• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vụ cưỡng chế đất Hà Nam: Đã tranh đất lại còn trốn thuế

>>       Hà Nam: 5000m2 đất cưỡng chế được đền bù hơn 2 triệu đồng!

Đó là đánh giá của Luật sư Nguyễn Hồng Bách, công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Lê Hồng Ngọc ở thôn 2, Duy Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Nhập nhèm quản lý đất đai

Liên quan đến vụ việc ông Lê Hồng Ngọc trú thôn 2, xã Duy Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam gửi đơn khiếu nại vì bị UBND xã Tiên Tân cưỡng chế và thu hồi 5.022 m2 đất canh tác sản xuất nông nghiệp để làm tuyến đường trục xã. Tuy nhiên gia đình ông chỉ được nhận 2,29 triệu đồng trong khi các hộ dân bên cạnh nhận được số tiền đền bù là 20.900.000 đồng/ sào.

Trước đó, năm 1982, khu đất 10,83 ha do đơn vị quân đội đóng trên địa bàn xã xin mượn đất để tăng gia sản xuất nhưng vì chi phí cải tạo quá lớn nên không sử dụng được, nên đã trả lại cho UBND xã Tiên Tân. Được địa phương vận động cải tạo, ông Lê Hồng Ngọc đã đứng ra nhận đất khai hoang phục hóa để vừa sản xuất vừa cải tạo san lấp.

Vụ cưỡng chế đất Hà Nam: Đã tranh đất lại còn trốn thuế | ảnh 1
Khu đất 5.022 m2 của gia đình ông Lê Hồng Ngọc bị thu hồi làm tuyến đường trục xã và không được đền bù

Sau 30 năm hoang hóa, cải tạo, khu đất ấy đã trở nên màu mỡ, xanh tươi bởi cánh đồng lúa mới và ao cá cho năng suất cao. Tuy nhiên khi có dự án và cần thu hồi đất thì chính quyền địa phương lại cho rằng diện tích đất gia đình ông Ngọc là đất công ích nên không thuộc diện đền bù và phải thu hồi lại cho UBND xã. Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam Luật sư Nguyễn Hồng Bách, công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là diện tích đất công ích do UBND xã Tiên Tân quản lý là quá lớn và không phù hợp với quy định của Pháp luật.

Theo Luật sư Bách đánh giá: Theo Điều 1 của Nghị định 64/ 1993 quy định: “Hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp dể sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ nông nghiệp đang sử dụng thì giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã”.

Điều 45, Luật đất đai năm 1993 và Điều 14, Nghị định số 64/1993 về đất dành cho nhu cầu công ích của xã và không được vượt quá 35% đất nông nghiệp của xã. Những xã đã để quá tỷ lệ công ích theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh thì đất vượt phải đưa vào quỹ đất để giao cho các hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, theo mục kê về quản lý đất đai của địa phương thì chủ sử dụng đất với diện tích khổng lồ là UBND xã Tiên Tân và đã quá 35%.

 “Việc diện tích đất quá lớn của HTX mà chuyển hết thành đất công ích của UBND xã Tiên Tân chưa thực sự hợp lý và chưa đúng quy định của Pháp luật. Với số liệu trên, có thể thấy diện tích đất công ích của xã Tiên tân đã vượt quá 5% diện tích đất nông nghiệp của địa phương theo quy định của Pháp luật. Đây rõ ràng thể hiện sự nhập nhèm trong việc thu hồi đất của gia đình ông Ngọc cũng như trong quản lý đất đai”, Luật sư Bách khẳng định.

UBND xã Tiên Tân “tranh đất” của dân?

Cũng theo Luật sư Bách phân tích: Áp dụng khoản 2 điều 14 Nghị định số 64/CP, việc các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam cho rằng diện tích đất gia đình ông Lê Hồng Ngọc khai hoang và đang sử dụng từ năm 1982 đến nay là đất công ích là không phù hợp với các quy định pháp luật về đất đai qua các thời kỳ.

Về hình thức giao sử dụng đất công ích, theo quy định của Pháp luật, nếu cho rằng đất của gia đình ông Ngọc sử dụng là đất công ích thì giữa UBND xã Tiên Tân và gia đình ông Lê Hồng Ngọc phải có hợp đồng thuê hoặc đấu giá nhận thầu, mỗi lần thuê không quá 5 năm.

Vụ cưỡng chế đất Hà Nam: Đã tranh đất lại còn trốn thuế | ảnh 2
Suốt gần 30 năm qua gia đình ông Ngọc vẫn phải đóng thuế nông nghiệp thay cho UBND xã Tiên tân nếu khu đất trên thuộc đất công ích

Tuy nhiên, kể từ năm 1982 đến nay, UBND xã Tiên Tân không có bất kỳ văn bản nào thể hiện việc cho thuê hoặc đấu giá thầu đối với diện tích đất mà gia đình ông Ngọc đã hoang hóa, cải tạo và đang sử dụng canh tác sản xuất nông nghiệp.

"Về nghĩa vụ nộp thuế. Theo Khoản 2, Mục 1 thông tư số 89 ngày 9/1/1993 hướng dẫn nghị định 74/CP ngày 25/10/1993 quy định luật thuế sử dụng đất Nông nghiệp: UBND xã sử dụng đất nông nghiệp của quỹ công ích để cho hộ gia đình thuê thì UBND xã là người nộp thế sử dụng đất Nông nghiệp.

Tuy nhiên, qua các Văn bản, chứng từ, hóa đơn cho thấy, gia đình ông Ngọc đã nộp thuế đầy đủ cho địa phương. Nếu UBND xã Tiên Tân khẳng định phần đất của gia đình ông Ngọc đang canh tác là đất công ích thì UBND xã Tiên Tân đã trốn thuế", Luật sư Bách nhận định.

Chiều ngày 21/3/2012, trao đổi cùng PV báo GDVN, ông Nguyễn Xuân Đông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng thừa nhận: “UBND xã Tiên Tân đã quản lý lỏng lẻo việc sử dụng đất đai, không chỉ phần đất công ích mà gia đình ông Lê Hồng Ngọc không có hợp đồng khoán thầu mà 137 hộ dân khác trong xã cũng không có hợp đồng”.

Khi PV đề cập đến việc xử lý vi phạm việc buông lỏng quản lý đất đai của UBND xã Tiên Tân, ông Đông cho biết: “Chúng tôi đã có công văn chấn chỉnh địa phương, hiện tại hộ nào chưa ký hợp đồng khoán thầu đất thì sẽ ký ngay”.

Đến 137 hộ dân xã Tiên Tân sử dụng đất canh tác sản xuất nông nghiệp không có hợp đồng thuê khoán mà vẫn phải đóng đầy đủ mọi thuế nông nghiệp nhưng lại bị coi là đất công ích chẳng khác chính quyền vừa “trốn thuế” vừa “tranh đất” của dân?

(Theo GDVN)

  • 0
  • By Admin
  • 23/03/2012
  • 17