• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vụ thu hồi đất tại Hải Phòng: Quá nhiều mâu thuẫn

Đặc biệt là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vụ thu hồi đất tại Hải Phòng: Quá nhiều mâu thuẫn | ảnh 1
Trong khi ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết, căn nhà bị lực lượng chức năng san phẳng, thì Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng lại nói do dân phá

Tuy nhiên, từ diễn biến của vụ cưỡng chế, thu hồi đất của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng đã cho thấy, rất nhiều những mâu thuẫn nội tại trong việc xử lý, giải quyết, trả lời của các cấp lãnh đạo huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng

1. Cấp dưới bảo có, cấp trên bảo không?

Mâu thuẫn đầu tiên trong việc xử lý vụ cưỡng chế đất đai đối với hộ gia đình ông Vươn - Quý tại Tiên Lãng, Hải Phòng đang gây bức xúc trong dư luận đó chính là những phát biểu trái chiều nhau giữa các cấp chính quyền liên quan đến việc phá căn nhà hai tầng của ông Vươn.

Tại cuộc họp cuộc họp giao ban báo chí sáng 17/1, ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định việc ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn (ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) bị phá là do nhân dân bất bình với việc làm của ông Vươn chứ không phải do lực lượng cưỡng chế làm?.
 
Phát biểu này của ông Thoại hoàn toàn trái ngược với những gì mà Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã nói trước đó vào ngày 12/1: Việc lực lượng chức năng phá nhà ông Vươn là do các đối tượng cố thủ trong đó.

Cũng trong buổi họp giao ban, ông Thoại cho biết, theo quy định của pháp luật, khu vực cưỡng chế là nơi nuôi trồng thủy sản nên không được phép xây nhà và nhà của ông Vươn "chỉ là 1 gian nhà nhỏ".

2. Đất của hộ ông Vươn không phải là đất nông nghiệp (?)

Trong buổi giao ban báo chí, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cũng khẳng định diện tích đầm bị cưỡng chế của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là bãi bồi, không phải đất nông nghiệp và là đất lấn chiếm nên không cần thiết phải giao đủ 20 năm.

Trước nhận định trên, trao đổi trên báo Người lao động, GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng sau khi có quyết định giao đất cho gia đình ông Vươn thì không thể coi là đất bãi bồi mà thuộc diện đất đang được sử dụng và không thể nói là đất lấn chiếm.

“Nghị định 64/CP ban hành tháng 7-2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 quy định đất nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp và có thời hạn 20 năm. Nếu giao trước ngày 15-10-1993 thì được tính mốc đồng loạt từ tháng 10-1993, còn giao sau ngày 15-10-1993 thì tính từ thời điểm giao. Trong khi đó, quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng cho ông Vươn là ngày 9-4-1997” - ông Võ phân tích.

Trả lời PV báo GDVN, ông Võ cũng cho rằng: "Nói và làm phải căn cứ trên luật chứ đừng có nói linh tinh, tại sao một cán bộ ở tầm của Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà lại nói lăng nhăng như thế được? Cần phải hỏi cho rõ là vị lãnh đạo này của Hải Phòng nói như vậy là căn cứ vào điều luật nào, hay là anh tự nghĩ ra?

Cùng quan điểm với ông Võ, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc khẳng định trên báo Người lao động: “Đất nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp”.

3. Cán bộ địa phương thiếu hiểu biết pháp luật?

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ thì quyết định thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Vì thu hồi đất xảy ra sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, nên căn cứ pháp lý là đạo luật này và Nghị định 181/2004.

Theo đó, khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), chỉ trừ năm trường hợp: (1) Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…; (2) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; (3) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; (4) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; (5) Đất không được sử dụng liên tục…, trong đó không có trường hợp hết hạn sử dụng đất (theo khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai) mà các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng lấy làm căn cứ.

Đối chiếu với các tài liệu trong vụ việc này, cũng như phản ánh của báo chí thì rõ ràng khi giao đất, địa phương đã tự cho mình quyền cắt giảm trái luật thời hạn giao đất còn 14, 10, thậm chí bốn năm. Còn khi thu hồi đất, trong các quyết định, thông báo thu hồi, quyết định cưỡng chế… đã không hề nêu ra được một trong năm căn cứ nêu trên.

