• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vì sao người dân không mặn mà với sổ đỏ?

Phiền và tiền

 

Luật Đất đai khó thực hiện là cái khó, nỗi khổ của nhiều địa phương, không phải là chuyện riêng của Thủ đô Hà Nội. Tại TP Hồ Chí Minh, suốt 5 năm qua, Sở TN&MT thường xuyên bị cắt thi đua vì lý do không hoàn thành kế hoạch, chủ yếu là vấn đề liên quan đến cấp GCNQSDĐ. Nguyên nhân do rất nhiều hồ sơ đã thụ lý xong hoặc trong quá trình thụ lý thì chính sách thay đổi, thế là đành chậm lại. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, TP còn khoảng 65.000 trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ nhưng người dân không đến nhận vì chưa nộp được lệ phí trước bạ theo giá đất mới (cao hơn từ 8 đến 15 lần giá đất năm 2004). Tỉnh Hải Dương cũng chung thực trạng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phân tích ngắn gọn nguyên nhân khiến nhiều GCNQSDĐ đã được ký nhưng không đến được người sử dụng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) nêu hai lý do chính: "Phiền và tiền".

Phiền ở đây là trình tự thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính còn nhiêu khê. Theo quy trình thủ tục cũ, người dân phải đi lại khoảng 5 lần. Theo quy trình mới ở Thông tư liên tịch số 30 của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT thì dân đi lại khoảng 3 lần. Quy định là vậy nhưng nhiều cử tri phản ánh, thực tế vẫn rất phiền hà nên họ vẫn ngại. Thứ hai là tiền. "Đúng là do hoàn cảnh, một số người dân chưa có lo hoặc không có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính, cho nên họ cũng phó thác ở đấy", ông Hợp nhấn mạnh..

 

Nhận định của cơ quan công quyền là vậy, nhưng một bộ phận người dân thì cho rằng, họ chưa mặn mà với việc nhận GCNQSDĐ vì không chỉ bởi thủ tục phiền hà mà là do họ thấy tự ái khi luôn phải ở thế chạy theo để được hưởng quyền công dân.

 

Người dân bị động

 

Chị Đào Thị Thoan ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình thẳng thắn nói, từ năm 1993 tới nay, chính sách về đất đai luôn thay đổi khiến người dân không biết phải thực hiện quyền lợi của mình như thế nào. Cụ thể, trước năm 1994, Luật Nhà đất qui định chỉ cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất. Thế nhưng đến ngày 5-7-1994, Chính phủ ban hành Nghị định 60/CP lại quy tất cả nhà ở và đất ở tại đô thị đều phải được đăng ký. Chủ sở hữu hợp pháp được cấp sổ hồng và sổ đỏ.

 

Năm 2003, Luật Đất đai mới do Quốc hội Khóa XI thông qua tiếp tục điều chỉnh vấn đề sổ đỏ, sổ hồng bằng qui định sổ đỏ được cấp cho người sử dụng đất theo một mẫu thống nhất trong cả nước đối với mọi loại đất. Trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên sổ đỏ; chủ sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo qui định của pháp luật về đăng ký bất động sản. Tuy nhiên, sau nhiều lần tranh cãi không thống nhất được, Luật Nhà ở được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 29-11-2005 lại phủ nhận qui định nói trên của Luật Đất đai bằng qui định: nếu chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một GCN chung là GCNQSHN ở và QSDĐ ở (gồm cả sổ hồng và sổ đỏ). Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì chỉ được cấp sổ hồng.

 

Do cơ quan chức năng chưa thống nhất được 1 loại GCN cho cả nhà và đất nên hiện có đến bốn loại giấy khác nhau: GCNQSDĐ (sổ đỏ) cũ - mới, GCNQSHN ở (sổ hồng) cũ - mới. Các giấy tờ này được đăng ký ở nhiều cơ quan, thực hiện với nhiều loại giấy khác nhau, khiến người dân liên tục phải ở thế "chạy theo". Việc tồn tại hai hệ thống GCN khác nhau do hai ngành khác nhau quản lý, thực hiện theo hai qui trình khác nhau làm hệ thống quản lý nhà nước rơi vào cảnh mù mờ, phức tạp, tốn kém và có kẽ hở. Nó còn khiến người dân hoang mang, e ngại. Bởi mỗi thủ tục lại phụ thuộc quá lớn vào thái độ, quan điểm giải quyết của các cơ quan quản lý chuyên ngành với các rào cản dưới dạng "đặc thù của từng địa phương", "quy hoạch ngành"... Vấn đề này đã được người dân kêu ca, báo chí phản ánh nhiều, nhưng vẫn chậm thay đổi. Đó là còn chưa kể đến mâu thuẫn giữa các qui định trong Luật Đất đai với các luật khác, gây ra nhiều khó khăn và phiền toái cho các nhà đầu tư và người sử dụng đất. Ví dụ, theo Điều 122 Luật Đất đai năm 2003, yêu cầu hồ sơ xin cấp đất của nhà đầu tư phải có đơn xin cấp đất, giấy phép đầu tư và hồ sơ dự án mới được giao đất. Nhưng theo Điều 37 Luật Xây dựng thì nhà đầu tư lại phải có các văn bản: thông tin giải trình về dự án (tác động về kinh tế, xã hội, môi trường...), thiết kế cơ bản cho các công trình (thiết kế công trình, giải pháp xây dựng và sử dụng đất), nên nhà đầu tư không thể xin phê duyệt và cấp phép đầu tư nếu không có đất cho dự án…

 

Được biết, có những mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với những luật khác, Bộ TN&MT đang tổ chức lấy ý kiến các tổ chức để chỉnh sửa Luật Đất đai cho phù hợp. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, Luật Đất đai sẽ tác động rất lớn đến việc sử dụng đất đai của hàng chục triệu người dân, do đó việc bà con không được tham gia đóng góp ý kiến sẽ là thiệt thòi cho chính họ.

 

Theo Hà Nội Mới
  • 0
  • By Admin
  • 25/03/2009
  • 17