• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vì sao phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai?

Việc tổ chức thi hành Luật Đất đai đã được các cấp, ngành quan tâm hơn, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm trong quản lý và sử dụng đất có chiều hướng giảm dần, bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, giao đất không đúng đối tượng. Đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn. Thủ tục hành chính về đất đai đã minh bạch và cụ thể, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Cơ chế “một cửa” trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai được thiết lập tại nhiều địa phương…

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ TN&MT – Phạm Khôi Nguyên thừa nhận, quá trình triển khai trong những năm qua đã nảy sinh một số vấn đề trong công tác quản lý, sử dụng đất đai cần sớm được khắc phục, như các quy định về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, cũng như việc tổ chức thi hành tính khả thi còn thấp, thiếu chắt chẽ, chưa có cơ chế rõ ràng, cụ thể trong vấn đề tài chính về đất đai, nhất là về bồi thường, tái định cư… dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng đất.

Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chung chung, chưa rõ ràng về chỉ tiêu diện tích sử dụng từng loại đất, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, tính khả thi thấp, chế độ trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa rõ ràng. Đặc biệt, việc sử dụng diện tích đất lúa nước để phát triển công nghiệp, dịch vụ đang diễn ra ở nhiều địa phương mà chưa được tính toán một cách đầy đủ, có nguy cơ dẫn tới tình trạng không bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia.

Cơ chế quản lý tài chính về đất đai cũng chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Việc định giá đất nhìn chung chưa đảm bảo nguyên tắc sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, làm cho giá đất theo khung giá do Nhà nước quy định với giá thực tế còn chênh lệch khá cao, dẫn tới tình trạng khiếu kiện khi thu hồi đất thường xuyên xảy ra.

Thị trường BĐS hoạt động vẫn còn mang tính tự phát, nhiều giao dịch về đất đai không qua cơ quan nhà nước. Tình trạng đầu cơ đất đai tại nhiều đô thị đang góp phần đẩy giá đất tăng cao không hợp lý, gây nhiều tiêu cực về kinh tế, xã hội, đặc biệt là tác động xấu đến môi trường đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ chế huy động nặng về hành chính, thiếu cơ chế điều tiết bằng chính sách kinh tế, tài chính.

Nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tưng xứng với tiềm năng, nguồn lực dẫn đến thất thu ngân sách phục vụ cho yêu cầu phát triển. Còn tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất đai tuy có giảm, nhưng lại diễn biến phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chưa hiệu quả. Chưa thanh tra xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai. Hơn nữa, pháp luật về đất đai và hệ thống pháp luật có liên quan còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, làm cho việc thi hành có nhiều lúng túng và trong nhiều trường hợp thiếu sự thống nhất như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2003 là cấp bách và cần thiết. Một trong những nguyên tắc trong lần sửa đổi này là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đất đai, nhằm minh bạch hóa, phát huy tốt nguồn lực đất đai, thuận lợi hơn cho người sử dụng đất và bảo đảm chặt chẽ về pháp lý. Và Luật sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào hai nội dụng gồm quy hoạch đất đai và tài chính về đất đai.

Theo Kinh Tế Đô Thị

  • 0
  • By Admin
  • 12/08/2008
  • 17