang chú trọng lĩnh vực thương mại hay thị trường bất động sản nước ngoài. Còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn thì phải đối mặt với nguy cơ phá sản”, ông Hu Jinhui, Phó Giám đốc Tập đoàn 5i5j – một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc – nhận định. Theo ông Hu, bất động sản sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực đầu tư ở Trung Quốc song luật chơi của trò này đã thay đổi.
Năm 2000, chỉ có khoảng 1 nghìn ngôi nhà đã qua sử dụng tại Bắc Kinh được bán ra. Đến năm 2011, con số lên tới 200 nghìn ngôi nhà. Giá nhà tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng đây là nơi an toàn để gửi tiền vào. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 càng khiến giá nhà ở Trung Quốc tăng vọt. Tuy nhiên, từ năm 2011, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt biện pháp để làm nguội thị trường bất động sản, như hạn chế số nhà mà một cá nhân có thể mua và tăng thuế đối với các hoạt động đầu tư bất động sản. Nhờ vậy, giá nhà trở nên dễ chịu hơn, góp phần giúp “quả bóng” bất động sản từ từ xì hơi, thay vì nổ tung.
Nhà kinh tế học Patrick Chovanec ở Bắc Kinh cảnh báo rằng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ còn chứng kiến cảnh giá nhà sụt giảm trong thời gian tới. “Giá bất động sản là nền tảng của hầu hết các hoạt động vay nợ, việc phân nhánh thị trường bất động sản có phạm vi lớn hơn nhiều so với hoạt động xây dựng thông thường”, ông Patrick nói.
Nhưng ở Trung Quốc, giá nhà không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn thể hiện lòng tin của người dân. Đối với hàng triệu người dân Trung Quốc, sở hữu nhà là dấu hiệu của sự thành công và có nghĩa cuộc sống của họ sẽ tốt hơn. Những người chưa có nhà rất trông đợi việc giá nhà sụt giảm bởi như thế họ sẽ có cơ hội để mua được nhà.
Anh Liang Xiaoyu, 20 tuổi ở Trung Quốc nhận xét: “Thị trường bất động sản trong nước tràn đầy những bong bóng. Vì vậy sự giảm giá nhà sẽ là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, nếu giảm giá quá nhiều lại gây ra những vấn đề cho kinh tế”. Vì thế, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng các nền tảng hình thành nên nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này có thể không hề bền vững như người ta từng tưởng.
(Theo LĐO)
- 151
- By Admin
- 09/01/2012
- 17