• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vì sao Nhật Bản giải quyết thành công vấn đề nhà ở?

Hiện nay nhiều nước đang chật vật giải bài toán thị trường nhà đất, nhất là Trung Quốc việc giải quyết nhà ở cho dân đã trở thành vấn đề xã hội phức tạp.

Với tiêu đề “Vì sao người Nhật Bản không lo âu về nhà ở?”, Tờ “Kinh tế tài chính” Trung Quốc ngày 26/11 viết: “Hiện nay vấn đề nhà ở và thị trường nhà đất đang là tiêu điểm sôi động ở Trung Quốc. Bao nhiều năm nay, Trung Quốc chưa giải quyết tốt bài toán nhà ở. Việc không kiếm được căn hộ để ở là tình cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng mới cưới ở Trung Quốc. Nhiều công nhân viên, cán bộ với đồng lương hiện nay thì cả đời cũng không thể mua nổi một căn hộ. Vấn đề nhà ở là vấn đề dân chúng có nhiều ý kiến phàn nàn nhất hiện nay trong xã hội. Để giải quyết khó khăn về nhà ở, vừa qua chính phủ Trung Quốc quyết định xây dựng 36 triệu căn hộ trong thời gian 5 năm tới. Trong khi đó người Nhật Bản từ trước tới nay hầu như không ai lo lắng tới chuyện nhà ở. Vì sao vậy?”

Vì sao Nhật Bản giải quyết thành công vấn đề nhà ở? | ảnh 1

Qua phỏng vấn với một số quan chức phụ trách vấn đề nhà ở của Nhật Bản, tờ báo cho biết chính phủ Nhật Bản đã nhận thức từ rất sớm vấn đề “an cư lạc nghiệp” của dân chúng ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhất là vấn đề nhà ở đã được chính phủ Nhật đưa lên thành vấn đề chiến lược đầu tiên cần giải quyết.

Quan chức quản lý nhà đất của chính phủ Nhật Bản cho biết ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Tokyo đã điểm lại “công và tội” của chính sách nhà đất để vạch ra chiến lược phát triển đúng đắn, sửa chữa lại những khiếm khuyết về chính sách nhà đất quy định trước đó.

- Trước tiên về mặt pháp lý, Điều 25 trong Hiến pháp mới công bố năm 1947 của Nhật Bản có quy định: “Mọi người dân Nhật Bản đều có quyền được hưởng  quyền sinh sống tối thiểu nhất là lành mạnh và văn minh”. Theo quy định này, chính phủ khởi động chính sách nhà đất dựa vào ba trụ cột chính là: 1-Xây dựng các “khu chung cư” do nhà nước phụ trách mà cao điểm từ năm 1951 để giải quyết nhà ở cho dân. 2-Lập “Quỹ nhà đất” năm 1950 của chính phủ cho dân chúng vay tiền mua nhà. 3- Lập các “Nghiệp đoàn xây dựng nhà ở” năm 1955 để huy động tiền vốn của dân chúng và các quỹ của doanh nghiệp vào xây dựng nhà ở. Với ba trụ cột này, Nhật Bản đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu 4,6 triệu căn hộ tồn đọng lại từ năm 1946.

- Hai là về đối tượng chính sách ưu tiên mua và phân nhà. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản là ưu tiên xây nhà phục vụ cho tầng lớp có thu nhập thấp. Điều này trái với Trung Quốc là ưu tiên xây nhà kinh doanh chứ không phục vụ cho người thu nhập thấp. Xuất phát từ tình hình thực tế sau Chiến tranh có nhiều dân nghèo vùng nông thôn ra thành thị tìm việc làm, vì vậy Chính phủ ưu tiên dành nhà ở cho họ. Ngoài ra Chính phủ còn khuyến khích các doanh nghiệp, công đoàn dành ưu đãi cho tầng lớp dân nghèo này. Không riêng tần lớp nghèo mà tầng lớp trung lưu và trí thức cũng được nhà nước quan tâm. Bởi vì, đây là tầng lớp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và là tầng lớp nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước, nên nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn cũng có chính sách ưu đãi nhất định đối với tầng lớp này.

