Việt Nam có muốn một thủ đô "siêu thành phố ngụy tạo"?
Tuần Việt Nam trao đổi với ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc, Hà Nội xung quanh Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.Tuân thủ quy định của pháp luật!
Ông có theo dõi cuộc giằng co qua lại giữa Hà Nội và Bộ Xây dựng xung quanh đồ án quy hoạch Hà Nội, nhất là phần trục Hồ Tây - Ba Vì. Quan điểm của ông như thế nào?
Chất lượng một đồ án quy hoạch phụ thuộc vào chuẩn đầu ra, chứ không phụ thuộc vào một nhóm người có quyền lực, hay của một nhóm người lấy danh là nhà khoa học. Không thể dùng quyền lực thuần túy, ý chí lãnh đạo để biện minh, thay thế cho khoa học.
Chuẩn đầu ra là các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với pháp luật.
Một là, việc lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch phải phù hợp với đường lối chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng thủ đô và quy định pháp luật.
Soi vào chuẩn này, quá trình lập, thẩm định Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội có nhiều vấn đề.
Ngay trong xác định tính chất thủ đô cũng chưa phù hợp với Pháp lệnh về thủ đô cũng chưa phù hợp với Pháp lệnh và các nghị quyết của Bộ Chính trị về thủ đô, ở đó, tính chất đầu tiên luôn là "trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia" chứ không phải là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia".
Sau tính chất là "trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia", thủ đô Hà Nội phải là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, chứ không phải là trung tâm kinh tế. (Năm 1993, khi phê duyệt quy hoạch chung thủ đô, nguyên TBT Đỗ Mười đã nhắc điều này).
Việc lập và thẩm định phê duyệt trái hoàn toàn điều 19, 21 của Luật Xây dựng và điều 19, điều 41, 42 của Luật quy hoạch đô thị. Theo đó, cơ quan tổ chức lập phải là UBND thành phố Hà Nội, báo cáo HĐND cùng cấp thông qua trước khi Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định, xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thế nhưng, với đồ án quy hoạch này, Bộ Xây dựng lại đứng ra tổ chức lập, đồng thời cũng là cơ quan đứng ra thẩm định, như vậy là không phù hợp.
Hội đồng thẩm định Quy hoạch chung phải có thêm các nhà chuyên môn giỏi. Nếu chỉ có đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước thì có khác gì vừa đá bóng, vừa thổi còi?
Người dân không mong gì hơn ngoài một quy hoạch thủ đô chất lượng xứng tầm.
Về chuẩn thứ 2: Đồ án Quy hoạch chung phải có cơ sở khoa học, bảo đảm sự phát triển bền vững của thủ đô.
Thực tế so với chuẩn này cũng có nhiều bất cập. Những dự báo nhìn chung không có đủ cơ sở khoa học, thay đổi thường xuyên, không đảm bảo độ tin cậy đã nêu trong các văn bản góp ý của các Hội nghề nghiệp.
Ví dụ, trong báo cáo lần I đã xác định mục tiêu "Thủ đô trở thành một thành phố bền vững, toàn diện, hàng đầu thế giới" thì trong báo cáo lần thứ 3 lại đổi thành "Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại".
Tỷ lệ đất xây dựng điều chỉnh liên tục, từ 40% ban đầu (đã công bố cho toàn dân) xuống 28.6%, lên 32%, rồi lại xuống 30%. Thực tế, chỉ hơn 27% là đất xây dựng đô thị.
Chỉ tiêu GDP điều chỉnh từ từ 20.000 USD/người/năm xuống còn 11.000 USD/người/năm, cũng rất nhanh chóng, không có cơ sở.
Địa điểm sân bay thứ 2 lúc đầu ở Phú Xuyên, sau về Ứng Hòa, và đến nay không thấy nhắc đến nữa.
