Việt kiều không bán được nhà vì Thông tư 16
Nhiều Việt kiều không thể bán được nhà do chưa có quy định hướng dẫn trong việc cấp sổ đỏ, sổ hồng cho đối tượng này - Ảnh minh họa |
Nhiều người, dù có nguồn vốn dồi dào có thể đầu tư vào bất động sản nhưng cuối cùng vẫn buộc phải chọn cách đứng ngoài bởi việc chậm trễ hướng dẫn quy định cấp sổ hồng cho đối tượng khách hàng này. Lý do là họ không muốn mạo hiểm với đồng vốn mà mình bỏ ra.
Một khách hàng hiện sở hữu căn hộ 157 m2 tại Dự án The Manor cho biết, do khó khăn về tài chính, chị dự định bán căn hộ tại đây, song 3 - 4 bận hỏi bộ phận pháp lý của The Manor đều được trả lời không thể bán được nhà. Lý do, Thông tư 16/2010/BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2010 quy định: Nếu khách hàng đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua bán nhà ở theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân sự (bên bán phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp, các bên phải lập hợp đồng mua bán nhà ở và nộp thuế theo quy định). Trong khi đó, do chị là Việt kiều nên chưa được cấp sổ hồng cho căn nhà. Luật Nhà ở cho phép Việt kiều được mua nhà, nhưng do Bộ Xây dựng chưa có thông tư hướng dẫn việc cấp sổ đỏ, sổ hồng cho những đối tượng này nên hiện các chủ dự án dù rất muốn hỗ trợ khách hàng lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở cũng… chịu.
Cũng theo Thông tư 16, muốn cho tặng bất động sản, chủ sở hữu bất động sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Do đó, muốn qua thủ tục trên để bán nhà, Việt kiều cũng không thể thực hiện được.
Cực chẳng đã, vị cư dân của The Manor nêu trên chấp nhận giá thấp, bán nhà… chui theo cách làm hợp đồng ủy quyền công chứng cho bên mua theo hướng ủy quyền toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó cả quyền nhận sổ hồng từ chủ đầu tư trong trường hợp được phép. Tuy nhiên, với một bất động sản trị giá tới gần 400.000 USD, không một khách hàng nào dám mạo hiểm mua theo hình thức này. Bởi lẽ, trong trường hợp người chủ sở hữu bị rủi ro, tai nạn dẫn tới cái chết, hợp đồng ủy quyền công chứng sẽ không có hiệu lực.
Theo phản ánh của khách hàng, tại Dự án The Manor, khách hàng Việt kiều đã được giao nhà 4 - 5 năm nay, song chưa nhận được sổ hồng. Trong khi đó, khách hàng người Việt đã được làm thủ tục nhận sổ hồng tới 7 đợt. Trước đây, chủ đầu tư có thể thu phí và vào tên hợp đồng cho người mua sau mỗi lần khách hàng thực hiện hợp đồng mua bán nhà tại đây (sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thuế với Nhà nước). Nhưng nay, theo Thông tư 16, chủ đầu tư hiện không được thu phí và chuyển tên người mua nhà.
Do không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Việt kiều cũng không thể đem tài sản này đi thế chấp để vay tiền ngân hàng khi có nhu cầu tài chính. Tình trạng trên đang khiến nhiều khách hàng Việt kiều tại các dự án bất động sản rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Trao đổi với ĐTCK, một Việt kiều Mỹ đang có nhu cầu đầu tư về Việt Nam cho biết, gia đình anh rất quan tâm đến thị trường bất động sản tại Hà Nội và Tp.HCM. Anh đã khảo sát một số dự án tại Tp.HCM và quyết định mua 2 - 3 biệt thự của các dự án ven sông Sài Gòn, mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Song khi tìm hiểu đến thủ tục sổ hồng và biết chưa có hướng dẫn cấp giấy tờ này cho Việt kiều, gia đình anh đã quyết định dừng đầu tư, bởi khó có thể chuyển nhượng tài sản khi cần thiết.
Khảo sát sơ bộ tại nhiều dự án bất động sản cao cấp tại Tp.HCM và Hà Nội cho thấy, có khá nhiều khách hàng là Việt kiều. Trong nhiều trường hợp, Việt kiều có thể ủy quyền cho họ hàng, người thân tại Việt Nam đứng tên và mua bất động sản. Tuy nhiên, do nhiều bất động sản có giá trị rất lớn, Việt kiều muốn trực tiếp đứng tên về tài sản để tránh rủi ro. Nay theo quy định mới, họ chỉ có thể mua bất động sản mà không được bán.
Thị trường bất động sản nhìn chung đang ảm đạm, đặc biệt với phân khúc nhà ở, căn hộ cao cấp, nhiều chủ đầu tư đang cố gắng tiếp thị để bán được hàng. Tuy nhiên, một phân khúc khách hàng tiềm năng lại đang bị cản trở đến với thị trường, do quy định thiếu đồng bộ của khung pháp lý.
(Theo ĐTCK)
- 0
- By Admin
- 17/03/2011
- 17