Vì sao sàn "nội" bị lấn át?
Trong khi đó, Savills, Knight Frank hay CBRE… thời gian qua liên tục “được mời” làm đại lý phân phối độc quyền bán các sản phẩm BĐS Việt Nam, nhất là ở phân khúc “hạng sang”. Cuộc trao đổi với anh Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Đầu tư Cty Dotexco phản ánh đôi nét hiện tượng này.- Theo anh vì sao có hiện tượng này trong thời gian gần đây?
Hiện nay đúng là có sự lấn lướt của các thương hiệu ngoại, đặc biệt là Savills, Knight Frank, CBRE hay VinaLiving (của VinaCapital) vừa ra đời đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều chủ đầu tư lớn. Điều này đang dần rõ rệt hơn sau khi có quá nhiều những vụ sai phạm tại sàn, (thậm chí sàn của chủ đầu tư) dẫn tới khiếu kiện làm lòng tin của khách hàng, chủ đầu tư vào sàn giảm sút trông thấy. Mới đây nhất là các vụ UdicLand, Vân Canh, Geleximco khiến cho không chỉ lòng tin khách hàng vào thị trường sụt giảm, mà còn ảnh hưởng xấu tới uy tín của những sàn hoạt động nghiêm chỉnh.
Khách hàng bắt đầu tìm tới các thương hiệu ngoại với sự yên tâm về độ minh bạch, chuyên nghiệp cao hơn nhiều so với sàn nội. Ngoài ra, ưu thế chủ đạo của thương hiệu ngoại còn từ nguồn vốn dồi dào, thế mạnh tài chính và đặc biệt là quan hệ ngoại giao. Đây chính là điểm mấu chốt quyết định sự phát triển bền vững của một đơn vị sàn.
- Giải pháp cho tính chuyên nghiệp cao hơn (bắt kịp các sàn ngoại) của sàn nội địa là gì?
Thực ra có rất nhiều khóa đào tạo về nghiệp vụ BĐS, môi giới, định giá, tư vấn do các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương... hay do chính các thương hiệu sàn trong nước tổ chức như Hoàng Quân là một dẫn chứng. Điều này hoàn toàn do các sàn tự đầu tư cho đội ngũ chuyên viên của mình. Tuy nhiên, theo tôi được biết sự đầu tư này chưa rõ ràng và tập trung. Thay vì tới các khóa do chính những thương hiệu hàng đầu tổ chức, nhân viên các sàn thường chỉ tốt nghiệp các khóa đào tạo tại những trường ĐH nêu trên. Lý do đưa ra vẫn là khả năng tài chính.
Với các sàn tầm trung và nhỏ, việc này rất khó khăn bởi chi phí cho mỗi khóa của thương hiệu ngoại danh tiếng hiện nay chênh tới 50 - 100% so với trong nước. Nếu so sánh cụ thể qua chính trình độ của những sàn này với các sàn nội, những gì họ đào tạo thường rất chuyên nghiệp hiện đại nhưng lại chưa thể bắt kịp ngay thị trường Việt Nam, còn lại, ưu thế của những khóa đào tạo trong nước chính là bám sát thực tế thị trường BĐS. Giải pháp dài hạn cho các sàn nội là đầu tư tối đa cho việc đào tạo chuyên môn của nhân viên, đặc biệt là nghiệp vụ bán hàng.
- Có ý kiến cho rằng, việc liên thông các sàn sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường, và tăng độ chuyên nghiệp giúp cho các sàn nội “không bị lép vế” trước các thương hiệu ngoại. Anh nghĩ đây sẽ điều các sàn hướng tới?
Chắc chắn như vậy, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, điều đó rất cần thiết. Hiện số lượng sàn tại Hà Nội tham gia mạng sàn chưa tới 100 sàn trong tổng số gần 800 sàn hiện nay. Con số khiêm tốn này cho thấy vẫn có sự hạn chế, chưa tin tưởng vào những lợi ích khi tham gia mạng sàn của nhiều đơn vị. Chia sẻ cơ hội, thông tin và cùng phát triển chính là khởi đầu của sự chuyên nghiệp.
Hơn thế nữa, sự liên thông trong cùng mạng sàn (đến một tầm cao hơn là liên kết tương hỗ) giữa các sàn nội sẽ giúp củng cố lòng tin của khách hàng, khẳng định sự chuyên nghiệp không hề thua kém các thương hiệu ngoại thông qua sự tự vận động, hỗ trợ đào tạo của các sàn nội. Ngoài ra, việc phân cấp phân loại sàn (theo tiêu chí do cơ quan quản lý Nhà nước đề ra), xếp loại bình bầu theo từng năm và kèm theo đó là những quyền lợi cho các sàn tốt, sẽ là cú hích quan trọng cho việc chuyên nghiệp hóa các sàn giao dịch BĐS và lành mạnh thị trường BĐS nói chung.
(Theo Báo Xây dựng)
- 0
- By Admin
- 15/07/2011
- 17