Chuỗi đô thị sông Đáy, sông Tích thành vành đai xanh, giờ lại là hành lang xanh. Đặc biệt hành lang xanh sông Nhuệ khó có khả năng để mở rộng như trong bản vẽ.
Địa điểm xây dựng trung tâm hành chính quốc gia, dự kiến khoảng 200 ha, lúc bố trí ở Phương Trạch, Tây Hồ Tây, lúc lên Thạch Thất, Đồng Mô, sau lại để tạm thời ở Mỹ Đình và về lâu dài ở Ba Vì, có lúc lại nói trung tâm hình chính quốc gia là cả thủ đô. Báo cáo cuối cùng lại nêu Chính phủ tiếp tục quy hoạch lựa chọn địa điểm để đưa các bộ ngành ra ngoài nội đô, nghĩa là ngoại ô. Thật không biết đằng nào mà lường!
Trục Hồ Tây - Ba Vì đầu tiên là Thần đạo nên gọi là trục Thăng Long, bây giờ là trục Hồ Tây - Ba Vì. Có bên gọi là trục văn hóa lịch sử, có bên thì gọi là trục cảnh quan. Rút cuộc, không biết tên cuối cùng của trục này là gì?
Dự báo quy mô dân số cũng không nhất quán, lúc lên lúc xuống, đặc biệt dân số nông thôn đến năm 2050 thì ngày càng tăng.
Các khái niệm vành đai xanh, hàng lang xanh, đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng nhầm lẫn lung tung.
Tóm lại, các kết quả dự báo: dân số, đất đai, mô hình sử dụng đất, hạ tầng kĩ thuật, môi trường mang lại nhiều nguy cơ hơn là phát triển.
Chuẩn thứ 3: Đồ án Quy hoạch sau khi phê duyệt phải dùng để quản lý được. Đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội sau khi duyệt xong chỉ mang tính chọn đất, ra đầu bài quy hoạch cho từng đô thị, khu dân cư, nông thôn, sau đó mỗi đô thị, khu dân cư phải lập quy hoạch riêng, chứ không thể lập ngay quy hoạch phân khu được. Do đó, bây giờ có vẽ kĩ thì sau này vẫn phải làm lại.
Bài học từ 15 năm trước, coi trọng tính khả thi
Chuẩn thứ 4: Tính khả thi. Việc xác định tính khả thi phải căn cứ vào quá trình lịch sử, quy luật đô thị hóa, đặc biệt là việc thực hiện Quy hoạch chung được phê duyệt năm 1998, trong đó chuỗi đô thị Xuân Mai - Sơn Tây - Hòa Lạc.
Các dự án bố trí tại đây gồm Làng văn hóa dân tộc khoảng 1000ha, khu công nghệ cao cũng khoảng 1000 ha, khu đại học quốc gia gần 1000 ha, hai khu đô thị rất lớn, khu công nghiệp Phú Cát, khu trường quay Đồng Mô... Những dự án đó rất lớn, đều chiếm cả ngàn ha, thế nhưng đến nay khu Hòa Lạc sau 15 năm mới được 1 vạn dân, so với 60-70 vạn dân dự báo. Ngay cả đô thị Xuân Mai vẫn hoang sơ, còn Sơn Tây vẫn là một đô thị cũ.
Khu vực phía Bắc sông Hồng 11.800ha, chưa có dự án nào đáng kể trừ dự án đường 5 kéo dài, khu đô thị bắc cầu Thăng Long với sự tài trợ của vốn JICA, cũng mới chỉ có khu đô thị Sumutomo đang được xây dựng.
Nhìn chung, 11.800 ha đô thị mới Hà Nội hầu như vẫn còn nguyên. Bây giờ lại cộng thêm Mê Linh lúc đầu dự tính 60 vạn dân, nay lại điều chỉnh xuống 45 vạn dân, cũng vẫn còn quá lớn!
Quy hoạch năm 1998 khiêm tốn là thế, tới nay cũng mới làm được một số dự án, trong đó đường Phạm Hùng còn nham nhở, đường vành đai 1, 2 mới làm được từng đoạn.