Người dân chỉ được biết đất bị thu hồi mà không biết sẽ giao lại hay cho ai thuê. Đó là chưa kể bao công của, mồ hôi họ bỏ ra đầu tư biến vùng bãi hoang thành đầm nuôi thủy sản, giờ bị tuyên bố thu trắng, không bồi thường.

Từ phân tích ở trên, ông Võ khẳng định trên báo GDVN: "Có hai vấn đề rất rõ qua các vụ khiếu kiện, thứ nhất đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của chính những cán bộ làm việc tại các cơ quan công quyền; thứ hai là do tham nhũng, cố tình lấy cái chuyện thu hồi đất ra để tước đoạt quyền lợi của người dân. Rất nhiều vụ việc khiếu kiện về đất đai đã xảy ra, thậm chí xảy ra nhiều năm nhưng đều xoay quanh hai vấn đề này thôi".

4. Vơ vét thủy sản trong đầm của hộ ông Vươn.

Phản ánh với báo Vietnamnet, vợ ông Vươn và ông Quý, cùng nhiều hộ dân khác cho biết, nhiều ngày nay, rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện… thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011.

Vụ thu hồi đất tại Hải Phòng: Quá nhiều mâu thuẫn | ảnh 2
Đầm thủy sản nằm trên diện tích đất bị cưỡng chế, thu hồi của hộ ông Vươn đang bị vơ vét.

Theo vợ ông Quý, diện tích 19,3ha nằm trong diện bị cưỡng chế ngày 05/1/2012 và 21ha không thuộc diện cưỡng chế đã được chính quyền huyện Tiên Lãng bàn giao cho chính quyền xã.

Nhiều người dân tại đây cũng cho biết, người tiếp nhận diện tích đầm này là các ông K., H., C. cư trú tại các xã Vinh Quang, Tiến Hưng và Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng).

Tuy nhiên, điều đáng nói, những chủ đầm mới này đã cho người sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản bằng điện (kích điện, te điện…) để thu hoạch những vật nuôi trồng mà gia đình Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý chăn thả.

Theo đó, tổng số tiền mà Vươn, Quý mua con giống lên tới 400 triệu đồng, bao gồm giống cá vược (5.000 con); tôm sú; cá trắm (7.000 con); cua giống ở đầm trong do Đoàn Văn Quý thả 3.000 con giống; khu vực đầm ngoài, Đoàn Văn Vươn thả hàng vạn cua giống.

Tất cả các loại thủy sản kể trên được thả nuôi vào khoảng tháng 2/2011. Thời điểm được khai thác rơi vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, Vươn, Quý chưa kịp khai thác thì xảy ra sự việc cưỡng chế như đã biết.

Với con số đầu tư chăn thả các giống vật nuôi kể trên, sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3ha đầm của Vươn, Quý lên tới hàng chục tấn. Tính theo giá thị trường, số tiền thu được từ việc khai thác những loại vật nuôi này lên đến nhiều tỷ đồng.

5. Thu hồi nhưng không bồi thường

Trả lời câu hỏi vì sao huyện thu hồi đất không bồi thường, ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) Lê Văn Hiền, cho rằng tại các quyết định giao đất đều đã quy định rõ hết thời hạn chủ sử dụng phải bàn giao không được bồi thường.

Tuy nhiên, trong quyết định giao 19,3 ha đầm của ông Vươn không có dòng nào nói thu hồi đất mà không bồi thường. “Huyện thu hồi không bồi thường căn cứ theo Điều 38 Luật Đất đai” - ông Hiền nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó chánh thanh tra Tổng cục đất đai khẳng định trên báo Dân trí, Chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ cho ông Vươn là chưa hợp lý. Theo luật, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao…

Đồng quan điểm đó, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời trên báo Người lao động cũng nhấn mạnh, phải bồi thường nhà cho ông Đoàn Văn Vươn.

(Theo GDVN)

  • 0
  • By Admin
  • 19/01/2012
  • 17