Vịnh Nha Trang bị cắt xén hơn 100ha làm khu đô thị, khu du lịch
Mười năm nay, nếu ai trở lại đường biển phường Vĩnh Hoà, phía bắc Nha Trang, họ sẽ không còn nhận ra bãi biển ngày xưa. Ông Nguyễn Văn Đông, chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà cho biết, bãi biển dài khoảng 5km đã bị san lấp, lấn mở rộng gần 40ha.Tháng 11.2011,công ty TNHH Trọng Điểm đã lấn biển ở phường Vĩnh Hoà, hơn 20 ngày sau mới bị cơ quan chức năng phát hiện. |
Khắp nơi lấn biển
Theo sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hoà, mười năm nay, đã có hàng loạt dự án lấn biển như dự án khu du lịch Rusalka san lấp 2,3ha; khu dân cư Đường Đệ 30ha; khu du lịch Sông Lô lấn biển hơn 5ha. Nhất là, tại đường vòng núi Chụt, phía nam Cầu Đá, toàn bộ vùng vịnh Nha Trang rộng hơn 56ha nằm gần cửa sông Tắc (Quán Trường) đã bị san lấp để lập khu dân cư An Viên.Theo ông Mai Văn Thắng, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hoà, do vịnh Nha Trang là danh thắng quốc gia, nên việc lấn biển phải do bộ Tài nguyên và môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Thực tế các dự án lấn biển hầu hết đều có giấy phép, cũng có một số dự án người ta thực hiện trước khi có đánh giá tác động môi trường”, ông Thắng nói.
Tại phường Vĩnh Hoà, khi triển khai dự án Rusalka, năm 2005, UBND tỉnh Khánh Hoà đã yêu cầu phải khôi phục hiện trạng ban đầu cho 1,4ha biển đã bị lấp, thế nhưng, đến nay, vẫn chưa được thực hiện. Tháng 11.2011, tại Vĩnh Hoà, công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trọng Điểm (Hà Nội) đã đổ đất san lấp vịnh để làm dự án công viên bến du thuyền. Điều đáng chú ý là, việc san lấp này diễn ra công khai, thế nhưng, mãi hơn 20 ngày sau mới bị phát hiện. Theo ông Đông, hầu hết bãi biển trong phường Vĩnh Hoà có đoạn thì tỉnh lấn để làm đường Phạm Văn Đồng, đoạn dài hơn 4km thì lấn để làm các dự án du lịch, nhà hàng, khách sạn. Diện tích lấn biển ở phường Vĩnh Hoà đến nay đã lên đến 40ha.
Ông Trương Kỉnh, giám đốc ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang cho biết, các dự án du lịch Hòn Tre, Hòn Tằm đều lấn, hoặc đổ đất xuống biển; năm 2006, dự án nạo vét Sông Tắc, đơn vị thi công đã chở bùn nạo vét đổ không đúng vị trí cho phép mà đổ thẳng vào rạn san hô cửa sông Tắc.
Đến đời sau vẫn còn tiếc
Tại các khu vực lấn biển, một số doanh nghiệp cho rằng, đây là khu vực có các rạn san hô chết. Tuy nhiên, ông Đông cho biết: “Rạn san hô Bãi Tiên, Vĩnh Hoà đẹp lắm, có những cây san hô cao cả mét, đẹp hơn Hòn Mun là nơi bây giờ người ta lặn biển để ngắm san hô. Khi dự án Rusalka triển khai, người ta lấn biển, làm san hô bị vùi lấp chết hết”. Còn theo những ngư dân ở khu Đường Đệ, phường Vĩnh Hoà, họ vẫn không khỏi tiếc nuối khi bãi biển ngày xưa là nguồn sống của cả làng. Khi có rạn san hô, cá, tôm nhiều lắm. Anh Phạm Văn Hoà, ở Đường Đệ bức xúc: “Bây giờ lấn biển, san hô chết, rong mơ không còn. San hô hết thì tôm, cua, cá cũng hết”.Ông Đông cũng thừa nhận, nguồn lợi gần bờ hiện nay đã cạn kiệt, việc lấn biển đã làm cho cuộc sống của những hộ sống bằng nguồn đánh bắt gần bờ bị ảnh hưởng. Điều đáng tiếc nhất là, ngày trước Vĩnh Hoà có bờ biển uốn cong, bãi cát trải dài rất đẹp, còn bây giờ người ta cho đổ đất lấn ra biển hàng trăm mét, bãi cát không còn. Theo ông Trương Kỉnh, việc san lấp biển đã giúp hình thành khu du lịch, khu dân cư, nhưng nó cũng để lại nhiều điều suy nghĩ. Một số khu vực Hòn Tằm, Hòn Tre… rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn bị ảnh hưởng. Toàn bộ vịnh Nha Trang không còn rừng ngập mặn tự nhiên. “Do lấn biển, tổn thất xã hội phải gánh chịu, nhưng doanh nghiệp hưởng lợi ích trước mắt, còn người chịu tổn thất lớn nhất lại là cộng đồng dân nghèo”, ông Kỉnh nói.
Còn nhà thơ Giang Nam, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết: “Bây giờ lấn biển rồi, tiếc lắm, không khắc phục được. Nha Trang nổi tiếng vì dải bờ biển đẹp, thông thoáng. Chúng ta lấn biển mất cái đó, hối hận rồi sửa lại không được”.
(Theo SGTT)
- 134
- By Admin
- 30/12/2011
- 17