• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vì sao phải “giải cứu” thị trường bất động sản?

'Giải cứu' để tránh tác động hệ thống

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước ngày 27/6, Bộ Xây dựng cho rằng, sau một thời gian các ngân hàng thương mại áp dụng thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều dự án bị đình lại do thiếu vốn, thanh khoản trên thị trường giảm sút rõ rệt. Nếu để tình trạng trên xảy ra trong một thời gian dài, dễ khiến thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có hướng dẫn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phân định rạch ròi các khoản vay đối với lĩnh vực bất động sản nói chung, trên cơ sở không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản.
Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở. Một số khoản mục có thể giữ nguyên tỷ trọng, như: vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.
Cần nghiên cứu thêm hình thức "chuyển nợ" từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng thống nhất với Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan để trao đổi thông tin hàng tháng về tình hình tín dụng bất động sản và tình hình thị trường bất động sản, làm cơ sở tham mưu với Chính phủ về quản lý thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp để quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.
Đáng lưu ý, đây là lần thứ hai trong vòng hai năm qua, Bộ Xây dựng chính thức có ý kiến đề xuất  “giải cứu” thị trường bất động sản. Cuối năm 2009, khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng ảm đạm do lạm phát, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ hàng loạt giải pháp 'cứu' thị trường như cho chủ đầu tư được phép huy động vốn khi dự án chưa xây xong móng, cho phép giãn nợ, khoanh nợ, khấu trừ thuế, miễn lệ phí trước bạ... Và những giải pháp trên đã phát huy tác dụng tích cực như người ta chứng kiến.

Mở nơi cần mở

Thực tế, trong thời gian qua, nguồn vốn cho cả đầu vào lẫn đầu ra trên thị trường bất động sản vẫn được cho là dựa quá nhiều vào ngân hàng. Với chính sách thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất khiến chủ đầu tư lẫn khách hàng trong lĩnh vực địa ốc phải đối mặt không ít khó khăn.
Do khó khăn trong vay vốn nên nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ dự án, vi phạm hợp đồng với khách hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải "bán tống bán tháo" dự án của mình vì không có đủ vốn để triển khai tiếp. Để tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đua nhau khuyến mại, giảm giá hoặc hỗ trợ chi phí, thủ tục vay ngân hàng nhưng đều không cải thiện được tình hình. Nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ tạo nhiều áp lực không chỉ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản, mà còn tác động xấu tới các ngành sản xuất liên quan, kể cả ngành tài chính, ngân hàng.
Ngoài ra, việc siết chặt tín dụng đối với thị trường BĐS một cách đại trà như hiện nay khiến nhiều ngành nghề sản xuất trong lĩnh vực bất động sản cũng bị rơi vào khó khăn. Tất cả các mặt hàng VLXD phục vụ cho ngành xây dựng đang ở trong tình trạng bị tồn kho, ế hàng vì thế đã có những ý kiến cho rằng, cần phải định rõ đâu là những khâu cần thắt chặt, và đâu là những lĩnh vực cần tiếp tục tạo điều kiện để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất.

(Theo DĐDN)

  • 0
  • By Admin
  • 28/06/2011
  • 17