• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vụ cơi nới chung cư 93 Lò Đúc: Yêu cầu Công ty Kinh Đô đình chỉ thi công

Sổ đỏ của cư dân “tố” chủ đầu tư vi phạm luật

Như báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã đưa tin: Thời gian gần đây, Công ty Kinh Đô - chủ đầu tư tòa nhà 93 Lò Đúc  đang cấp tập tiến hành các hoạt động xây dựng tại tầng 27 (tầng thứ 30 của tòa nhà), lén lút vận chuyển vật liệu vào ban đêm gây mất an toàn và bức xúc cho nhiều hộ dân cư.

Điều đáng nói là việc xây dựng này hoàn toàn không công khai khi cửa tầng thượng đã bị khóa, lối ra bị chắn, bịt bằng tôn và lưới mắt cáo. Phím bấm của cầu thang máy lên tầng 26 và 27 không hoạt động được, bất kỳ người dân nào hay bất kỳ ai “không có phận sự” đều bị bảo vệ ngăn không cho vào và hoàn toàn gây khó dễ nếu ngỏ ý “thăm quan” công trình đang thi công.

Vụ cơi nới chung cư 93 Lò Đúc: Yêu cầu Công ty Kinh Đô đình chỉ thi công | ảnh 1
Chung cư 93 Lò Đúc trước (trái) và sau (phải) khi cơi nới, xây dựng thêm trên tầng 27

Trao đổi với phóng viên đài truyền hình VTV1 qua điện thoại, đại diện Công ty Kinh Đô cho biết: Đây chỉ là việc hoàn thiện công trình đã có từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, với trạng thái đang xây và theo phản ánh của cư dân tòa nhà, chắc chắn công trình này không phải xuất hiện cách đây vài năm. Thêm vào đó, nhiều căn hộ đã có hồ sơ hoàn công, vì vậy, theo luật định, mọi hoạt động xây dựng, cơi nới sau thời điểm hoàn công đều được coi là sai phép.

Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng LS. Bùi Quang Hưng và cộng sự) đã khẳng định: Công ty Kinh Đô đã vi phạm pháp luật khi tự ý xây dựng trên phần diện tích chung, nóc của tầng nhà 27 trong khi đó, căn nhà này đã được hoàn thiện, hoàn công xây dựng và tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ.

“Đây là diện tích và sở hữu chung của các hộ dân cư ở đây, nếu xây dựng trên diện tích chung này mà không được sự đồng ý của dân cư là vi phạm luật sở hữu chung theo Bộ luật dân sự” – Luật sư Hưng nhấn mạnh.

Vụ cơi nới chung cư 93 Lò Đúc: Yêu cầu Công ty Kinh Đô đình chỉ thi công | ảnh 2
Sổ đỏ của dân cư 93 Lò Đúc ghi rõ số tầng chỉ dừng lại ở con số 26, việc cơi nới thêm trên tầng 27 là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, một bằng chứng nhãn tiền mà hàng nghìn người dân 93 Lò Đúc đưa ra để tố cáo chủ đầu tư về việc cơi nới, thi công trái phép trên tầng 27 đó là các thông tin ghi trong sổ đỏ của mỗi chủ hộ.

“Hôm qua, tôi có giở sổ đỏ do UBND Quận Hai Bà Trưng cấp ngày 2/6/2010 ra xem lại, ở điểm 2, phần II, mục Nhà ở có ghi rõ: Số tầng: 6/26 (nhà tôi ở tầng 6). Như vậy, số lượng tầng ở đây được nêu rõ ràng là 26 tầng. Việc cơi nới trên tầng 27 làm khu dịch vụ của chủ đầu tư Kinh Đô khi chưa được phép của dân cư là hoàn toàn không thể chấp nhận được” – Anh B., một người dân của tòa nhà 93 Lò Đúc bày tỏ bức xúc của mình.

Thanh tra phường “vào cuộc”, đình chỉ Kinh Đô thi công

Ngay sau khi gửi công văn phản ánh về việc cơi nới trên tầng 27 của chủ đầu tư Kinh Đô tới Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội, phòng Quản lý Đô thị quận Hai Bà Trưng, ngày 22/8 vừa qua, đại diện khu dân cư 93 Lò Đúc đã gửi thêm công văn tới lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) yêu cầu, đề nghị cơ quan chức năng này xem xét và giải quyết.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh cũng như đơn thư tố cáo của các hộ dân, thanh tra xây dựng và lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ đã trực tiếp tới “hiện trường” thi công trên tầng 27 chung cư Lò Đúc để tiến hành kiểm tra.

