• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vụ "đất vàng" bỏ hoang bị trục lợi: Có hay không lực lượng "bảo kê"?

>> Hà Nội: "Đất vàng" bỏ hoang bị "xẻ thịt" trục lợi

Sự việc đã rõ, ai cũng nhìn thấy nhưng chẳng thể ngăn chặn được, bởi phía sau trò "buôn đất" bất thường này hình như có một thế giới ngầm.

Có hay không lực lượng "bảo kê"?

Câu chuyện được hé lộ khi cánh phóng viên chúng tôi bất ngờ gặp được một cò đất chuyên nghiệp tên M, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Sau một buổi cùng nhau đi lùng đất, giờ ăn trưa, M được dịp khoe mẽ cái nghề gã ví là "bạc như đất".

Với sự am tường đến chân tơ kẽ tóc về thế giới bất động sản, M thao thao kể: "Trước đây, đất dự án có để hoang cũng chẳng ai thèm ngó. Sau đó, dân anh chị trong vùng mới đứng ra kêu đàn em dọn dẹp, quây lô, mở quán kinh doanh.

Dần dà, khi hệ thống giao thông, hạ tầng hoàn thiện, đất hoang bỗng có giá. Vì lời quá, chính quyền và chủ đất quay lại dẹp quân nhảy dù, nhưng cứ dẹp hôm nay thì mai đâu lại vào đấy. Thấy ớn quá, hai bên ngồi lại với nhau bàn tính, ông có đất sẽ giao cho ông có máu mặt quản lý, quyết định giá cả thuê mướn và chịu trách nhiệm chia cổ phần. Làm như thế sẽ an toàn cho cả hai khi cơ quan chức năng soi xét. Lúc đó ông có đất sẽ lờ đi như không biết, còn ông máu mặt chỉ bị xử lý hành chính với hành vi lấn chiếm".

Vụ "đất vàng" bỏ hoang bị trục lợi: Có hay không lực lượng "bảo kê"? | ảnh 1
Rất nhiều dự án chỉ làm duy nhất chức năng cắm biển... treo đất.

Tuy nhiên, theo M, hiện tại, các khu đất dự án chưa triển khai có địa thế đắc lợi trên địa bàn Hà Nội đang thuộc về một vài ông "trùm" có máu mặt. Ví như hàng loạt khu đất trên đường Phạm Hùng (đoạn gần tòa nhà Keangnam) đã được cấp cho chủ đầu tư dự án xây dựng trụ sở văn phòng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các dự án chưa được thực hiện.

Thấy "đất vàng" bị bỏ không, một nhân vật nghe đâu là người nhà với lãnh đạo thành phố đứng ra xin được sử dụng tạm. Chỉ cần một cái gật đầu đơn giản của đơn vị quản lý, toàn bộ khu đất phải tới vài chục nghìn mét vuông đã được chia nhỏ cho thuê lại với mức giá không hề nhỏ.

Thậm chí, nhiều khu đất khác trong các KĐT Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình,... giới buôn đất cũng kháo nhau về một quyền lực được bảo kê từ A đến Z.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi quyết định liên hệ với một đầu nậu khác tên Đ., hiện được giới thiệu có khoảng 1.000 m2 đất trong KĐT Nam Trung Yên. Liên lạc với Đ. qua số điện thoại có đầu số 090428... Đ khẳng định: "Chỉ cho thuê 1.000m2 trở lên với giá 40.000 đồng /m2 ở gần Trường tiểu học Nam Trung Yên, mặc dù đất dự án nhưng phải đến 4 - 5 năm nữa mới triển khai. Ai muốn thuê đất thì đến xem ngay, có biên bản giao kèo đàng hoàng".   

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giao kèo cho thuê đất cũng được tính toán kỹ lưỡng để tránh bị... sờ gáy. Mặc dù quảng cáo với khách là có biên bản giao kèo, nhưng thực chất, hai bên thực hiện bằng biên bản miệng theo một nguyên tắc chung: Khi nào dự án triển khai, hợp đồng cho thuê sẽ hết giá trị.

Nếu bên thuê một mực yêu cầu văn bản thì sẽ được giao cho mảnh giấy ghi rất chung chung về diện tích đất, giá cho thuê và đương nhiên, bên cho thuê là một ông chủ đứng tên hoàn toàn xa lạ với khu đất. Có một số trường hợp, việc cho thuê lại đất các dự án còn do chính đơn vị được giao quản lý thực hiện.

