• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Việt Nam sắp có “Vn-Index" cho bất động sản

Việc Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Xây dựng, trong quý IV/2008 phải xây dựng xong và thực hiện thí điểm chỉ số bất động sản (REMI) tại TP.HCM, là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo đánh giá của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nếu xây dựng được chỉ số dành riêng cho thị trường BĐS để hỗ trợ điều tiết thị trường thì giá bất động sản đã không còn biến động nhiều như vừa qua.

Trên thực tế, hiện có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đang ráo riết xây dựng chỉ số bất động sản cho riêng mình. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinaland cho biết, Công ty xây dựng chỉ số BĐS theo 2 cấp: giá căn hộ và đất nền dự án. Đối với giá căn hộ, Công ty chia thành 3 mức giá: Từ 1.200 USD/m2 trở xuống; từ 1.200 – 2.000 USD/m2; và từ 2.000 USD/m2 trở lên.

Đối với đất nền dự án thì chia thành 4 cấp: từ 1.200 USD/m2 trở xuống; từ 1.200 – 2.000 USD/m2.000 – 3.000 USD/m2; và từ 3.000 USD/m2 trở lên.
“Chỉ số BĐS của Vinaland chủ yếu phản ánh mức giá ở các khu đô thị mới như ở Quận 2, Quận 9, Quận 7 (TP.HCM)… Công ty sẽ chọn các dự án tiêu biểu của từng khu vực, tính mức giá bình quân rồi xây dựng nên chỉ số BĐS”, ông Hoàng nói.

Cũng xây dựng chỉ số BĐS như Vinaland, nhưng Công ty cổ phần Metvuong lại xây dựng chỉ số theo một cách khác. Ông Paul Song - Giám đốc Công ty cho biết, chỉ số có tên là MV BDSI được máy tính đo lường bằng cách kết hợp các giá trị của các căn hộ và nhà (không tính đến các biệt thự và cửa hàng) trong thời gian trung bình là 45 ngày.
Biểu đồ MV BDSI thể hiện sự thay đổi chỉ số bất động sản với mỗi điểm thay đổi tính theo tuần. Số điểm thay đổi sẽ hiển thị màu đỏ (giảm) hay xanh (tăng).

Tuy nhiên, nhược điểm của cách tính này là chỉ mới lấy dữ liệu tại các quận trung tâm TP.HCM và tập trung vào các căn hộ rao bán. Còn các mảng thị trường khác như đất nền dự án, nhà giao dịch tại các khu dân cư, biệt thự… thì hoàn toàn bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, hiện cả nước có khoảng 20 công ty nộp đơn xin thành lập sàn giao dịch BĐS. Như vậy, nếu 20 công ty này đều xây dựng riêng cho mình một chỉ số BĐS thì lúc đó khách hàng, doanh nghiệp sẽ không biết lấy chỉ số BĐS nào để làm căn cứ.

Ông Nam cho rằng, chỉ số BĐS là một “hàn thử biểu” giúp các nhà quản lý theo dõi, định hướng phát triển thị trường, ngân hàng định giá cho vay thế chấp… hạn chế việc đầu cơ, mua không sát giá thị trường.
Vì vậy, chỉ số BĐS phải là chỉ số đánh giá những diễn biến chính thức của thị trường nhà đất. Bên cạnh việc cập nhật liên tục sự biến động về giá cả, còn có những thông tin liên quan về chủ đầu tư, sản phẩm, thời điểm giao dịch, khối lượng giao dịch...

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, để chỉ số này thực sự trở thành một công cụ hữu ích và ứng dụng được rộng rãi vào đời sống, trước mắt Bộ Xây dựng cần tiến hành xây dựng chỉ số BĐS cho từng phân khúc thị trường, từng địa phương rồi tiến tới xây dựng chỉ số cho toàn quốc.
Muốn xây dựng được chỉ số thích hợp với thị trường BĐS Việt Nam rất cần có những nghiên cứu công phu, phân tích kỹ lưỡng, có thể phải mời chuyên gia nước ngoài tham gia, vì nếu chỉ số được áp dụng mà không phù hợp thì sẽ rất bất tiện.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, dự kiến trong quý IV/2008, Bộ Xây dựng sẽ cho ra đời chỉ số bất động sản Việt Nam có tên tạm thời là REMI, trước mắt chỉ làm thí điểm tại TP.HCM.
Chung cư, văn phòng cho thuê, khách sạn là những chủng loại hàng hóa sẽ được đưa vào tính trong chỉ số giá lần này. Về lâu dài, chỉ số REMI sẽ được hoàn thiện dần và mở rộng ra trên toàn quốc.
Theo Báo Đầu tư
  • 248
  • By Admin
  • 14/08/2008
  • 17