Vụ nhà ở sụt lún: Trách nhiệm phải thuộc về công ty Văn Phú
>>KĐT Văn Phú Nhà chưa ở đã nứt và sụt lúnTheo tìm hiểu của PV, năm 2010, giá mỗi căn hộ tại KĐT này có thể lên tới hơn 10 tỷ đồng. Còn tại thời điểm hiện nay, giá mỗi căn tại đây hơn 5 tỷ đồng. Nhiều người dân đang sinh sống tại KĐT Văn Phú cho rằng, chỉ vì tin tưởng vào thương hiệu của công ty CP Đầu tư và phát triển Văn Phú Invest (công ty Văn Phú) mà họ bị “quả đắng”.
Đến nay, những ngôi nhà trong KĐT Văn Phú đã được bán gần hết. Sau khi thu được mớ tiền của người dân, việc có hay không những căn hộ bị sụt lún nghiêm trọng thì công ty Văn Phú… “không cần biết”? Mặc dù còn thời gian bảo hành, mỗi căn hộ bị phát hiện có dấu hiệu sụt lún hoặc xuống cấp nghiêm trọng thì công ty Văn Phú chỉ cần “ra lệnh” cho các nhà đầu tư thứ cấp tìm cách khắc phục. Với cương vị là nhà đầu tư cấp 1, lẽ ra Văn Phú phải “đứng mũi chịu sào”, thì ngược lại, đơn vị này phủi trách nhiệm rồi đổ lỗi cho… “ông địa”. Đây là điều không thể chấp nhận được. Văn Phú và các nhà đầu tư thứ cấp chỉ cần bán nhà, thu tiền rồi “bỏ mặc” khách hàng. Và hàng trăm hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà “đáng sợ” đó đang lo lắng không biết nhà của họ còn tiếp tục bị sụt lún đến mức nào? Và liệu có đến mức nguy cơ sập nhà hay không?
Trước việc có nhiều căn hộ trong KĐT Văn Phú đang bị sụt lún nghiêm trọng, PV báo PL&XH đã có buổi làm việc với PGS-TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng. PGS-TS Trần Chủng khẳng định: “Hiện tượng sụt lún nền xung quanh nhà, trong nhà là biểu hiện của công trình kém chất lượng. Cần điều tra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để và công bố nguyên nhân của những vi phạm chất lượng đó”.
Theo PGS-TS Trần Chủng: "Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định: Khi phát hiện cá dấu hiệu sự cố như lún, nứt, sụt... thì phải được theo dõi một cách nghiêm túc. Việc theo dõi phải do các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp thực hiện. Các tổ chức này không chỉ có trang thiết bị để thực hiện khảo sát, họ cần có một đội ngũ kỹ sư và chuyên gia có trình độ để chẩn đoán mức độ hiện tại của sự cố mà còn phải phân tích và dự báo diễn biến của sự cố.
Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ ghi rõ các chủ đầu tư cấp 1 hay thứ cấp đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng thuộc dự án do mình là chủ đầu tư. Họ phải tổ chức điều tra sự cố, tìm nguyên nhân và mức độ thiệt hại của sự cố. Ví dụ, nguyên nhân gây sụt lún do thi công sai so với thiết kế được duyệt thì nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cấp 1 phải chịu trách nhiệm về các vi phạm liên quan tới thẩm quản lý của mình như: công trình thuộc dự án cấp 2 có tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn cho công trình lân cận không?.. Nếu anh không quản lý những phần việc thuộc nghĩa vụ của anh thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới". Và như vậy, chủ đầu tư dự án cấp 1 (ở đây là công ty Văn Phú) vẫn là "ông chủ" của cả khu đô thị, và công ty này không được khoán trắng về chất lượng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp.
PGS-TS Trần Chủng cũng cho biết thêm:" Những chủ đầu tư mà không nghiêm túc phản ứng trước các sự cố sụt lún trên thì cơ quan chức năng phải can thiệp. Vì sự can thiệp này không chỉ là kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư mà phải buộc chủ đầu tư thực hiện hạn chế thiệt hại không chỉ đối với công trình của chủ đầu tư mà còn vì sự an toàn của cộng đồng và các công trình lân cận".
Việc công ty Văn Phú cho rằng tình trạng sụt lún do nguyên nhân từ địa chất là không thuyết phục. Nếu trong tương lai gần,công ty Văn Phú và 17 nhà đầu tư thứ cấp không có biện pháp khắc phục tình trạng sụt lún nói trên , người dân có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để xác định nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể đối với công ty này.
Cần siết chặt công tác quản lý
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hoàng Tâm, Phó Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết: “Hiện nay dự án này chủ đầu tư đang thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, UBND quận chưa được tiếp nhận cũng như chưa có văn bản nào để tiếp quản dự án này. Song nói thế không hẳn chính quyền đứng ngoài cuộc, chính quyền sẽ tham gia với một góc độ nào đó thôi. Những khiếu nại về chất lượng liên quan đến dự án thì trách nhiệm chủ yếu vẫn thuộc về chủ đầu tư, bởi đây là những giao dịch dân sự giữa người mua và bên bán”. Ông Tâm cũng cho rằng, hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc tham gia quản lý giữa chính quyền và chủ đầu tư một cách rõ ràng tại các dự án KĐT đã hoàn thành và khi có khiếu kiện liên quan đến chất lượng.
Theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Đô thị mới đã có hiệu lực thi hành 6 năm. Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển trong môi trường xã hội ngày càng năng động và kinh tế ngày càng đa dạng, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều điểm bất cập, do đó việc xem xét điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với tiến trình phát triển cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội là rất cần thiết.
Còn với cách quản lý như hiện nay, dường như nó đang thiếu đi một mô hình chuẩn để đáp ứng những yêu cầu về một đô thị hiện đại, có bản sắc và phát triển bền vững. Bởi vậy, chủ đầu tư chỉ tập trung làm cái gì bán được nhanh nhất, thu hồi vốn nhanh nhất, còn những cái không bán được, thu hồi vốn chậm như trường học, BV, chợ, hạ tầng cơ sở, cây xanh, khu vui chơi cho trẻ em… không mấy được quan tâm. Hơn lúc nào hết, cần siết chặt công tác quản lý đối với các KĐT mới đang lan rộng đến chóng mặt trên đại bàn TP Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước.
Trao đổi với PV báo PL&XH, đại diện một hộ dân cho biết: “Mặc du, phải bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mua căn hộ tại KĐT Văn Phú, nhưng từ khi chuyển về đây sinh sống, gia đình đã phải sửa chữa cải tạo lại rất nhiều hạng mục trong ngôi nhà. Gần đây, tầng 3 của ngôi nhà bị thấm dột nhiều chỗ, mỗi khi mưa xuống nước lại thấm từ tầng mái xuống các tầng còn lại. Cực chẳng đã, gia đình phải thuê thợ khoan mấy lỗ tại sàn nhà để thoát nước”. Một gia đình khác còn tỏ ra bức xúc hơn khi dẫn PV đi quanh nhà và chỉ từng vết nứt trên tường: “Lúc mới nhận nhà mộc (nhà chưa hoàn thiện - PV), tôi lấy tay cạy vào tường nhà thì có những chỗ vữa xi măng có thể bóp nát như cám”. Và theo chia sẻ của khổ chủ thì gia đình đã phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện căn nhà với hi vọng sẽ “cải thiện” được chất lượng công trình. Nhưng đến nay nhà vẫn bị nứt mà… đanh cắn răng chịu đựng. |
(Theo PLXH)
- 220
- By Admin
- 16/11/2012
- 17