Vì sự tinh vi trong cách giao kèo cho thuê đất, mà nhiều lần cơ quan công an vào cuộc nhưng không đủ cơ sở pháp lý để khởi tố.

"Vấn đề khó nói"

Băn khoăn trước hành động trục lợi tiền tỷ từ "đất vàng" bỏ hoang, chúng tôi quyết định quay trở lại tìm gặp ông Nguyễn Hải Đăng, PCT UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ông Đăng cho biết: "Đã rất nhiều lần, cơ quan chức năng, thậm chí là cả công an đã điều tra, làm rõ về việc cho thuê đất tràn lan trên đường Lê Văn Lương nhưng vẫn bất lực. Mặc dù biết rất rõ, có một đơn vị đứng ra cho thuê đất, nhưng khi vào cuộc thì lại gặp khó khăn, vì toàn bộ hợp đồng cho thuê đất chỉ được thực hiện bằng miệng. Thậm chí, những người đi thuê còn đứng ra thừa nhận lấn chiếm, chứ không thuê của ai cả, đành phải tiến hành xử phạt hành chính. Bên Công an cũng khẳng định, chỉ cần có trong tay một bản hợp đồng cho thuê dạng đất này, sẽ xử lý hình sự ngay".

Điều mà ông Đăng lo lắng hơn chính là việc các chủ đầu tư thứ phát mặc dù đã được bàn giao đất, nhưng lại thiếu trách nhiệm quản lý. Điều này khiến cho chính quyền địa phương phải vất vả trong công tác giải phóng mặt bằng với sự chống đối của những thành phần là dân anh chị xã hội.

Vụ "đất vàng" bỏ hoang bị trục lợi: Có hay không lực lượng "bảo kê"? | ảnh 2
"Tấc đất, tấc vàng" giờ còn là nơi đổ phế thải.

Điển hình là cuối năm 2011, nhằm giải tỏa khu đất bị lấn chiếm trong KĐT Nam Trung Yên, khi các lực lượng chức năng đến nơi đã thấy 4 thanh niên đứng 4 góc căn nhà tạm được dựng bằng mái lá châm lửa đốt như thách thức. Rồi các khu đất không có hàng rào che chắn, bỗng trở thành nơi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. "Một sự thật đáng buồn, là tấc đất tấc vàng ngay giữa Thủ đô đang bị lãng phí", ông Đăng trăn trở.

Bất ngờ khi chúng tôi tìm hiểu nhiều khu đất đang bị chiếm dụng khai thác bừa bãi trên đường Phạm Hùng (đoạn gần tòa nhà Keangnam). Toàn bộ khu đất có diện tích 11ha của 23 đơn vị được TP.Hà Nội giao cho Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ - Thanh Xuân (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) quản lý.

Mặc dù có quyết định giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay, mới hơn một nửa diện tích này triển khai dự án (trong đó riêng Keangnam là 4,6ha, Tổng cục Hải quan 2ha...). Đa số đất còn lại, các đơn vị vẫn nằm im bất động do vướng mắc nhiều vấn đề (trong đó phải kể đến những Tổng lớn như: Tổng công ty Điện tử và tin học Việt Nam; Tổng công ty Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp;...).

Mặc dù chưa triển khai, nhưng thành phố cũng đã tạm giao cho các chủ đầu tư thứ phát, việc còn lại là các chủ đầu tư thứ phát phải hoàn thiện thủ tục tài chính cho Nhà nước. Nghịch lý, cho đến tận bây giờ, các chủ đầu tư vẫn dửng dưng nhìn "đất vàng" của mình sinh lợi tiền tỷ cho cá nhân khác?

Lý giải điều này, ông Vũ Đức Tòng, giám đốc BQLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ - Thanh Xuân, cho biết: "Trước đây ông này không được thì ông khác nhảy vào, nhưng khi cho thuê thì không ký kết gì cả mà chủ yếu là thoả thuận miệng. Khi thành phố giao đất cho các đơn vị triển khai xây dựng thì họ phải tự di chuyển đi chỗ khác ngay. Hoạt động này chỉ là tạm thời, vì trên thực tế từng khu đất đã có chủ của nó rồi. Ngoài ra, trong số này cũng có một vài chỗ là mối quan hệ của thành phố, hiện họ vẫn đang sử dụng, nếu có thông báo tất nhiên họ sẽ di chuyển. Nhưng nói thì dễ, còn họ di chuyển đi đâu lại là cả vấn đề nan giải".

(Theo Nguoiduatin)

  • 0
  • By Admin
  • 15/03/2012
  • 17