Việt Nam lần đầu tiên muốn áp thuế chống bán phá giá thép
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Cục quản lý cạnh tranh, việc áp thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ các nước trên vì qua thời gian có hiện tượng bán phá giá thép vào Việt Nam khiến ngành thép trong nước chịu thiệt hại đáng kể.
Thép không gỉ là mặt hàng nhập khẩu thứ ba vào Việt Nam bị kiện liên quan đến phòng vệ thương mại, nhưng là mặt hàng đầu tiên bị kiện bán phá giá tại thị trường Việt Nam kể từ khi pháp lệnh quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào VN được ban hành từ năm 2004 đến nay.
Việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có mã HS gồm: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Hiện các mặt hàng thép nói trên có mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ 0-10%. Trong đó, mức thuế suất 0% được áp dụng cho thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước, như Trung Quốc và các nước ASEAN, theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (3-12), ông Đinh Huy Tam, một chuyên gia ngành thép (ông Tam nguyên là Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam) cho biết hiện trong nước có hai nhà sản xuất thép không gỉ lớn là Posco VST và Thép Hòa Bình, hai doanh nghiệp này chiếm 80% thị phần trong nước. Ngoài ra còn có một vài doanh nghiệp nhỏ khác.
Ảnh minh họa
Theo ông Tam, thời gian qua thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam với lượng gia tăng khiến một số doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại, thua lỗ.
"Đối với ngành thép Việt Nam thì đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép để bảo vệ nhà sản xuất trong nước bởi lâu nay doanh nghiệp trong nước luôn là bên bị kiện. Tôi nghĩ đây là bước đi tích cực cho cả nhà sản xuất thép trong nước lẫn cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam", ông Tam bình luận.
Vào đầu tháng 7-2013 (hai tháng sau khi nhận được đơn kiện của Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình), Bộ Công Thương Việt Nam đã ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, và lãnh thổ Đài Loan.
Trước đó, Công ty thép Posco VST - hiện là nhà máy thép không gỉ cán nguội lớn nhất Việt Nam với công suất 235.000 tấn thép không gỉ cán nguội - cho biết đã chịu lỗ do bị cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Do vậy, Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình cùng gửi đơn kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), yêu cầu áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 20- 40% đối với sản phẩm trên.
Mức thuế và tên công ty của 4 nước bị áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội:
Nước/Vùng lãnh thổ |
Tên nhà sản xuất/xuất khẩu |
Mức thuế chống bán phá giá |
Trung Quốc |
- Lianzhong Stainless Steel Corporation - Fujian Southeast Stainless Steel Co., Ltd - Các nhà sản xuất khác |
- 6,99% - 6,45% - 6,68% |
Indonesia |
- PT Jindal Stainless Indonesia - Các nhà sản xuất khác |
- 12,03% - 12,03% |
Malaysia |
- Bahru Stainless Sdn.Bhd. - Các nhà sản xuất khác |
- 14,38% - 14,38% |
Đài Loan |
- Yieh United Steel Corporation - Yuan Long Stainless Steel Corp. - Các nhà sản xuất khác
|
- 13,23% - 30,73% - 13,23% |
(Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương)
Doanh nghiệp trong nước phản ứng
Chừng 20 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thép không rỉ ở trong nước, hồi tháng 10 đã có đơn kiến nghị lần thứ hai lên Bộ Công Thương nêu quan ngại về sự việc này.
Nay, với kết luận sơ bộ của VCA, đại diện các doanh nghiệp này cho biết họ “sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng việc phản đối kết luận sơ bộ nói trên”.
Theo ông Phạm Quốc Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Tế Đại Dương cho biết ông cùng các doanh nghiệp trong ngành “ngạc nhiên và thất vọng” với báo cáo sơ bộ kèm kiến nghị của VCA áp thuế tạm đối với nguyên liệu thép không rỉ cán nguội nhập khẩu từ 4 quốc gia trên.
“VCA cố tình phớt lờ các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi hoặc không hiểu tính nghiêm trọng của sự việc bằng một báo cáo sơ bộ ủng hộ sự độc quyền cho một nhóm công ty gia công từ cán nóng sang cán nguội mà đẩy các doanh nghiệp gia công từ cán nguôi sang các sản phẩm công nghiệp và gia dụng đến chỗ bất lợi, thậm chí thua lỗ dẫn đến phá sản. Không những báo cáo sơ bộ kèm kiến nghị áp thuế này sẽ đẩy giá hàng cán nguội và các sản phẩm ứng dụng từ nó sẽ cao bất hợp lý góp phần gia tăng lạm phát mà còn triệt tiêu tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu”, ông nói.
Theo ông Vũ, trước mắt, các hợp đồng xuất khẩu ống thép không rỉ mấy ngàn tấn của công ty ông đã ký cho tháng 1, tháng 2 và tháng 3 sẽ không biết mua nguyên liệu ở đâu, vì các điểm mà báo cáo này đưa ra vẫn chưa thật rõ ràng.
Chẳng hạn, trong báo cáo này có đoạn: “Đối với ngành sản xuất hạ nguồn, ngành sản xuất các sản phẩm từ thép cán nguội …, trong trường hợp không mua từ nhà sản xuất trong nước, họ có thể nhập từ các nguồn khác nếu như thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các nhà sản xuất /xuất khẩu của các nước xuất khẩu thuộc phạm vi điều tra”.
Ông Vũ đặt câu hỏi: “Đó là nguồn nào? Giá cao hơn bao nhiêu? Nguồn đó có phù hợp cho định vị nguyên liệu của sản phẩm mà chúng tôi sản xuất không? Hoàn toàn không có nguồn này, kể cả trong nước”.
- 213
- By Admin
- 04/12/2013
- 17