Sau 15 năm, chúng ta có rút ra được bài học gì chăng?
Hơn nữa, nhu cầu vốn đầu tư để cải tạo và xây dựng đô thị rất lớn, chủ yếu từ tài chính công, với yêu cầu 60 tỷ USD giai đoạn đầu, trong vòng thời gian không dài, thật khó có thể huy động và giải ngân.
Trong khi đó, việc cải tạo các quân nội thành còn cả núi việc phải làm. Cộng dồn tất cả các đầu việc, khối lượng đầu tư quá lớn, liệu trong 20 năm tới, sức của chúng ta có kham nổi?
Có thể nói, đối chiếu với 4 tiêu chuẩn đầu ra đó, các hội nghề nghiệp đã có lí khi khẳng định đồ án chưa đạt yêu cầu.
Trục Hồ Tây - Ba Vì: Hô thần nhập lộ
Trong quy hoạch Hà Nội, vấn đề gây tranh cãi, tốn nhiều giấy mực chính là xung quanh trục Hồ Tây - Ba Vì. Quan điểm của ông thế nào?
Thực ra, đó là sự bất bình của dân trước ba vấn đề: tiền hậu bất nhất; sự không đồng nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước; việc tự thổi hồn, hô thần nhập lộ vào con đường chưa có và những đề xuất mâu thuẫn với chính nguyên lí về quy hoạch đô thị.
Cụ thể, sự bất cập của trục này như thế nào, theo ông?
Xây dựng một con đường không phải để chơi, nhất là khi chi phí mất gần 1 tỷ đô, hàng mấy trăm hecta đất ruộng, làm đảo lộn cuộc sống của dân cư hướng Tây.
Cả hai đề xuất của Hà Nội và Bộ Xây dựng đều không có giá trị nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch đô thị, vì con đường chỉ là tiểu tiết.
Nếu nói để nối Hà Nội với Ba Vì hoặc Đồng Mô thì chúng ta đã có đường rồi. Đó chính là đại lộ Thăng Long rộng 120m, có thể đáp ứng được nhu cầu giao thông cho vài chục năm tới.
Còn nếu nói làm con đường ấy để cho nhu cầu sau năm 2050, nghĩa là chúng ta muốn tạo ra một quy hoạch treo?
Về bản chất con đường nếu chỉ là tỉnh lộ, để đáp ứng nhu cầu giao thông, giữa Đông và Tây, thì không có gì để bàn cãi, nhưng do cách đặt tên trục này trục nọ, nên đã vô tình thổi hồi cho đường.
Cài cắm lợi ích cá nhân, anh sẽ tự phủ định mình
Nhiều người nhận xét hình như có sự vội vã về thời điểm duyệt quy hoạch chung, khiến cho chất lượng không đáp ứng được yêu cầu. Ông nghĩ sao?
Theo tôi, có lẽ vì trách nhiệm lớn, được Chính phủ giao nên các bên phải lo hoàn thành cho đúng tiến độ.
Hai là, những dự án dự kiến trong quy hoạch (với gần 800 dự án) đã khiến các DN phải chờ đợi, tạo nên sức ép lớn.
Ngoài ra, để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long nên việc quy hoạch chung được duyệt vào thời điểm này cũng là điều có ý nghĩa nhất định.
Tuy nhiên, không phải vin cớ áp lực thời gian để bao biện cho chất lượng quy hoạch. Theo ông, người dân ở đâu trong quy hoạch này hay đó chỉ là cuộc chơi chỉ của vài người đại diện Hà Nội và Bộ Xây dựng?
Hà Nội là thủ đô của cả nước. Quy hoạch chung Thủ đô phải đảm bảo người dân được hưởng lợi cao nhất thì mới có giá trị.
