Việt kiều được lấy lại nhà đã ủy quyền
Việt kiều đã ủy quyền nhà trước 1-7-1991 giờ có thể đòi lại sau khi đã báo trước theo hạn định. Ảnh minh họa: HTD
1. Từ chối nhận di sản?
Bà ngoại tôi có làm di chúc để lại căn nhà cho mẹ tôi và tôi. Tôi rất muốn bà ngoại tôi sửa lại di chúc theo hướng cho phép mẹ tôi được thừa hưởng toàn bộ căn nhà nhưng bà ngoại tôi không đồng ý. Vậy sau khi bà tôi mất, tôi phải làm thủ tục gì để nhường cho mẹ tôi được thừa kế toàn bộ căn nhà? Xin nói thêm, ông ngoại tôi đã mất và mẹ tôi là con duy nhất của ông bà ngoại.
Hoàng Nguyên (quận 7)
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7 TP.HCM:
Theo Điều 642 Bộ luật Dân sự, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã nơi căn nhà tọa lạc. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng kể từ ngày người để lại di sản mất.
Sau khi bà ngoại của ông mất, ông có thể liên hệ với các phòng công chứng để làm thủ tục từ chối nhận di sản trong thời hạn trên. Lúc đó, mẹ của ông (người thừa kế còn lại) được thừa kế toàn bộ căn nhà.
2. Người có KT3 được đứng tên “giấy hồng”
Năm 2006, tôi mua một căn nhà tại quận 12 nhưng đến nay tôi vẫn chưa làm thủ tục sang tên. Tôi đăng ký thường trú ở Tiền Giang nhưng đang có KT3 tại quận Tân Phú, TP.HCM. Vậy tôi có được đứng tên trên “giấy hồng” hay không?
Nguyễn Thị Thu Nga (Tân Phú)
Ông Huỳnh Tấn Việt, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12:
Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM không quy định phải có hộ khẩu thường trú mới được đứng tên “giấy hồng”. Bà có thể đem giấy tờ nhà của người chủ cũ, hợp đồng mua bán nhà, bản vẽ nhà (nếu sau khi mua bà không xây dựng mới hay sửa chữa gì thì bà có thể sử dụng bản vẽ cũ của căn nhà) đến UBND quận để được hướng dẫn thủ tục cấp “giấy hồng”.
3. Lấy lại nhà đã ủy quyền trước ngày 1-7-1991?
Năm 1981, trước khi xuất cảnh, gia đình tôi có để lại nhà cho một người bà con quản lý. Nay gia đình tôi có thể yêu cầu người đó trả nhà hay không?
Thành (trungthanh... @gmail.com)
Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Phó Chánh tòa dân sự TAND TP.HCM:
Theo Điều 23 Nghị quyết 1037 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ủy quyền quản lý nhà giữa cá nhân với cá nhân có yếu tố nước ngoài trước ngày 1-7-1991 được giải quyết như sau: Nếu hợp đồng ủy quyền quản lý nhà hết thời hạn trước ngày 1-9-2006 (ngày Nghị quyết 1037 có hiệu lực) thì bên ủy quyền được lấy lại nhà nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng ít nhất sáu tháng. Nếu đến ngày 1-9-2006 mà hợp đồng ủy quyền vẫn còn hiệu lực thì chủ nhà được lấy lại nhà kể từ khi hợp đồng hết hiệu lực và phải thông báo cho bên đang sử dụng nhà trước sáu tháng. Trường hợp thời hạn ủy quyền không xác định thì bên ủy quyền được lấy lại nhà nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà đó biết trước ít nhất 12 tháng.
4. Làm “giấy hồng” phần nhà xây thêm
Nhà tôi đã được cấp “giấy hồng” một trệt hai lầu. Sau đó, tôi xây thêm một tầng và sân thượng (có giấy phép xây dựng). Nay tôi muốn bổ sung phần diện tích mới xây vào “giấy hồng” thì phải làm thủ tục gì?
Lê Hoàng Minh Triết (quận 5)
Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5:
Theo Điều 19 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, ông phải làm thủ tục xác nhận thay đổi trên “giấy hồng”. Hồ sơ gồm có: đơn đề nghị xác nhận thay đổi trên “giấy hồng”, trong đó nêu rõ lý do xác nhận thay đổi; bản chính giấy phép xây dựng, biên bản hoàn công phần tăng thêm và giấy tờ khác liên quan đến phần thay đổi này; bản chính “giấy hồng” cũ; bản chính bản vẽ sơ đồ nhà, đất theo hiện trạng mới.
5. Cha mẹ chồng cho con dâu đất
Tôi nghe nói cha mẹ chỉ được quyền tặng cho đất cho con trai chứ không thể cho cả con dâu. Vì nếu ghi tên con dâu vào thì cơ quan thuế sẽ không biết thu bao nhiêu thuế và như thế thì UBND cấp huyện không thể cấp “giấy đỏ”. Có đúng vậy không?
Trần Văn Minh (248/12/6 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định)
Luật sư Trần Thị Miền, Đoàn luật sư TP.HCM:
Theo Thông tư 66 ngày 21-7-2008 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Thông tư 104 ngày 23-10-2000), việc chuyển quyền sử dụng đất giữa cha, mẹ và con dâu, con rể không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp văn bản chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất giữa cha, mẹ với con dâu, con rể được lập từ ngày 5-5-2008 trở đi thì không phải nộp thuế này (kể cả chuyển quyền sử dụng đất giữa cha, mẹ với con dâu, con rể theo pháp luật về thừa kế). Trường hợp văn bản trên được lập trước ngày 5-5-2008 nhưng đến ngày 5-5-2008 trở đi mới nộp hồ sơ kê khai thuế nếu vẫn trong thời hạn kê khai thuế thì cũng không phải nộp thuế này.
Trường hợp việc chuyển quyền trên được thực hiện trước ngày 5-5-2008 mà người đang sử dụng đất thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn về kinh tế, còn được phép ghi nợ tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất thì nay không phải nộp số thuế còn nợ. Riêng những trường hợp đã nộp thuế vào ngân sách từ ngày 5-5-2008 thì được xem xét hoàn trả số tiền thuế đã nộp.
Theo Pháp Luật TP
- 295
- By Admin
- 04/08/2008
- 17