• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Việt Nam chưa giàu để mua nhà triệu đô ở Anh, Mỹ!

LTS: Trước việc các công ty bất động sản Anh, Mỹ... sang chào hàng ở Việt Nam, có nhiều ý kiến cho rằng rất khó để sở hữu các căn hộ triệu đô ở nước nước ngoài. PV. VNR500 phỏng vấn ông Bùi Kiên Thành, một chuyên gia kinh tế - tài chính, với góc nhìn khác về dòng ngoại tệ trong nước sẽ bị thất thoát, trong khi Việt Nam chưa hẳn đã giàu.

Dự trữ ngoại hối quốc gia còn “đuối”

Ông Bùi Kiến Thành: Khác với doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài đầu tư các dự án bất động sản, việc người Việt Nam đi mua căn hộ ở nước ngoài là vấn đề tiêu dùng. Đó thuộc phạm trù nhập khẩu. Tức là ở đây chúng ta phải xuất đồng ngoại hối của mình ra mua hàng hoá mà gửi lại nước người ta chứ không đem về Việt Nam.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến cán cân ngoại hối của quốc gia. Phải đặt câu hỏi, như vậy dự trữ ngoại hối của mình có đủ sức để chịu hay không và có hợp lý trong tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay? Hơn nữa việc mua nhà nước ngoài sẽ làm tăng nhập siêu lên như thế nào?

Thực tế dự trữ ngoại hối của mình chỉ có 17-18 tỷ USD để bảo vệ cho tỷ giá của Việt Nam. Con số đó rất hạn hữu, mà biểu hiện ở chỗ mình hạn chế vấn đề người Việt Nam đi tiêu dùng ở nước ngoài với không quá 7.000 USD mỗi lần xuất cảnh, giờ mà bỏ ra 10 tỷ USD để mua nhà thì phải làm thế nào?

Hơn nữa, ở phương diện quản lý, giờ đột nhiên cho phép cá nhân đi mua cái nhà triệu đô thì đặt ra nhiều vấn đề lắm. Đó là những việc hiện giờ mình khó quản lý và chưa có điều kiện tài chính để quản lý.

- Theo chuyên gia, mức dự trữ, thặng dư về ngoại hối quốc gia phải đạt con số bao nhiêu thì Việt Nam mới có thể an tâm cho phép cá nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài?

- Khi nào Việt Nam xuất khẩu, thặng dư 2.000-3.000 tỷ đôla như Trung Quốc thì thoải mái. Nhưng thực ra Trung Quốc vẫn chưa cho thoải mái đâu. Đất nước 1,5 tỷ người ấy không phải ai cũng có thể đi mua nhà ở London, New York được, mà chỉ có khoảng mấy triệu đại gia, rồi “con ông cháu cha” mới mua được những căn hộ như vậy...

Còn ở các nước phát triển ví dụ bên Mỹ, GDP của họ đạt 14-15.000 tỷ đôla/năm, nhập siêu của họ cũng hàng trăm tỷ đôla. Mặc dù không có thặng dư nhưng họ cho phép điều này là bởi tình hình kinh tế của họ khác.

Việt Nam hiện nay cán cân thương mại bị mất cân bằng ở việc mình nhập rất nhiều, xuất ít. Sở dĩ tới nay mình có thể đáp ứng được vấn đề cán cân thanh toán là nhờ có kiều hối gửi về, với giải ngân FDI. Trong trường hợp như vậy thì mình là nước tương đối nghèo.

Phải chờ đợi đến lúc nào đất nước Việt Nam vươn lên, mọi người giàu có, đất nước không bị thiếu hụt về vấn đề ngoại tệ, không phải đi vay mượn nước ngoài, không phải trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư của nước ngoài vào... Chúng ta trở thành một cường quốc về kinh tế thì lúc đó nhân dân Việt Nam có thể thi hành được quyền tự do đầu tư của mình thoải mái.

Cần “dọn đường” về pháp lý ngay từ bây giờ!

- Chúng ta đã thông thương với quốc tế, nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư thì người Việt Nam cũng có thể đầu tư ở nước ngoài. Đó cũng là nhu cầu có thực và chính đáng của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như người dân, nhà đầu tư cá nhân. Vậy các cơ quan chức trách cần có động thái thế nào trước mong muốn có thực này, thưa ông?

- Theo pháp lệnh ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, trừ những trường hợp đặc biệt đã quy định trong pháp lệnh thì người Việt Nam chưa có quyền tự do chuyển tiền ra nước ngoài.

Tất cả vẫn phải theo các quy định của Nhà nước về vấn đề mua, sở hữu tài sản ở nước ngoài; không phải ngày mai mình ra ngân hàng thoải mái chuyển 1 triệu đôla cho bất kỳ ai, ở đâu, dù rằng 1 triệu đôla đó là của mình.

Ngoài ra, công dân Việt Nam không có quyền có tài khoản ở nước ngoài trừ khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.


Một góc căn hộ 375 Kensington High Street ở trung tâm London vừa được "chào hàng" tại Việt Nam

Theo tôi, vấn đề này cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Dù hiện nay không cho phép cá nhân mua bất động sản ở nước ngoài mà có thể 5-10 năm nữa, nhưng lúc này chúng ta cũng nên nghiên cứu những hành lang pháp lý để nắm được vấn đề, nghiên cứu tình hình của thế giới, các nước phát triển đang làm cái gì và chuẩn bị tới một thời điểm nào đó - khi Việt Nam trưởng thành về kinh tế, dồi dào về ngoại hối, mình sẽ có thể thoải mái hơn trong vấn đề mua bán hàng hoá trên thế giới.

Tất cả phải có thời gian để trưởng thành. Vấn đề là mình phải có nghiên cứu 1 vấn đề, về 1 thời điểm nào đó mình sẽ thực hiện những cái tất yếu đấy.

- Một khi nhu cầu mua bán, đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài của thị trường tăng lên đã và đang nảy sinh nhiều phương cách nhằm “lách luật”. Ông có nhận xét ra sao về thực tế này?

- “Lách” thì chắc có nhiều người lách rồi nhưng đó không phải là câu chuyện để mình trao đổi. Sở hữu 1 tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài hiện nay chưa được phép nên mình không tham gia ý kiến những cái mà một số người Việt đang làm không đúng với quy định của luật pháp.

Những nhà tiếp thị, tư vấn, bán hàng độc quyền các dự án của nước ngoài vào Việt Nam phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam chứ không nên khuyến khích người Việt Nam làm những việc gì mà luật pháp Việt Nam chưa cho phép hoặc nghiêm cấm.

Tất nhiên họ có quyền tự do ngôn luận nhưng bằng việc chào bán những hàng hoá mà công dân Việt Nam chưa được phép mua, khuyến khích một số người Việt dùng tiền sẵn có ở nước ngoài một cách bất hợp pháp để mua nhà như vậy là vi phạm pháp luật.

Với những người là công dân Việt Nam có tài khoản ở nước ngoài trái với pháp luật Việt Nam, nếu Chính phủ và các bộ ngành liên quan truy cứu ra anh có tiền ở đâu đấy thì người ta có quyền bắt anh phải giải quyết vấn đề đó bằng pháp lý, phải trả lời trước toà án dân sự hoặc hình sự.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo VNR500)


  • 0
  • By Admin
  • 11/09/2010
  • 17