Khi phường yêu cầu Công ty Kinh Đô xuất trình giấy phép xây dựng đối với việc cơi nới, thi công xây dựng này, phía Kinh Đô đã không thể đáp ứng. Trước tình trạng trên, phường Phạm Đình Hổ đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu đình chỉ toàn bộ công trình xây dựng của Công ty Kinh Đô.

Vụ cơi nới chung cư 93 Lò Đúc: Yêu cầu Công ty Kinh Đô đình chỉ thi công | ảnh 3
Biên bản xác nhận của lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ ghi rõ việc đình chỉ  toàn bộ công trình xây dựng của công ty Kinh Đô.

Đại diện lãnh đạo phường cho biết: “Bất kể công trình nào trên địa bàn phường, chúng tôi có quyền đi kiểm tra việc thi công có giấy phép hay không, khi không có giấy phép thì phải yêu cầu đình chỉ, dừng ngay việc làm trái phép đó”.

Đồng thời, lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ cũng khẳng định: Hiện tại, phường đang tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng và các hộ dân để làm rõ sự việc này.

Trước đó, chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên trong công văn gửi cư dân ngày 3/8/2011 cũng đã cho biết: Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đã chuyển đơn của các hộ dân đến Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô xem xét và giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời yêu cầu đơn vị này gửi kết quả trước ngày 30/8.

Mặc dù vậy, cho tới ngày hôm qua (25/8/2011), theo ghi nhận của nhiều người dân sinh sống tại  tòa nhà 93 Lò Đúc, chủ đầu tư vẫn chưa có bất cứ một động thái thay đổi nào.

“Tuy thanh tra phường Phạm Đình Hổ đã lập biên bản và đình chỉ xây dựng nhưng chúng tôi hoàn toàn không rõ cơ chế giám sát như thế nào để đảm bảo việc Kinh Đô sẽ không tái phạm nữa? Trên thực tế, ngày hôm qua, tôi vẫn thấy họ đang thi công rất cấp tập trên tầng 27 đó, đập phá rầm rầm, thậm chí, cho rất nhiều bảo vệ canh gác phía bên ngoài, không cho ai vào bên trong quan sát” – Anh Bùi Văn T. không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Vụ cơi nới chung cư 93 Lò Đúc: Yêu cầu Công ty Kinh Đô đình chỉ thi công | ảnh 4
Cửa vào khu xây dựng công trình cơi nới trên tầng 27 bị đóng chặt, cấm dân ra vào.

Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, luật sư Bùi Quang Hưng cũng thừa nhận một “ung nhọt” trong cách xây dựng, quản lý và vận hành của các chủ đầu tư khi không ít các khu chung cư tại Hà Nội hiện nay như Keangnam, The Manor, Ciputra, 88 Láng Hạ,... đều vi phạm Nghị định của Nhà nước.

Luật sư Hưng nói: “Khi chúng tôi gửi các văn bản tới chủ đầu tư để thực hiện các quy định của pháp luật, rõ ràng, họ hoàn toàn hiểu và biết các quy định đó nhưng chủ đầu tư đã cố tình lờ đi. Họ đều cố tình vượt qua các quy định Nghị định 71 hoặc quy định về quy định ngoại hối của Ngân hàng để thu khoản nợ nhiều hơn  quy định của Nhà nước. Thậm chí, họ cho rằng: Chưa có cơ chế xử lý nào với các vi phạm ấy”.

Để giải quyết tình trạng này, theo LS. Hưng: Sắp tới UBND Hà Nội nên có ủy ban giám sát đặc biệt để kiểm tra, giám sát, hậu kiểm lại hoặc đôn đốc việc áp dụng Nghị định 71 và quyết định 08 của Bộ Xây dựng về thành lập ban quản trị dân cư, để làm sao khi chung cư bắt đầu đi vào hoạt động, người dân sẽ có đầy đủ cơ chế pháp lý hoàn toàn chặt chẽ để bảo vệ mình. Để mỗi lần bắt đầu dọn về ở một chung cư mới, người dân sẽ không phải tiến hành “cuộc đấu tranh” dai dẳng đòi lại quyền lợi chính đáng, đúng như quy định của mình”.

Như vậy, có thể thấy: “Cần cơ chế quản lý chặt chẽ và ủy ban giám sát chặt chẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” – Đó là điều mong muốn và trăn trở của không ít cư dân đang định cư tại các khu chung cư trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

(Theo GDVN)

  • 0
  • By Admin
  • 26/08/2011
  • 17