• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Việt Nam: 'Quy hoạch nhiều nhưng chưa hiệu quả'

- Ông đánh giá thế nào về vấn đề quy hoạch của ta trong thời gian qua?

Đại biểu Trần Trọng Hanh. Ảnh: H.Lan

- Hiện nay, quy hoạch của ta đang gặp bất cập về thời hạn, phương pháp và tên gọi. Chúng ta làm nhiều quy hoạch nhưng các quy hoạch không khớp nối, không đồng bộ dẫn đến chồng chéo. Quy hoạch nông thôn, ta vẫn chưa làm được nhiều nhưng theo tôi phải có suy nghĩ từ bây giờ. Ta cần phải xã hội hóa, công tác quản lý đô thị đi với quản trị đô thị. Nếu có sự tham gia của các trường đại học, các viện nghiên cứu cùng toàn dân và Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn về phương pháp thì quy hoạch nông thôn vẫn có thể thực hiện tốt trong thời gian tới. Ta cần tránh quy hoạch lớn, nhiều nhưng chất lượng yếu, không bền vững, dẫn tới các công trình quy hoạch không hiệu quả, không đem lại lợi ích cho người dân.

- Hiện nay quy hoạch của Hà Tây còn chưa quy củ, thậm chí có vùng đô thị không san cốt nền. Theo ông, Hà Nội cần làm gì để phát triển đồng bộ và khắc phục được các hạn chế trên?

- Đó là một vấn đề nguy hiểm trong giai đoạn vừa rồi. Bởi khi xây dựng các thành phố lớn, các quận nội thành rất cần phải rà soát lại tất cả các dự án đang có. Trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ, sức chứa và đặc biệt là các thông số về kỹ thuật như kết cấu hạ tầng để đảm bảo thống nhất trong quy hoạch trong thời gian tới. Việc chưa kiểm tra công tác san cốt nền ở các khu dân cư và khu đô thị là một bài học và cũng là một tồn tại chúng ta phải rút kinh nghiệm nhanh chóng. Muộn còn hơn không bao giờ có. Theo tôi, đã đến lúc ta phải làm ngay việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện san cốt nền.

- Hạ tầng hiện nay của ta được đánh giá là rất yếu. Vậy theo ông, đến năm 2010, cùng với sự cải thiện hạ tầng mới, ta có giải quyết cơ bản được những úng ngập như trận mưa tháng 11 vừa qua không?

- Đương nhiên là dự án JICA 1 chỉ chịu được 100 mm thôi. Cả dự án JICA 2 có khả năng tăng lên được hơn 200 mm. Nếu xảy ra một trận lụt nữa như trận vừa qua, tôi e rằng ta khó có thể giải quyết được. Nhưng theo tôi, chúng ta không nên chờ làm một cách bài bản mà phải làm dần và làm ngay những điều nêu trên.

- Các nhà khoa học cảnh báo bê tông hóa hồ ao không đúng khoa học dẫn đến Hà Nội ngập lụt. Song, sau trận lụt vừa rồi, người ta lại lấp sông Tô Lịch để bê tông hóa. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Tôi cho rằng, lấp sông để bê tông hóa chỉ giải quyết được một phần. Nhiều nước đã làm rồi nhưng người ta lại phải đào ra. Trong đó Hàn Quốc là một ví dụ điển hình đã lấp bê tông hóa nhưng phải đào lại. Ngoài ra, đây còn thuộc về giá trị cảnh quan. Những vũng trũng mang tính cân bằng sinh thái. Do đó, đối với các dòng sông, cần hết sức thận trọng trong việc lấp kín chỉ để nhằm mục đích thoát nước thuần túy.

Quy hoạch phải phối kết đồng bộ, hợp nhất, chiến lược. Ảnh: Hoàng Hà.

- Cấp độ sụt lún của Hà Nội là do khai thác nguồn nước ngầm bất hợp lý. Nếu xét trong góc độ quy hoạch, khi xây các khu đô thị mới, mức độ sụt lún đóng vai trò thế nào thưa ông? 

- Trong bản đồ đánh giá tổng hợp về đất đai, người ta xem xét rất nhiều yếu tố. Trong đó có các yếu tố chính như tác động của điều kiện thiên nhiên, cốt nền, các khu vực lũ lụt, các tài nguyên khoáng sản ở dưới đất. Từ đó xác định được những vùng vùng thuận lợi, ít thuận lợi, vùng không thuận lợi, đặc biệt vùng cấm xây dựng. Những vùng gây nguy cơ đối với vấn đề an sinh con người dứt khoát phải tránh. Độ sụt lún trong quy hoạch chỉ giải quyết được trên bản đồ đánh giá tổng hợp và đây là một thành phẩm vô cùng quan trọng trong đồ án quy hoạch. Nếu bỏ qua vấn đề này sẽ gây đến hậu quả khôn lường.

- Nhưng thực tế ta vẫn tiếp tục khai thác nguồn nước ngầm và hiện tượng sụt lún có nguy cơ ảnh hưởng tới các khu đô thị đang xây dựng?

- Điều này đã được khắc phục bằng hai dự án cấp nước. Một là dự án sông Đà sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Hai là dự án nước sông Hồng đang triển khai phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

- Năm 2009, Hà Nội đề ra những chiến lược gì về quy hoạch thưa ông?

- Quy hoạch 2009 quan trọng nhất là phải phối kết đồng bộ mang tính hợp nhất, chiến lược, liên bộ, liên ngành. Trong đó ta cần lưu ý xác định cốt nền chuẩn của quy hoạch, chọn cốt nền công bằng cho tất cả các vùng từ đô thị mới đến cũ. Hai là hệ thống cống. Cống phải to, đủ rộng, để thoát nước như những dòng sông ngầm. Thứ ba là khơi thông các dòng sông lớn như sông Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy... Đồng thời chúng ta phải giữ, bảo tồn các hồ điều hòa, củng cố các trạm bơm và quy hoạch vùng xả lũ.

Theo Đô Thị

  • 0
  • By Admin
  • 10/12/2008
  • 17