Phải nhớ ý người xưa "dân vi bản", "trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân", sau đó mới là "ý trẫm như vậy, các khanh thấy sao?" Bất kì bậc quân vương nào cũng phải "trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân" thì quy hoạch mới bền vững được.
Người ta nói đến chuyện lợi ích và các nhóm lợi ích trong việc quy hoạch Hà Nội. Theo ông, có hay không chuyện lợi ích trong vấn đề quy hoạch, kể cả phản biện của giới khoa học?
Tôi nghĩ các nhà khoa học cũng không bao giờ mang cái cá nhân, nhỏ nhen xen lẫn để làm gì. Những người tính toán lợi ích ích kỉ của mình ở đó, thì chính họ sẽ tự phủ định mình.
Đừng nghĩ biến việc lớn thành việc cá nhân là đơn giản.
Nếu ai đó cố mang lợi ích cá nhân mình vào cuộc chơi này thì họ sẽ tự mất tín nhiệm trước. Ví như Hạng Võ ngày xưa, Lưu Bang định mang quân đi đánh. Có cụ già: tại sao đánh? Lưu Bang đáp vì tôi ghét hắn. Cụ già khuyên: Vậy thì nên kéo quân về, vì chắc chắn thua. Đây là mối thù cá nhân, không có ích gì cho dân cho nước. Phải xem Hạng Võ có tội với dân với nước hay không, có thì dân mới theo.
Tìm bác sĩ tốt để chữa bệnh nan y
Thủ tướng là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong phê duyệt quy hoạch Hà Nội. Theo ông, trong bối cảnh Đồ án gây tranh cãi như thế này, làm thế nào để người đứng đầu Chính phủ có một quyết định đúng đắn?
Gặp bệnh nan y thì phải lo tìm bác sĩ tốt. Thuốc hay vì có thầy giỏi.
Gặp bài toán khó, Thủ tướng phải dùng các nhà khoa học, để hoàn chỉnh các khiếm khuyết, từ đó có quyết định đúng, có lợi cho dân cho nước.
Người dân không mong gì hơn ngoài một quy hoạch thủ đô chất lượng xứng tầm.
Tôi tin người Việt ai cũng mong sẽ có một thủ đô có quy mô vừa phải, hài hòa giữa đô thị với thiên nhiên, ở đó, người dân không khổ vì ngập lũ, không phải buồn bực vì ách tắc giao thông, không bị chen lấn vì sự rối loạn của thị trường nhà đất, làm giàu thủ đô bằng kinh tế tri thức, có môi trường sống hạnh phúc cho người dân, và các công chức, chính khách có thể thảnh thơi suy nghĩ và tìm lời giải cho những chuyện đại sự quốc gia.
Như vậy, Hà Nội hãy nhường quyền phát triển cho các đô thị xung quanh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên, Việt Trì...
Trong tương lai, hãy nhìn đây là đô thị vùng tính quốc tế, hướng ra biển, gắn kết thủ đô Hà Nội với Hải Phòng, nơi có cảng nước sâu Lạch Huyền, làm cửa ngõ cho thủ đô và vùng Bắc Bộ.
Nếu thủ đô phát triển trở thành thành phố - vùng thì ta sẽ bảo tồn được các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống nghìn năm, trong đó chức năng đầu não chính trị - hành chính là số một, sau đó là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, đào tạo, còn trung tâm kinh tế nếu có thì phải là kinh tế tri thức.
Ham một thành phố 10 triệu dân, hãy nhìn Tokyo với mạng lưới hạ tầng khổng lồ, hoặc Jakarta với sức ép lớn! Một nước nghèo như Việt Nam liệu có đủ sức đáp ứng yêu cầu?
Liệu Việt Nam muốn mở rộng "thả phanh" để mua sự đói nghèo, biến thủ đô thành một "siêu thành phố ngụy tạo" hay lựa chọn xây dựng một thủ đô vừa phải nhưng bền vững?
(Theo TuanVNN)
- 0
- By Admin
- 21/09/2010
- 17