• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vốn ngoại ồ ạt chảy vào các KCN phía Nam đón sóng TPP

Bùng nổ dòng vốn ngoại

Báo cáo về thị trường BĐS Việt Nam mới đây của Tập đoàn VinaCapital cho biết, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của cả nước hiện chiếm đến 70% trong dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam, riêng trong 10 tháng năm 2015, khoảng 7 tỷ USD đã được đổ vào các KCN.

Theo đó, nguồn vốn FDI này chủ yếu đăng ký đầu tư phát triển nhà máy sản xuất cho các ngành điện tử và may mặc. Bên cạnh lợi thế về giá nhân công thấp so với nhiều nước trong khu vực thì nguồn nhân lực có tay nghề ngày một dồi dào, kinh tế vĩ mô luôn ổn định và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra một giai đoạn phát triển đầy sôi động cho thị trường BĐS công nghiệp trong vài năm tới.

Quả thực, chỉ trong một thời gian khá ngắn, các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã nhanh chóng cụ thể hóa các cam kết đăng ký vốn đầu tư vào Việt Nam bằng việc triển khai xây dựng những KCN quy mô lớn. Những KCN ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có kết quả khả quan trong thu hút FDI từ đầu năm đến nay, đặc biệt, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt chỉ tiêu thu hút FDI đề ra cho cả năm.

Theo Savills Việt Nam, Tp.HCM là địa phương đón được dòng vốn FDI cao nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những tháng đầu năm 2015. Tính riêng nửa đầu năm 2015, các DN Anh đầu tư nhiều nhất vào Tp.HCM, tương đương 59% vốn FDI, tiếp theo là các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin (15%) và đứng thứ 3 là Hàn Quốc (10%).

Điển hình, mới đây, Công ty Cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon City chính thức tổ chức Lễ động thổ dự án Sài Gòn Silicon City tại Khu công nghệ cao (CNC) Tp.HCM (SHTP), dự án này được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ (Silicon Valley).

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP cho biết, Sài Gòn Silicon City có tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD (tương đương với 860 tỷ đồng), được xây dựng trên diện tích 52 ha. Dự kiến, dự án này sẽ thu hút 20 nhà đầu tư trong lĩnh vực CNC và công nghiệp hỗ trợ CNC với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Tại Đồng Nai, thông tin mới nhất từ Amata Corporation Plc., của Thái Lan cho hay, Tập đoàn này đang chuẩn bị khởi động đầu tư dự án Khu công nghiệp công nghệ cao (CNC) và 2 Khu đô thị dịch vụ cao cấp tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, các dự án trên sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2016 trên diện tích 1.285ha tại xã An Phước và Tam An thuộc huyện Long Thành, tổng vốn đầu tư của dự án gần 500 triệu USD. Cuối tháng 6/2015, dự án đã được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bất động sản khu công nghiệp
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các KCN tại Vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam để đón đầu những lợi ích kinh tế mà TPP đem lại

Ông Somhatai Panichewa, Chủ tịch Công ty TNHH Amata Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam JSC cho hay, công ty chọn địa điểm này để đầu tư vì tận dụng được những cơ hội mang lại từ quá trình Việt Nam đang là một mắc xích quan trọng trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Amata Việt Nam JSC đang quan tâm đến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được đầu tư tại khu vực phía Nam, nhất là dự án sân bay quốc tế Long Thành hay các cảng biển nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải...

Thay đổi mô hình thu hút DN

Theo một báo cáo được công bố bởi tập đoàn Eurasia, GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 11% và xuất khẩu 28% vào năm 2025 khi các công ty chuyển cơ sở sản xuất của họ vào Việt Nam để tận dụng lợi thế giá nhân công thấp. Theo đó, nhu cầu về đất công nghiệp, văn phòng, nhà ở sẽ tăng mạnh. Hai yếu tố mà Việt Nam đang thiếu đó là nhà ở cho người lao động, đội ngũ chuyên gia và đất sạch để phát triển các KCN.

Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, các công ty đầu tư hạ tầng, đặ biệt là trực thuộc một số KCN tại khu vực phía Nam đang xác định một hướng đi mới để có khả năng thu hút nhà đầu tư. Trước đây, các KCN chỉ tập trung cho thuê lại đất, nhưng nay họ tự bỏ tiền ra đầu tư xây dựng các khu nhà xưởng hoàn chỉnh để phục vụ các nhà đầu tư có nhu cầu. Chính sự xuất hiện của loại hình sản phẩm này đang giúp các KCN gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Ban quản lý các khu chế xuất – KCN Tp.HCM (Hepza) cho biết, Khu Kỹ nghệ Việt – Nhật mới đi vào hoạt động gần đây sẽ là một trong những mô hình phát triển mới, có tác dụng nâng cao khả năng thu hút luồng vốn đầu tư từ các DN Nhật Bản ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao.

Đồng thời, Hepza cũng đang nhân rộng mô hình đầu tư phát triển những khu như thế này với cơ sở hạ tầng và nhà xưởng được xây dựng sẵn tại một số KCN trên địa bàn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật CNC. TP cũng đã chuẩn bị sẵn diện tích đất rộng gần 500ha với hơn 70.000m2 nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn để đón tiếp các nhà đầu tư tại các KCN thí điểm như: Đông Nam, Tân Phú Trung, Hiệp Phước và An Hạ.

Tổng giám đốc Công ty Viet - Pan Industrial Park Co., Ltd., ông Yoshinori Yasumi cho rằng, với lợi thế nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp hơn các nước khác trong khu vực nên lựa chọn đầu tư vào thị trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của các DN Nhật Bản. Để có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian thi công nhà xưởng trong giai đoạn thâm nhập thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh, hầu hết các nhà đầu tư đều có nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn hoặc kho bãi có sẵn, một cửa thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng.

  • 0
  • By Admin
  • 12/11/2015
  • 17