• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vụ The Manor: Luật bỏ ngỏ nên chỉ còn cách thỏa thuận

Người dân tại khu The Manor cho rằng tầng hầm để xe là tài sản chung của các hộ dân và chủ đầu tư nên họ có quyền gửi xe ở đó, chủ đầu tư chỉ được thu phí dịch vụ trông xe chứ không thể thu phí như phí kinh doanh dịch vụ trông xe được. Trong khi đó, chủ đầu tư của khu chung cư The Manor lại khẳng định rằng tầng hầm là tài sản riêng của họ nên việc họ khai thác kinh doanh là hoàn toàn hợp pháp.

 

Vụ The Manor: Luật bỏ ngỏ nên chỉ còn cách thỏa thuận
Người dân ở chung cư The Manor tập trung đòi quyền lợi (Ảnh: VNE)

 

Luật không "hồi tố"

 

Theo ông Vũ Mạnh Cường, Cục phó Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, ngày 25/1/2009 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 01/2009/TT-BXD quy định một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và hướng dẫn mẫu hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư, trong đó có làm rõ được vấn đề tranh chấp lâu nay, là xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của chủ đầu tư. Hợp đồng phải ghi rõ những điều khoản đó thì mới được coi là hợp lệ để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

 

Tuy nhiên, về nguyên tắc, luật không "hồi tố" nên hướng dẫn tại Thông tư này chỉ được áp dụng cho các trường hợp xảy ra sau ngày thông tư có hiệu lực, các tranh chấp trước đây không được áp dụng thông tư này để giải quyết.

 

Ông Cường gợi mở: Do trước đây chưa có quy định cụ thể về việc xác định tầng hầm là tài sản thuộc quyền sử dụng chung hay là tài sản riêng của chủ đầu tư nên khi phát sinh tranh chấp như trường hợp của The Maner thì phải dựa vào một số căn cứ khác như dự án đã được duyệt, hợp đồng mua bán nhà…

 

Nếu có ra tòa xử thì cũng rất khó vì các quy định đều không rõ ràng. Đối với cả cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì các vấn đề phát sinh trong việc thu phí dịch vụ chung cư và xác định quyền khai thác, sử dụng đối với các phần chung cư đều khá mới mẻ nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và quy định kịp thời.

  

Chỉ còn cách thỏa thuận

 

Cục Phó cục Quản lý nhà chốt lại: “Trong trường hợp này, hai bên nên cố gắng đạt được sự thỏa thuận trong êm thấm. Bên chủ đầu tư thu bao nhiêu thì phải đưa ra những tài liệu chứng minh được các chi phí bỏ ra. Anh cũng phải giải trình được khoản thu đó đã chi vào những vấn đề gì. Việc tính toán thu - chi và đảm bảo có lãi nhưng mức thu đó là chấp nhận được chứ không thể muốn thu bao nhiêu thì thu".

 

Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phân tích thêm: "Nếu trước đây chưa có quy định về việc tầng hầm là tài sản chung hay riêng, mà nay có quy định hướng dẫn cách giải quyết về cùng vấn đề này thì về nguyên tắc, không thể hồi tố, nhưng có thể tham khảo quy định đó để giải quyết".

 

Theo ông Sơn, sơ xuất về mặt pháp lý hoặc luật chưa đuổi kịp diễn biến của đời sống không phải là vấn đề hiếm gặp bởi có nhiều người lâu nay vẫn có thói quen không tìm hiểu kỹ càng các điều kiện khi ký một hợp đồng nào đó.

 

"Khi giải quyết một tranh chấp mà luật chưa quy định thì về nguyên tắc phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Và phương án tốt nhất trong vụ việc này là các bên phải thương lượng và thỏa thuận với nhau" - ông Sơn nhấn mạnh.

 

Ngày 25/1/2009, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 01/2009/TT-BXD “Quy định một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và hướng dẫn mẫu hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư (có hiệu lực thi hành sau 45 ngày), trong đó quy định:

 

Hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư phải nêu đầy đủ phần diện tích thuộc sở hữu riêng của người mua, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư (trong đó nêu cụ thể các phần sở hữu chung trong nhà chung cư quy định tại khoản 3 Điều 70 của Luật Nhà ở như hành lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, nơi để xe và các phần khác thuộc sở hữu chung).

 

Trong trường hợp nhà chung cư có những công trình, diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc của chủ sở hữu khác thì phải nêu rõ (ví dụ như bể bơi, sân tennis, siêu thị, nơi để xe phục vụ cho mục đích kinh doanh hoặc các phần diện tích khác).

 

Hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư cũng phải ghi rõ giá bán căn hộ nhà chung cư đã bao gồm cả kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (2% tiền bán căn hộ) theo quy định. Trường hợp kinh phí thu được để bảo trì không đủ thì huy động từ đóng góp của các chủ sở hữu tương ứng phần diện tích sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

 

Hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư phải nêu rõ dự kiến về mức phí phải đóng góp dùng cho công tác quản lý vận hành nhà chung cư. Mức đóng góp kinh phí không vuợt quá mức giá (giá trần) do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà chung cư đó ban hành.

 

Theo VTC


  • 0
  • By Admin
  • 06/03/2009
  • 17