• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Việc mua bán nhà thu nhập thấp cần có một cơ chế giám sát

Việc mua bán nhà thu nhập thấp cần có một cơ chế giám sát | ảnh 1
Người dân làm thủ tục xác định vị trí căn hộ của mình trong khu chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thành phố cũng đang chuẩn bị khởi công khoảng 8.300 căn hộ khác ở những khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, những vụ mua bán “chui,” làm sai lệch hồ sơ để chuyển nhượng nhà thu nhập thấp liên tiếp bị phát hiện thời gian qua đang hé lộ những kẽ hở về mặt quản lý Nhà nước liên quan đến chủ trương xây dựng, cung cấp nhà cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố.

Trường hợp đầu tiên bị phát hiện là vụ mua bán trao tay trái phép căn hộ số 1702 tại dự án CT1, Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội.

Cơ quan công an phát hiện, người được suất mua nhà thu nhập thấp đã bán căn hộ này với giá 1,1 tỷ đồng cho người khác. Vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời. Nhưng vướng mắc là ở chỗ, sau khi vụ việc bị phát hiện, mặc dù chủ đầu tư dự án CT1 và cả các ngành chức năng của thành phố đều thể hiện quan điểm kiên quyết xử lý, yêu cầu niêm phong căn hộ, chấm dứt hợp đồng mua nhà nhưng vẫn chưa thể thực hiện được vì đương sự vẫn đang sinh sống tại căn hộ này.

Liên quan tới trường hợp vi phạm trên, một cán bộ Sở Xây dựng cho rằng, chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi đối tượng nộp đơn mua nhà có hộ khẩu thường trú đã xác nhận chưa chính xác, bởi lẽ đây là trường hợp đã có nhà ở, không thuộc diện khó khăn về nhà ở trong khi chính quyền vẫn xác nhận đủ tiêu chuẩn mua nhà thu nhập thấp.

Tiếp sau vụ việc trên, cơ quan công an đã phát hiện thêm 4 trường hợp bất thường khác mặc dù không mua bán trái phép, nhưng lại thuộc diện không đủ điều kiện là đối tượng được mua nhà thu nhập thấp. Xử lý những sai phạm này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sở đã yêu cầu chủ đầu tư dự án - Công ty CP Vinaconex Xuân Mai - kiểm tra lại hồ sơ để xem xét việc chấm dứt hợp đồng mua bán nhà thu nhập thấp đối với các hộ gia đình này.

Mặc dù đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định rằng không có hiện tượng "cò" trong mua bán nhà giá rẻ; Hội đồng xét duyệt cũng thường xuyên kiểm tra để đảm bảo không có người thân quen nào tham gia mua nhà, nhưng vẫn xảy ra những trường hợp sai sót trên là d o các mẫu đơn xác nhận chưa thực sự hoàn thiện, vẫn có một vài trường hợp gian lận.

Một thực tế cho thấy, việc tìm hiểu, xác minh những đối tượng nộp đơn mua nhà thu nhập thấp, phát hiện, ngăn chặn những kiểu mua bán “chui” căn hộ là rất khó khăn nếu không có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước. Qua tìm hiểu, hiện có rất nhiều căn hộ thu nhập thấp sau khi được đặt mua bị bỏ hoang.

Trước tình trạng này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp trên toàn thành phố bổ sung một số nội dung mới vào hợp đồng mua bán căn hộ.

Cụ thể, sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ, nếu bên mua không đến ở thì coi như không có nhu cầu ở và cơ quan quản lý sẽ thu hồi căn hộ. Đồng thời, để hạn chế các đối tượng dùng thủ thuật “ở nhờ” để bán trao tay căn hộ, Sở Xây dựng còn yêu cầu thêm vào hợp đồng điều khoản “nếu bên mua cho người khác sử dụng nhà hoặc vi phạm quy chế quản lý nhà thì sẽ chấm dứt hợp đồng mua nhà.”

Cùng với đó, hồ sơ mua nhà sẽ bao gồm cả ảnh chân dung các thành viên hộ gia đình. Sau quy định mới của Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý những trường hợp nhà thu nhập thấp bị bỏ trống, đã có 2 trường hợp bị yêu cầu hủy hợp đồng, thu hồi lại nhà và 3 trường hợp khác mới bị phát hiện đang được xác minh, làm rõ.

Nhìn lại quy trình xác nhận, làm hồ sơ mua bán nhà thu nhập thấp, tất cả hồ sơ đều phải được sự xác nhận của chính quyền địa phương. Bởi vậy, việc xác nhận không đúng đối tượng, chính quyền cơ sở cũng cần phải có trách nhiệm trong sai phạm trên.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các phường phải niêm yết công khai danh sách dự án nhà ở thu nhập thấp đã nhận đơn mua nhà tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường. Đây là quy trình cần thiết để người dân biết và tham gia giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp giao dịch ngầm, lợi dụng chủ trương hỗ trợ người có thu nhập thấp để kiếm lời.

Chặt chẽ hơn, thành phố cũng quy định, với trường hợp có hộ khẩu tạm trú khi lập hồ sơ mua nhà, ngoài việc xác nhận về tình trạng nhà ở tại nơi tạm trú, yêu cầu bổ sung tình trạng nhà ở do địa phương xác nhận tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Công an thành phố chỉ đạo công an phường tại nơi có dự án nhà ở thu nhập thấp kiểm tra thường xuyên, nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu để phát hiện kịp thời việc mua bán nhà ở thu nhập thấp sai quy định.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện ở cấp phường hiện nay cũng có những cái khó, dẫn đến một số đối tượng mua nhà khi đi xin xác nhận đã "qua mắt" được chính quyền sở tại. Bởi mặc dù có hộ khẩu thường trú tại địa bàn và không có nhà ở, phải đi thuê nhà hay ở nhờ ngay tại địa phương đó, nhưng chính quyền phường làm sao biết đối tượng đó có nhà ở nơi khác hay không? Nên ở một số nơi, chính quyền cơ sở chỉ biết dựa vào hộ khẩu thường trú để kiểm tra, xác nhận.

Chủ trương xây nhà ở xã hội là chủ trương đúng, hợp lý của Nhà nước để hỗ trợ những đối tượng thực sự khó khăn về nhà ở. Công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, sinh viên học tại các trường đại học, cao đẳng, các cán bộ công nhân viên có mức thu nhập thấp ở đô thị chưa có nhà đều có quyền tiếp cận nhà ở xã hội. Nên chăng, cần sắp xếp lại cơ chế xét duyệt để có sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm cả những người có thu nhập thấp, tạo điều kiện cho họ tự bình xét, bỏ phiếu dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước để hạn chế những trường hợp sai đối tượng vẫn được mua nhà./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

  • 0
  • By Admin
  • 21/07/2011
  • 17