- Ba là chế độ cho vay mua nhà. “Quỹ nhà đất” lập năm 1950 trực tiếp cho người cần mua nhà vay với lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian dài. Từ năm 1950 tới năm 2006, đã có tới trên 19 triệu hộ gia đình vay tiền mua hoặc xây nhà. Năm 2010 khoản kết dư cho vay mua, thuê nhà tới 30.000 tỉ Yên, chiếm 30% tổng quỹ nhà đất. Kể từ năm 1970 tới nay, Chính phủ Nhật Bản cũng có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xây dựng nhà ở cho dân chúng. Hiện nay số nhà ở do doanh nghiệp tư nhân xây dựng chiếm tới 70% tổng số căn hộ được xây dựng. Tuy nhiên tình hình kinh tế ở Nhật Bản gặp khó khăn, nên kể từ năm 1993, Chính phủ ban hành “Chính sách thuê nhà ưu đãi” song song với việc mua nhà, chủ yếu giải quyết tình trạng khó khăn nhà ở cho công chức và các cặp vợ chồng mới cưới. Theo chính sách này, người thuê nhà chỉ trả tiền thuê chiếm khoảng 1/8 lương tháng, còn lại do công ty và doanh nghiệp chi trả. Bởi vậy, xu thế nhiều người chuyển từ mua nhà sang thuê nhà ngày càng nhiều.  Do tài chính khó khăn, nên từ tháng 4/2007 chính phủ Nhật Bản đã tiến hành cải cách “Quỹ nhà đất” thành “Cơ quan hỗ trợ tiền nhà đất” cho phù hợp với tình hình thị trường biến động. Mục đích chủ yếu là đưa việc mua thuê nhà gần với giá thị trường hơn, đồng thời huy động được nhiều nguồn vốn cho Quỹ từ thị trường và trong dân chúng.

- Bốn là vấn đề chất lượng. Một thực tế ở Nhật Bản là động đất thường xuyên xảy ra, nên ưu tiên hàng đầu là chất lượng. Đối với các nhà đầu tư, kinh doanh xây dựng nhà ở, thực sự lãi suất không cao bằng đầu tư vào các lĩnh vực khác, nhưng không vì thế mà lơ là về chất lượng. Tình trạng nhà ở và trường học sập đổ hàng loạt do chất lượng xấu khi động đất xảy ra ở Vấn Xuyến, tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc vào  tháng 2/2008 không có ở Nhật Bản. Nhật Bản cho rằng công trình xây dựng chất lượng kém chẳng những nhanh chóng xuống cấp mà việc bảo dưỡng cũng khó khăn, nên thực tế là giá thành rất cao chứ không rẻ như các nhà đầu tư tính toán.

- Năm là vấn đề phân phối công bằng. Đây cũng là vấn đề quan trọng giảm thiểu những tiêu cực nảy sinh trong dân chúng và xã hội. Để thực hiện công bằng, thì những người xin mua hoặc thuê nhà phải xuất trình “Giấy chứng nhận thuế cá nhân” cho Sở thuế vụ thành phố. Căn cứ vào mức đóng thuế này, chính phủ sẽ có phân phối thích hợp cho mọi người. Ngoài ra, việc phân phối vào ở căn hộ nào sẽ do Chính quyền đứng ra tổ chức “bốc thăm” công khai. Nếu như ba lần đầu người dân chưa bốc được thì cơ hội sẽ tăng lên hai lần, tức người đó có 6 cơ hội tiếp để bốc thăm, nên thế nào cũng được căn hộ vừa ý. Bởi vậy tình trạng lừa đảo, mua chui, bán chui nhà ở dường như không xảy ra ở Nhật Bản.

Quan chức chính phủ Nhật Bản nêu trên cho biết do “Bài toán nhà ở” của Nhật Bản đã được coi trọng từ lâu và được coi là “vấn đề chiến lược”, đồng thời luôn có cải cách cho phù hợp với tình hình thực tế thị trường, xã hội và thu nhập của người dân, nên những “cơn sốt nhà đất”, “điểm nóng xã hội nhà đất” dường như không xảy ra ở Nhật Bản.

(Theo Tamnhin.net)

  • 213
  • By Admin
  • 29/11/2011
  • 17