• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vụ chuyển nhượng BĐS An Thịnh: Ai mới là kẻ “nắm đằng chuôi”?

Hai nhóm doanh nghiệp kể trên gồm có: Tập đoàn Hà Đô (HDG) và nhóm doanh nghiệp gồm: Công ty CP Xây dựng Số 2 (VC2), Công ty CP Vimeco (VMC); Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex (IUC).

Cụ thể, vào ngày 15/9, VC2 ra thông báo về việc giao dịch chuyển nhượng cổ phần với Công ty CP Bất động sản An Thịnh.

Theo thông tin từ VC2, hợp đồng chuyển nhượng đã được ký kết vào ngày 8/9/2015 giữa bên chuyển nhượng là các cổ đông của Công ty CP BĐS An Thịnh và bên nhận chuyển nhượng bao gồm VMC, VC2 và IUC với 100% cổ phần của Công ty CP BĐS An Thịnh.

Thời gian nhận chuyển nhượng dự kiến diễn ra trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ ngày 9/9. Trong thông báo phát đi của VC2 do ông Nguyễn Việt Cường, Phó TGĐ VC2 làm đại diện có nêu rõ nội dung: “Các bên nhận chuyển nhượng công bố thông tin về giao dịch nêu trên và đề nghị các cá nhân, tổ chức có giao dịch, tranh chấp, nghĩa vụ hoặc quyền lợi liên quan đến quyền sở hữu cổ phần của Công ty CP BĐS An Thịnh và Công ty CP BĐS An Thịnh có liên hệ và thông tin cho chúng tôi trước 16h ngày 19/9/2015 theo địa chỉ…”

chuyển nhượng BĐS
TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Khu chung cư cũ số 93 Láng Hạ của Công ty BĐS An Thịnh

Không lâu sau đó, Hà Đô cũng ra thông báo, ngày 24/7 Công ty này đã ký kết hợp đồng mua bán toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của 3 cổ đông là ông Đoàn Hiếu Minh, ông Đoàn Văn Thức và Công ty CP An Xuân; lượng cổ phần này tương đương 81,4% tổng số cổ phần của BĐS An Thịnh.

Dự kiến, các thủ tục chuyển nhượng 6.515.200 cổ phần với các cổ đông và nhận bàn giao dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ L1, L2 (khu Nam Thành Công) sẽ hoàn tất trong tháng 9/2015. Trong một văn bản thông báo về sự việc này, Hà Đô còn nói rằng, các tổ chức và cá nhân có giao dịch mua bán cổ phần của Công ty BĐS An Thịnh ký với 3 cổ đông trên kể từ sau ngày 24/7/2015 là không đúng quy định pháp luật và gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Trước những thông tin trái chiều từ phía hai doanh nghiệp trên, PV trang ĐTCK đã tiến hành tìm hiểu sự việc. Trao đổi với PV, đại diện VC2 cho biết, trong bản hợp đồng mà 3 công ty họ Vinaconex (VC2 đại diện) ký với các cổ đông của Công ty CP BĐS An Thịnh (là các cổ đông có tên trong danh sách HDG mà đã công bố - PV) có ghi rõ điều khoản, “bên bán cam kết số cổ phần đang được cổ đông sở hữu 100% không thuộc diện cầm cố thế chấp hay có tranh chấp”.

Tuy nhiên, hợp đồng đã ký kết nhưng đến nay VC2  chưa từng thanh toán bất cứ đồng nào. Ngoài ra, trong quá trình đàm phán mua bán cổ phần với Công ty BĐS An Thịnh, bản thân VC2 cũng nhận thấy có thể có những rủi ro phát sinh do đó, Công ty này đã chủ động công bố thông tin rộng rãi để những cá nhân, tổ chức hiện có tranh chấp, nghĩa vụ hoặc quyền lợi liên quan đến số cổ phần kể trên thì nhanh chóng liên hệ với Công ty này để họ nắm bắt được thông tin và kịp thời xử lý.

