• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vốn FDI - chất lượng đầu tư như thế nào?

Những vấn đề “nóng” mà báo giới đặt ra trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như thế nào cho hiệu quả, tiến độ giải ngân ra sao, ô nhiễm môi trường gia tăng... đã được ông Lê Hữu Quang Huy, Vụ phó - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư miền Trung trả lời:

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài những năm gần đây có sự gia tăng đột biến. Trong 3 năm (2006 - 2008), Việt Nam đã thu hút hơn 90 tỷ USD, chiếm 58% tổng vốn từ năm 1988 đến nay. Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã thu hút được 885 dự án, tổng vốn đăng ký 57,1 tỷ đồng, trong đó khu vực miền Trung và phía Nam chiếm 71%...

* Theo báo cáo thì cơ cấu vốn FDI đầu tư vào bất động sản chiếm 43% nhưng theo nhẩm tính của chúng tôi tại 8 dự án lớn thì hết 75% vốn đổ vào bất động sản, có sự sai lệch gì trong đó chăng? Hơn nữa, đáng buồn là trong khi vốn đầu tư tăng mạnh nhưng các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm (giải quyết nhiều lao động) lại giảm.

Ông Lê Hữu Quang Huy: Chúng tôi rất chia sẻ về điều này. Bởi hiện tại, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nông nghiệp chỉ chiếm 3% tổng vốn đầu tư, rất thấp so với bất động sản. Về cơ cấu đầu tư vào bất động sản thì nếu bóc tách những dự án, chắc chắn không phải dự án nào cũng đầu tư 100% vào bất động sản. Chẳng hạn trong các dự án trường đại học cũng có phần nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường sá.

Chúng ta mong muốn thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực mình muốn nhưng với nhà đầu tư thì họ lại được quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư nào pháp luật không cấm và sinh lợi cao. Chúng ta phải biết dung hòa giữa lợi ích hai bên để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn là thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

* Vậy vai trò của người làm công tác xúc tiến đầu tư như thế nào trong việc điều chỉnh dòng vốn cho hài hòa giữa các ngành?

Đối phó với đầu tư “lệch”, chúng ta đã có giải pháp rồi. Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư khi đầu tư vào những lĩnh vực mà nhà nước kêu gọi. Chẳng hạn như ưu đãi về thuế, miễn giảm thuế… Nhưng hiệu quả của việc thu hút đối với ngành ưu tiên chưa cao, vì cần phải có thời gian. Hơn nữa, đó cũng là quy luật phát triển vì nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hiệu suất đầu tư.

* Vốn lớn nhưng thực tế giải ngân thế nào? Liệu có phải đó là những con số ảo?

Nếu tính riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì đã thu hút được 17 tỷ USD nhưng chỉ mới thực hiện được 1,2 tỷ USD, chưa đầy 8% - một con số rất nhỏ. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thời gian tới chúng ta phải thành lập các tổ đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ giải ngân và thúc đẩy giải ngân các dự án lớn.

* Các tỉnh, thành cứ kêu gọi đầu tư ồ ạt, không có kế hoạch nên dẫn đến việc nhiều dự án không đảm bảo về môi trường, Bộ KH-ĐT có đề nghị Chính phủ chế tài đối với các địa phương cấp phép cho dự án không đảm bảo môi trường không, thưa ông?

Không đúng. Chúng ta thu hút đầu tư có định hướng, có kế hoạch, bằng chứng là những dự án lớn đều nằm trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính phủ rất thận trọng trong việc phê duyệt các dự án đầu tư lớn và thực tế việc phối hợp giữa các bộ ngành địa phương là rất chặt. Trong luật có quy định cụ thể dự án cấp độ nào phải báo cáo tác động môi trường và nay chúng ta còn có lực lượng cảnh sát môi trường. Còn việc vốn đổ vào VN tăng là do môi trường đầu tư chúng ta tốt, ngày càng được cải thiện. Chúng ta không nên đánh đồng 2 việc này với nhau.

Về việc này, ông Lê Tiền Tuyến, Chủ biên Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính - người cùng chủ trì buổi họp báo cho rằng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường có cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, chứ không riêng doanh nghiệp có nguồn vốn FDI. Hiện nay, việc cấp phép thì có thẩm định về môi trường nhưng việc quản lý cấp phép lại chưa được làm tốt. Xử lý ô nhiễm, trách nhiệm chính là của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Vấn đề này sẽ được các chuyên gia, những người làm công tác thu hút đầu tư giải đáp trong hội nghị sắp tới.


Theo Sài Gòn Giải Phóng

  • 0
  • By Admin
  • 08/10/2008
  • 17