Thực tế cho thấy, không phải đến khi VC2 công bố thông tin, Hà Đô mới biết, mà từ trước đó, trong quá trình VC2 thương thuyết với các cổ đông của Công ty BĐS An Thịnh, doanh nghiệp này đã nêu ý kiến về thương vụ mua bán giữa họ với nhóm cổ đông của BĐS An Thịnh tới VC2. Tuy nhiên, Hà Đô lại không thể đưa ra bất cứ tài liệu nào chứng minh họ sở hữu hợp pháp số cổ phần trên. Do đó, rất có thể VC2 công bố thông tin là nhằm tạo sự chú ý để Hà Đô vào cuộc nhằm xử lý dứt điểm thương vụ này.

Sau khi phía Hà Đô cho công bố thông tin, VC2 cũng yêu cầu nhóm cổ đông Công ty BĐS An Thịnh phải làm rõ những nội dung mà Hà Đô công bố. Vào ngày 17/9, nhóm cổ đông của Công ty BĐS An Thịnh đã gửi một văn bản đến VC2 với nội dung là một số thông tin liên quan đến vụ việc này.

Theo nội dung văn bản này, ngày 24/7/2015, Hà Đô đã ký hợp đồng chuyển nhượng 81,4% cổ phần với nhóm cổ đông của Công ty BĐS An Thịnh, tuy nhiên vì lý do khách quan nên một số cam kết nêu trong hợp đồng đã không được thực hiện.

Vào ngày 31/8/2015, phía An Thịnh đã có một văn bản yêu cầu Ngân hàng Vietcombank trả lại thư bảo lãnh do Ngân hàng phát hành bảo lãnh thanh toán cho thương vụ, đồng thời An Thịnh cũng có văn bản thông báo phía Hà Đô hủy bỏ hợp đồng đã ký kết. Như vậy, xét về mặt pháp luật thì giao dịch giữa Hà Đô và nhóm cổ đông của Công ty BĐS An Thịnh không có giá trị.

Nghĩa là số cổ phần hiện vẫn thuộc sở hữu hợp pháp của nhóm cổ đông và bản hợp đồng mà An Thịnh đã ký với VC2 vẫn được triển khai bình thường. Trong một văn bản gửi tới VC2 còn có cả chữ ký của từng nhà đầu tư sở hữu cổ phần tại Công ty BĐS An Thinh, cả thể nhân và pháp nhân.  

Khi đề cập đến rắc rối này, đại diện của VC2 cho PV biết, tạm thời Công ty này vẫn chưa chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua số cổ phần trên mà để cho nhóm cổ đông của Công ty BĐS An Thịnh tự giải quyết các tranh chấp liên quan với Hà Đô. Chỉ khi nào có văn bản cam kết chính thức giữa Hà Đô và nhóm BĐS An Thịnh, xác định rõ quyền sở hữu của nhóm cổ đông thì VC2 mới tiếp tục triển khai hợp đồng này.

Được biết, Công ty CP Bất động sản An Thịnh được thành lập vào tháng 8/2007, số vốn điều lệ hiện tại là 70 tỷ đồng. Thông tin mà công ty này công bố gần đây cho thấy, Bất động sản An Thịnh hiện đang triển khai Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại địa chỉ số 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Theo thiết kế ban đầu, công trình dự án được xây dựng theo hình thức "hợp khối" với chiều cao 27 tầng căn hộ và các diện tích công năng khác. Vào năm 2010, công trình đã được TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc, đồng thời đề xuất tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị dự án này với BĐS An Thịnh. Theo đó, Công ty An Thịnh sẽ là doanh nghiệp được giao thực hiện dự án cải tạo xây dựng lại hai khu chung cư cũ là L1, L2 tại số 93 phố Láng Hạ, quận Đống Đa, trước khi xây dựng dự án. 

  • 0
  • By Admin
  • 22/09/2015
  • 17